Khai thác hiệu quả kinh tế vùng ven biển

Nhằm phát huy lợi thế điều kiện tự nhiên để thực hiện chiến lược phát triển kinh tế biển toàn diện, các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Long An tập trung mọi nguồn lực phát triển nuôi trồng thủy sản ven biển thích ứng biến đổi khí hậu, góp phần nâng cao mức sống và thu nhập cho người dân. Để nghề nuôi trồng thủy sản phát triển bền vững, các địa phương cần quan tâm giải quyết nhiều vấn đề cấp bách...

Bài 1: Làm giàu từ nghề nuôi trồng thủy sản

Các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Long An có diện tích nước mặn, nước lợ ven biển rất lớn, thuận lợi nuôi các loại thủy sản có giá trị cao phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu như tôm, nghêu… Nhờ biết ứng dụng khoa học kỹ thuật, nhiều hộ dân đã nuôi trồng rất thành công, vươn lên làm giàu. Hiện nhiều mô hình nuôi tôm, nghêu ở ba địa phương này đang được nhân rộng.

Tái cơ cấu nuôi trồng thủy sản

Triển khai thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TW ngày 9-2-2007 của Ban Chấp hành T.Ư Đảng (khóa X) về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 và mới đây nhất là Nghị quyết 36-NQ/TW của Hội nghị T.Ư 8 (khóa XII) về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, các địa phương nói trên đã đề ra chương trình hành động cụ thể nhằm phát triển bền vững kinh tế biển. Trong đó, giải pháp trọng tâm là cơ cấu lại ngành kinh tế biển; phát triển khoa học, công nghệ, nguồn nhân lực biển; bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Đáng chú ý, chiến lược phát triển kinh tế biển của các địa phương này hướng đến mục tiêu tái cơ cấu nghề nuôi trồng thủy sản, chú trọng phát triển nuôi thủy sản nước lợ ứng dụng công nghệ cao, an toàn sinh học và thân thiện môi trường, tiến tới hình thành, phát triển các vùng nuôi thủy sản ứng dụng công nghệ cao.

Tại tỉnh Bến Tre, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản nước mặn, nước lợ khoảng 46 nghìn ha. Trong đó, tôm biển 35.000 ha, nhuyễn thể hơn 5.000 ha. Trên địa bàn tỉnh có hơn 600 ha tôm hai giai đoạn với năng suất bình quân từ 60 đến 70 tấn/ha/vụ (mỗi năm nuôi ba vụ) đạt hiệu quả rất cao. Tại Tiền Giang, năm 2019 dự kiến khoảng 10.000 ha nuôi thủy sản nước mặn, nước lợ ven biển, trong đó 2.260 ha nghêu, còn lại là nuôi tôm sú và nhuyễn thể hai mảnh với tổng sản lượng dự kiến 65.000 tấn. Long An hiện có khoảng 1.000 ha nuôi tôm ứng dụng một phần công nghệ cao và theo hướng công nghiệp; có bốn huyện ven biển nuôi trồng thủy sản nước lợ gồm: Cần Đước, Cần Giuộc, Châu Thành và Tân Trụ với tổng diện tích khoảng 6.000 ha. Trước đây, việc nuôi trồng thủy sản ở khu vực này không được thuận lợi, nhiều dịch bệnh, môi trường nước không đạt chất lượng, phong trào nuôi thâm canh đang phát triển mạnh nhưng thiếu sự quan tâm đến xử lý chất thải... khiến nhiều hộ nuôi thua lỗ nặng. Để khắc phục, ngành nông nghiệp Long An đã quy hoạch lại vùng nuôi và hỗ trợ nông dân thực hiện nhiều mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao mang lại hiệu quả đáng kể, nâng cao năng suất và bảo đảm chất lượng sản phẩm.

