Trong số tàu cá xa bờ, nhóm nghề có nguy cơ cao vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác trái phép là nhóm nghề câu khơi, nghề lặn...
Chiều ngày 19/4, đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có buổi làm việc với Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận về tình hình triển khai thi hành Luật Thủy sản năm 2017 và chống khai thác bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.
Việc triển khai thi hành Luật Thủy sản năm 2017 đã được Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận quan tâm chỉ đạo rất sớm.
Từ đầu năm 2018, thực hiện triển khai các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách ngăn chặn, chấm dứt tàu cá ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài và các hành vi khai thác bất hợp pháp theo Công điện 732/CĐ-TTg về ngăn chặn, giảm thiểu và chấm dứt tàu cá và ngư dân Việt Nam khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài, Chỉ thị 45/CT-TTG về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo IUU của Ủy ban châu Âu và Quyết định số 78/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch hành động Quốc gia nhằm ngăn chặn, giảm thiểu và loại bỏ khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định đến năm 2025 của Thủ tướng Chính phủ; tỉnh đã chỉ đạo ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn chuẩn bị cho triển khai thi hành Luật Thủy sản khi có hiệu lực.
Theo Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận, việc tổ chức mở các lớp tuyên truyền Luật Thủy sản trực tiếp tại cơ sở và ngư dân được triển khai tích cực.
Năm 2018, Chi cục Thủy sản đã chủ trì, phối hợp với lực lượng biên phòng và chính quyền địa phương tổ chức được 28 lớp tuyên truyền Luật Thủy sản tại các địa phương vùng biển với sự tham gia của 1.256 người, phát 3.363 tờ rơi tuyên truyền và phát thanh tuyên truyền nội dung Luật Thủy sản 500 lượt.
Trong 3 tháng đầu năm 2019, Chi cục Thủy sản tiếp tục tổ chức 13 lớp tuyên truyền Luật Thủy sản với 1.633 người tham dự, phát 1.308 tờ rơi và phát thanh tuyên truyền Luật Thủy sản gần 500 lượt…
Tính đến hết tháng 2/2019, tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 6 mét trở lên trong toàn tỉnh có 6.407 chiếc. Tàu cá xa bờ đã được phê duyệt danh sách đăng ký thường xuyên hoạt động trên các vùng biển xa theo Quyết định 48/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ là 1.295 chiếc.
Trong số tàu cá xa bờ, nhóm nghề có nguy cơ cao vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác trái phép là nhóm nghề câu khơi, nghề lặn của thị xã La Gi và huyện Phú Quý, nghề dịch vụ thu mua của huyện Phú Quý. Ngoài ra, số tàu cá trong tỉnh thường xuyên hoạt động và lưu trú trên các vùng biển ngoài tỉnh (149 chiếc) cũng thuộc nhóm tàu có nguy cơ cao vi phạm vùng biển nước ngoài.
Ông Nguyễn Văn Chiến, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Thuận cho biết, tuy đã có nhiều nỗ lực triển khai thực hiện về chống khai thác IUU, nhất là ngăn chặn, giảm thiểu và chấm dứt tình trạng tàu cá, ngư dân trong tỉnh xâm phạm vùng biển nước ngoài, song tình trạng khai thác hải sản bất hợp pháp vẫn còn phức tạp.
Ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thủy sản yêu cầu thời gian tới tỉnh Bình Thuận tập trung nguồn lực để triển khai quyết liệt Chỉ thị số 45/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 30-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về các nhiệm vụ và giải pháp cấp bách tăng cường quản lý, ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá, ngư dân trong tỉnh khai thác hải sản bất hợp pháp tại vùng biển nước ngoài.
Ông Nguyễn Quang Hùng cũng đề nghị tỉnh Bình Thuận đẩy mạnh và duy trì thường xuyên, liên tục tuyên truyền, giáo dục, vận động bằng nhiều hình thức với chủ tàu, thuyền trưởng thuộc nhóm nghề khai thác, dịch vụ nghề cá trên vùng biển xa; thực sự làm thay đổi nhận thức, nâng cao ý thức tự giác của ngư dân trong việc chấp hành chủ trương, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là về khai thác IUU, không vi phạm vùng biển nước ngoài.
Buổi sáng cùng ngày đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm việc với Cảng cá Phan Thiết về vấn đề ghi nhật ký đánh bắt hải sản của tàu cá.
(Theo Bnews)