Ngày 19/9, tại Bến Tre, UBND 08 tỉnh ven biển thuộc khu vực Nam bộ, gồm: Bến Tre, Bình Thuận, Tiền Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang và Cà Mau đã tổ chức ký kết Quy chế phối hợp trong công tác quản lý tàu cá hoạt động khai thác thủy sản trên biển.
Theo đó, việc ký kết Quy chế phối hợp giữa các tỉnh nhằm phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm, khai thác bất hợp pháp nguồn lợi thủy sản, vi phạm vùng biển nước ngoài, đối với tàu cá và thuyền viên của tỉnh này hoạt động khai thác thủy sản trên vùng biển của tỉnh kia.
Theo báo cáo tại buổi ký kết, 08 tỉnh ven biển nêu trên hiện có 31.133 tàu cá; trong đó có 14.114 tàu đánh bắt thủy sản xa bờ. Đây là nguồn nhân lực, tàu thuyền và phương tiện tham gia bảo vệ chủ quyền vùng biển Việt Nam. Đa số phương tiện đánh bắt thủy sản chấp hành nghiêm pháp luật Việt Nam và pháp luật của các nước lân cận; chấp hành tốt công tác đăng ký, đăng kiểm, xuất nhập bến của cơ quan chức năng và Bộ đội Biên phòng.
Tuy nhiên, thời gian qua, có một bộ phận ngư dân vì lợi ích kinh tế đã đưa người, tàu đi đánh bắt thủy sản vi phạm vùng biển nước ngoài. Tàu cá các tỉnh chuyển ngư trường hoạt động trong thời gian dài, ít về địa phương dẫn đến khó khăn trong quản lý cũng như tuyên truyền, giáo dục ngư dân chấp hành nghiêm chủ trương, chính sách của Nhà nước đối với việc khai thác, đánh bắt thủy sản trên biển.
Qua thống kê sơ bộ, trong 02 năm 2016 - 2017, trên địa bàn 08 tỉnh đã xảy ra khoảng 217 tàu với 1.349 ngư dân vi phạm. Riêng 6 tháng đầu năm 2018, đã xảy ra 58 tàu với 365 thuyền viên bị lực lượng chức năng nước ngoài bắt giữ do đánh bắt thủy sản vi phạm vùng biển. Qua đó, đã gây thiệt hại về kinh tế, tài sản của ngư dân và uy tín của Việt Nam trong công tác ngoại giao đối với các nước trong khu vực.
Tăng cường quản lý tàu cá hoạt động khai thác thủy sản trên biển
Tại buổi ký kết, các tỉnh đã nhìn nhận thời gian qua, chưa có cơ chế phối hợp, trao đổi thông tin vụ việc liên quan đến quản lý tàu cá. Bởi thế, khi có vụ việc xảy ra, việc phối hợp giải quyết còn gặp nhiều khó khăn, thiếu chặt chẽ. Những kinh nghiệm, cách làm hay trong quản lý tàu cá của các tỉnh chưa được nhân rộng; khó khăn vướng mắc chưa được khắc phục kịp thời.
Từ đó, UBND các tỉnh thống nhất ký kết Quy chế phối hợp trong công tác quản lý tàu cá hoạt động khai thác thủy sản trên biền, gồm 03 Chương 10 Điều. Theo đó, các địa phương sẽ thường xuyên trao đổi, thông báo tình hình liên quan đến tàu cá, thuyền viên của tỉnh này hoạt động trên vùng biển của tỉnh kia.
Bên cạnh đó, UBND các tỉnh trực tiếp chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan tăng cường tuyên truyền về việc không đánh bắt thủy sản vi phạm vùng biển nước ngoài và trong lĩnh vực thủy sản; đồng thời, phổ biến cho ngư dân biết ranh giới vùng biển Việt Nam với các nước, nhất là khu vực chưa phân định, chồng lấn, nhạy cảm.
Ngoài ra, các tỉnh thực hiện việc quản lý, kiểm soát tàu cá của các tỉnh khác đến hoạt động cũng giống như tàu cá của tỉnh nhà và có trách nhiệm trong quản lý, tổ chức tuyên truyền, nhắc nhở không để tàu cá của các tỉnh khác đến hoạt động đánh bắt thủy sản vi phạm pháp luật, kể cả đánh bắt thủy sản vi phạm vùng biển nước ngoài.
UBND các tỉnh cũng thống nhất chỉ đạo Bộ đội Biên phòng làm tốt việc tuần tra kiểm soát, đăng ký, kiểm chứng phương tiện xuất, nhập bến tại các đồn Biên phòng, trạm Kiểm soát Biên phòng; kiên quyết xử lý không cho tàu cá xuất bến khi không có đủ giấy tờ, trang thiết bị theo quy định.
(Theo TN&MT)