Tỉnh Bến Tre có 65 km bờ biển, rất thuận lợi cho nghề nuôi, trồng thủy sản nước lợ, nước mặn. Thời gian gần đây, nghề nuôi, trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh phát triển vượt bậc cả về số lượng và chất lượng. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) tỉnh Bến Tre Nguyễn Văn Buội đánh giá: Nhờ diện tích nuôi thâm canh, bán thâm canh, nuôi tôm hai giai đoạn, nuôi công nghệ cao lớn cho nên sản lượng thủy sản hàng năm đạt hơn 266 nghìn tấn các loại với các đối tượng nuôi chủ lực như: tôm sú, tôm thẻ chân trắng, nhuyễn thể... Nhiều cơ sở nuôi đã được áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng như: VietGAP, GlobalGAP, ASC, bảo đảm theo hướng an toàn môi trường, an toàn dịch bệnh và an toàn vệ sinh thực phẩm; chất lượng sản phẩm từ nuôi thủy sản ngày càng nâng lên, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Thay đổi cách làm, người dân khấm khá

Tại ba huyện ven biển Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú (Bến Tre) nhiều nông dân làm giàu nhờ nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng đã góp phần tạo chuyển biến rõ nét bộ mặt nông thôn nơi đây. Vùng đất ven biển hai xã Thạnh Phong, Thạnh Hải (huyện Thạnh Phú), mấy năm nay mô hình nuôi tôm đã góp phần tạo việc làm và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh Phong Nguyễn Văn Tại cho biết: “Toàn xã có hơn 2.500 ha mặt nước nuôi tôm thẻ chân trắng, tôm sú và 500 ha theo mô hình tôm - lúa. Trong đó, có 30 ha nuôi tôm hai giai đoạn (công nghệ cao) bước đầu đạt hiệu quả khá cao”. Tại xã Thạnh Hải cũng bắt đầu phát triển mô hình nuôi tôm công nghệ cao với diện tích khoảng 17 ha. Những mô hình nuôi tôm ven biển đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, không chỉ giúp nông dân thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu.

Gia đình ông Đặng Văn Bảy, ngụ xã Thạnh Phong đã chuyển sang nuôi tôm công nghệ cao được hơn hai năm nay. Hiện tại, ông Bảy có ba trang trại nuôi tôm với tổng diện tích hơn 10 ha ven biển hai xã Thạnh Phong, Thạnh Hải. Ông Bảy cho biết: “Nuôi tôm theo mô hình công nghệ cao đầu tư khá lớn, trung bình khoảng một tỷ đồng/ha. Tuy nhiên, hiệu quả kinh tế mang lại rất cao do quy trình nuôi khép kín, môi trường nước được xử lý kỹ, quản lý được dịch bệnh cho nên tôm lớn nhanh”. Hiện tại, bình quân mỗi năm, mô hình nuôi tôm công nghệ cao của ông Bảy mang lại lợi nhuận hơn sáu tỷ đồng và giải quyết việc làm cho 18 lao động tại địa phương.

Xã Tân Chánh, huyện Cần Đước (Long An) được quy hoạch vùng nuôi tôm nước lợ ứng dụng công nghệ cao. Địa phương xây dựng kế hoạch đến cuối năm 2020, toàn xã có 500 ha tôm theo hướng công nghiệp, chiếm 50% diện tích nuôi tôm nước lợ của xã. Hiện tại, xã đã xây dựng được một hợp tác xã (HTX) và tổ hợp tác nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, với tổng diện tích hơn 26 ha. Ngoài ra, trên địa bàn xã còn có hai mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao của hai hộ dân tại ấp Hòa Quới và ấp Lăng, đạt sản lượng gần 60 tấn/năm, người nuôi thu lợi nhuận hàng tỷ đồng.

Ông Châu Văn Suy, người nuôi tôm ở xã Tân Chánh cho biết: “Trải qua thời gian dài thăng trầm với con tôm sú rồi đến tôm thẻ chân trắng, không ít người dân đã phải ôm nợ, bán đất, bỏ quê để tìm kế sinh nhai. Nguyên nhân chính là do thiếu khoa học kỹ thuật, thiếu vốn sản xuất dẫn đến khi thả tôm nuôi bị dịch bệnh thì không còn vốn tái đầu tư. Đối với hộ dân đang bám đất nuôi tôm thì đã chọn cho mình mô hình sản xuất mới và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào quá trình nuôi. Hiện tại, tôi đang nuôi 1 ha tôm ứng dụng công nghệ cao. Từ ngày áp dụng mô hình này, tôm không còn dịch bệnh, năng suất đạt gần 15 tấn/ha/vụ. Hiệu quả của mô hình chính là nhờ việc quản lý nghiêm ngặt từ đầu vào cho đến khi xuất bán được khép kín, dễ chăm sóc, rủi ro cũng ít hơn.

