Mô hình nuôi cua biển thành công ở Cần Giờ

Thực hiện chương trình chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Cần Giờ, trong đó nghề nuôi trồng thủy sản vẫn chiếm vai trò chủ lực. Bên cạnh con tôm vẫn là đối tượng nuôi chính thì từ năm 2013 để đa dạng hóa các đối tượng nuôi,Trung tâm khuyến nông TP.HCM đã triển khai đầu tư một số mô hình nuôi cua bằng con giống nhân tạo.

Sau 4 năm thực hiện việc chuyển giao kỹ thuật, nhiều nông dân Cần Giờ đã mạnh dạn sử dụng con giống cua nhân tạo thay thế cho nguồn giống cua tự nhiên ngày càng khan hiếm, tỷ lệ kích cỡ cua nhân tạo đồng đều nên hạn chế ăn thịt lẫn nhau, ít hao hụt và qua đó người nuôi biết áp dụng kỹ thuật nuôi thâm canh sử dụng thức ăn công nghiệp để nâng cao hiệu quả kinh tế, giúp nhiều nông hộ có cuộc sống ổn định nhờ nuôi cua.

Theo chị Huỳnh Thị Tuyết Phương – ấp An Lộc, xã Tam Thôn Hiệp, hộ tham gia mô hình cho biết: “Với hơn 20 năm kinh nghiệm nuôi thủy sản, tôi sản xuất rất nhiều vụ về cua nhưng chủ yếu là sử dụng nguồn cua giống tự nhiên mua từ những người cào với kích cỡ không đồng đều, nuôi rất khó vì chúng dễ cắn nhau khi giành mồi và chết nhiều nên hiệu quả không cao. Năm 2017, tôi rất vui khi được Nhà nước quan tâm hỗ trợ 5.000 con cua giống nhân tạo để phát triển kinh tế gia đình. Qua thời gian nuôi, tôi nhận thấy cua nhân tạo thích hợp với điều kiện tự nhiên ở đây, tỷ lệ sống đạt khoảng 40%, kích cỡ trung bình đạt 200 - 300 g/con sau 4 tháng nuôi”.

Theo chị Phương, để nuôi cua đạt kết quả thì người nuôi cần phải siêng năng chăm sóc, theo dõi mọi hoạt động của con cua, thường xuyên kiểm tra lượng thức ăn còn ít hay nhiều để điều chỉnh kịp thời cách cho ăn. Cái khó nhất của nuôi cua là tỷ lệ sống không cao vì cua là loài hung dữ và ăn thịt lẫn nhau trong khi lột xác. Với kinh nghiệm của tôi, những ngày nước kém khoảng mùng 10, 25 âm lịch cua lột xác thì nên thay đổi nước, cho mực nước cao hơn bình thường và khi những ngày cua lột, cua thường trèo lên cao để tránh các cua khác vì thế khi làm ao nên có những cái gờ cao, hay thả chà để cua trú và cho cua ăn đầy đủ. Ngoài ra, chị còn tận dụng những phụ phẩm từ cá để làm thức ăn cho cua, giúp giảm chi phí đầu vào và sản phẩm làm ra thì tự bán luôn, không qua thương lái nên giá bán rất cao (đợt tết vừa rồi bắt tỉa bán giá từ 250.000 - 300.000 đồng/kg), thu nhập gia đình khá.

Theo ông Phạm Văn Chính Văn - giám đốc Trung tâm khuyến nông TP.HCM: “Với nhiệm vụ chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật nông nghiệp giúp nông dân nâng cao thu nhập, chúng tôi luôn mong muốn hỗ trợ theo nhu cầu thiết thực nên cần nhiều hơn nữa sự thông tin từ người nông dân như cần hỗ trợ gì, đối tượng nào là phù hợp... Sắp tới, Khuyến nông sẽ quan tâm đầu tư nhiều mô hình hơn nữa, đặc biệt là mô hình

nuôi tôm thẻ, nuôi cua từ giống nhân tạo. Chúng tôi sẽ cố gắng hoàn thiện quy trình kỹ thuật nâng cao tỷ lệ sống của cua, chọn những cơ sở giống uy tín để chuyển giao cho bà con. Hỗ trợ kỹ thuật tối đa áp dụng công nghệ cao vào sản xuất để chuyển giao đạt hiệu quả nhất. Với người nông dân, khi được tham gia mô hình khuyến nông cần tâm huyết quan tâm hơn nữa trong việc chăm sóc, áp dụng đúng quy trình kỹ thuật đã chuyển giao để cùng Khuyến nông xây dựng nhiều mô hình điểm, mô hình hiệu quả, qua đó để nhiều nông dân học tập và nhân rộng. Khuyến nông sẽ phối hợp với Hội nông dân, phòng kinh tế và các ban ngành địa phương hỗ trợ tối đa cho nông dân sản xuất, giúp người dân sống được với nghề”.

2_2

(Theo KHPT)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục