Ngành Thủy sản tỉnh Phú Yên hiện đối mặt với tình trạng thiếu nguyên liệu trầm trọng, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp.
Công Ty TNHH MOSC Việt Nam - Khu Công Nghiệp Hòa Hiệp, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên có 100 % vốn từ Philipines, chuyên chế biến các mặt hàng thủy sản. Mỗi tháng, công ty này xuất từ 4 - 7 container hàng, chủ yếu là các sản phẩm cá thịt trắng như: cá Chim, cá Bóp, cá Thu, cá Nục Heo...
Theo đại diện của Công ty, đầu năm, đơn hàng nhiều, nhưng do thiếu nguyên liệu nên Công ty rất dè dặt trong việc chốt đơn hàng với đối tác. Bà Cao Thị Phượng, Phó Giám đốc Công Ty TNHH MOSC Việt Nam cho biết, hiện đang là mùa chính vụ của ngành thủy sản, nhưng nguồn nguyên liệu trong nước cũng chỉ đáp ứng khoảng 30% nhu cầu nguyên liệu cho sản xuất. Công ty cũng tìm mọi cách để mua nguyên liệu từ các tỉnh về nhưng vẫn không đủ.
Công ty Cổ phần thủy sản Bá Hải, ngoài chế biến các loại tôm, còn chế biến các mặt hàng như: cá Tuyết, cá Ngừ, cá Sọc Dưa... Năm nay tình trạng thiếu hụt tôm nguyên liệu trầm trọng hơn do ảnh hưởng dịch Covid-19, cùng với đó thời tiết diễn biến phức tạp cộng với nhiều yêu cầu nghiêm ngặt trong hoạt động khai thác thủy sản càng khiến việc tìm kiếm nguồn nguyên liệu trở nên khó khăn hơn. Vì vậy, thời điểm này nhiều nhà máy chế biến hoạt động cầm chừng.
Ông Phan Văn Lai, Trưởng Phòng Tổ chức Hành chính, Công ty Cổ phần thủy sản Bá Hải đề nghị: “Doanh nghiệp cùng với ngư dân cần thành lập HTX thủy sản để được vay vốn nhà nước, triển khai công tác hậu cần; gắn kết thiết bị để cho ngư dân đánh bắt ở ngư trường và thu mua được cá trong thời gian ngắn ngày nhất để đảm bảo chất lượng”.
Các nhà máy không có nguồn nguyên liệu để chế biến.
Theo bà Lê Thị Hằng Nga, Phó Chi cục trưởng Chi Cục Thủy sản Phú Yên, nguyên liệu đầu vào là yếu tố sống còn đối với chế biến, xuất khẩu thủy sản. Để chủ động sản xuất, vấn đề quan trọng là phải chủ động nguồn nguyên liệu. Theo bà Nga, đối với thủy sản nuôi trồng như tôm thì việc quy hoạch vùng nuôi gắn với diện tích thực từng vùng, dựa trên phân tích tiềm năng từng khu vực là rất cần thiết.
“Trước hết Sở Nông nghiệp cũng đã có báo cáo với UBND tỉnh kiến nghị chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn các địa phương làm thủ tục cấp giấy chứng nhận sử dụng đất, nước để bà con nuôi trồng thủy sản. Thứ 2 là tăng cường tuyên truyền cho bà con để bà con hiểu được yêu cầu từng thị trường trong thời gian tới”, bà Lê Thị Hằng Nga cho hay.
Để chuẩn bị cho kế hoạch xuất khẩu năm nay, nhiều công ty hoạt động trong lĩnh vực thủy sản vừa khẩn trương tìm kiếm thị trường với những đối tác phù hợp nhập khẩu, vừa giữ nguồn hàng và chủ động tìm kiếm nguyên liệu từ các nước như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ… Về lâu dài, nhiều công ty xuất khẩu thủy sản ở tỉnh Phú Yên mong muốn có sự gắn kết chặt chẽ với ngư dân, thành lập hợp tác xã thủy sản vừa cung cấp nguồn nguyên liệu ổn định, vừa có cơ hội thụ hưởng các chính sách của nhà nước, thúc đẩy ngành xuất khẩu thủy sản phát triển ổn định, bền vững.
(Theo VOV)