Kể từ khi có quy hoạch vùng nuôi tôm tổng diện tích 618 ha tại huyện Gò Công Đông (Tiền Giang), các hộ nuôi tôm trên địa bàn huyện chủ động chuyển đổi sang mô hình nuôi tôm công nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao. Theo tính toán, mỗi năm chỉ cần nuôi hai vụ, người dân có thể thu lợi nhuận hơn 500 triệu đồng/ha. Trưởng phòng NN và PTNT huyện Gò Công Đông Nguyễn Văn Quý cho biết: “Tại các xã Kiểng Phước, Phước Trung, Tân Thành, Tân Hòa, nghề nuôi tôm có đóng góp rất quan trọng giúp nâng cao đời sống người dân, giúp các xã này xây dựng thành công xã nông thôn mới”. Riêng tại huyện Tân Phú Đông (Tiền Giang), diện tích nuôi tôm công nghiệp là 1.038 ha. Trong khi phương thức nuôi tôm quảng canh truyền thống chỉ cho lợi nhuận từ 50 - 60 triệu đồng/ha/năm thì nuôi tôm công nghiệp cho lợi nhuận lên tới 250 triệu đồng/ha/vụ.

Ngoài tôm, nuôi nghêu cũng mang lại nhiều lợi ích kinh tế cho người dân ven biển. Tại Tiền Giang, nghêu nuôi tập trung ở huyện Tân Phú Đông và Gò Công Đông. Nghề nuôi nghêu nhiều năm nay mang lại thu nhập ổn định, nhiều hộ dân giàu lên nhờ nghêu thương phẩm có giá cao. Giá nghêu hiện đang ở mức 20.000 đến 24.000 đồng/kg, cao hơn năm trước 4.000 đồng/kg. Chính quyền địa phương đang hoàn thiện các thủ tục để chứng nhận đạt tiêu chuẩn MSC (chuỗi hành trình sản phẩm) cho nghề nghêu huyện Gò Công Đông; phối hợp Viện Nuôi trồng thủy sản II thực hiện đề tài nghiên cứu mô hình nuôi nghêu tại xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông.

Tỉnh Bến Tre là một trong những địa phương phát triển nuôi nhuyễn thể (sò huyết, nghêu) đạt hiệu quả cao. Toàn tỉnh có 5.200 ha nhuyễn thể, trong đó, 3.500 ha nuôi nghêu, tập trung tại các huyện ven biển như Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú. Hằng năm, tổng doanh thu từ nghêu khoảng 111 tỷ đồng. Nghề nuôi nghêu chủ yếu do các HTX quản lý. HTX Rạng Đông đang nuôi 1.500 ha nghêu, nhiều năm liền đạt hiệu quả kinh tế cao và là đơn vị kiểu mẫu về nuôi trồng và khai thác thủy sản, chủ yếu là nghêu. Sản phẩm nghêu thịt của HTX được Hội đồng Bảo tồn biển quốc tế công nhận đạt chuẩn MSC vào năm 2009 và được xuất khẩu đi các nước trên thế giới. Giám đốc HTX Rạng Đông Phan Hoàng Vân cho biết, HTX có 9.686 xã viên với 3.116 hộ trên địa bàn xã được chia lợi nhuận hằng năm khoảng một triệu đồng/xã viên. Ngoài ra, HTX còn giải quyết việc làm cho xã viên với thu nhập bình quân 20 triệu đồng/xã viên/năm, công việc chính là thu hoạch nghêu.

(Theo báo Nhân Dân)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục