Khai thác hải sản xa bờ: Cần thực hiện nghiêm các quy định để phát triển bền vững

Hiện nay, tỉnh đang từng bước giải quyết dứt điểm các hành vi vi phạm về hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định trên biển, nhằm gỡ bỏ “thẻ vàng” của Liên minh châu Âu (EU). Liên quan đến vấn đề này, Báo Phú Yên lược ghi một số ý kiến của các cơ quan liên quan, doanh nghiệp và ngư dân.

PHÓ CHỦ TỊCH UBND TỈNH TRẦN HỮU THẾ: Tạo thuận lợi nhất cho ngư dân và doanh nghiệp

Trong năm 2017, tàu cá của Phú Yên vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước khác có tăng so với các năm trước. Trước tình hình này, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của ngư dân đối với chủ trương của Đảng và Nhà nước trong hoạt động nghề cá. Các sở, ngành và địa phương liên quan đã thường xuyên phổ biến đến ngư dân những điều ước quốc tế liên quan đến hoạt động nghề cá trên biển; quy định của các quốc gia có biển lân cận và khuyến cáo ngư dân không xâm phạm vùng biển nước khác để khai thác hải sản.

Tỉnh Phú Yên đã tổ chức kiểm điểm, xử lý đối với ngư dân vi phạm đánh bắt hải sản ở vùng biển các nước khác với các hình thức cấm hoạt động khai thác xa bờ, cấm chuyển nhượng tàu thuyền, các chủ tàu vi phạm sẽ không được hỗ trợ một số chính sách phát triển thủy sản… nhằm ngăn chặn các tàu cá và ngư dân này tái phạm. Song song với các hình thức xử phạt, tỉnh cũng tăng cường vận động ngư dân bám biển, khai thác hải sản ở khu vực thuộc đặc quyền kinh tế của Việt Nam…

Phú Yên tiếp tục tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp hoạt động, đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thủy sản. Tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành và thành lập các tổ hỗ trợ ngư dân cũng như các doanh nghiệp triển khai tốt các chuỗi khai thác, thu mua, chế biến và xuất khẩu thủy sản. Ngoài ra, tỉnh còn tạo mọi điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp về các vấn đề như thông quan, thủ tục hành chính, tiếp cận nguồn vốn, cơ sở sản xuất, lao động…

Việc phát triển khai thác hải sản xa bờ ở Phú Yên hiện nay đang tập trung vào chất lượng khai thác và bảo quản sản phẩm sau thu hoạch, nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho chuyến biển. Phú Yên đang triển khai chủ trương hiện đại hóa đội tàu khai thác xa bờ, phát triển các nghề như câu, lưới vây… và tỉnh không khuyến kích đóng mới tàu cá công suất nhỏ, khai thác gần bờ.

ÔNG TRẦN NGỌC NHẠN, CHI CỤC TRƯỞNG CHI CỤC THỦY SẢN (SỞ NN-PTNT): Tăng cường quản lý tàu cá khai thác xa bờ

Phú Yên hiện có khoảng 4.150 tàu cá; trong đó khoảng 1.170 tàu cá có công suất từ 90CV trở lên, số tàu cá đủ điều kiện thường xuyên hoạt động khai thác hải sản trên các vùng biển xa khoảng 560 chiếc và chủ yếu hoạt động câu cá ngừ đại dương. Từ đầu năm đến nay, sản lượng khai thác cá ngừ đại dương của Phú Yên đạt khoảng 2.240 tấn (tăng khoảng 5% so cùng kỳ năm ngoái).

Song song với việc phát triển kinh tế biển, Phú Yên đã triển khai nhiều hoạt động nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong ngư dân về ý thức tôn trọng và chấp hành các quy định của pháp luật Việt Nam và các nước tiếp giáp về khai thác hải sản trên biển. Tỉnh Phú Yên còn triển khai nhiều biện pháp nhằm bảo tồn và quản lý nguồn lợi, gắn với kế hoạch quản lý nghề cá, kiểm soát cường lực khai thác, đảm bảo sử dụng bền vững nguồn lợi, từng bước giải quyết dứt điểm các hành vi vi phạm về hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định trên biển và tại các cảng cá trên địa bàn toàn tỉnh. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 1.170 chủ tàu cá đã ký cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài để khai thác hải sản.

Sở NN-PTNT đã phối hợp với Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh, Cảnh sát biển Vùng 3 cùng chính quyền các địa phương ven biển tổ chức nhiều đợt tập huấn cho ngư dân nhằm cung cấp thông tin về ranh giới biển, các quy định của các nước trong khu vực về khai thác thủy sản, cung cấp tài liệu cho ngư dân biết để không vi phạm vùng biển các nước.

ÔNG TRẦN KIM HOA, NGƯ DÂN Ở PHƯỜNG 6 (TP TUY HÒA):

 Cần xử lý nghiêm các chủ tàu và thuyền trưởng vi phạm

Hầu hết thuyền trưởng và chủ tàu cá khai thác xa bờ trong tỉnh đều nêu cao ý thức, chấp hành tốt chủ trương của Nhà nước không vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước khác. Tuy nhiên, thời gian qua vẫn còn một số thuyền trưởng ý thức chưa cao, vi phạm vùng biển các nước để khai thác hải sản bất hợp pháp. Tỉnh cần xử lý nghiêm các thuyền trưởng, chủ tàu cố tình vi phạm ngư trường các nước như cấm khai thác xa bờ, không thực hiện các chế độ hỗ trợ của Nhà nước. Việc tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài không chỉ ảnh hưởng đến chủ tàu mà còn gây thiệt hại đến ngư dân của tỉnh và cả nước.

Nếu cứ vi phạm và bị các tổ chức quốc tế cấm bán thủy sản thì thiệt hại vô cùng lớn. Việc khai thác hải sản bất hợp pháp không chỉ gây hậu quả về kinh tế mà ngư dân có thể bị bắt giữ, phạt tù, phạt tiền, thậm chí là đánh đổi bằng chính mạng sống của mình. Vì vậy, việc mỗi chủ tàu tuyên truyền nâng cao ý thức cho thuyền trưởng và các thuyền viên là rất quan trọng…

ÔNG NGUYỄN MẠNH CƯỜNG, GIÁM ĐỐC NHÀ MÁY CHẾ BIẾN THỦY SẢN CỦA CÔNG TY TNHH THỦY SẢN PHÚC NGUYÊN: Đồng hành cùng ngư dân để có sản phẩm tốt nhất

Doanh nghiệp chúng tôi tham gia xuất khẩu một số sản phẩm thủy sản, trong đó có cá ngừ đại dương. Thị trường xuất khẩu chính của công ty là Mỹ và một số nước khác. Theo tôi, việc EU cảnh báo “thẻ vàng” đối với thủy sản Việt Nam là nhằm tăng cường kiểm tra, giám sát các lô hàng thủy sản nhập vào các nước này. Việc sản phẩm cá ngừ đại dương nhập vào thị trường EU thời gian qua tăng hơn so với năm trước là đáng mừng.

Tuy nhiên trong thời gian tới vẫn gặp nhiều khó khăn, vì còn phụ thuộc vào quyết định cuối cùng của EU là xóa bỏ hoặc duy trì cảnh báo “thẻ vàng” đối với thủy sản Việt Nam. Thị trường EU là một trong những thị trường khó tính nhưng rất tiềm năng, Công ty TNHH Thủy sản Phúc Nguyên đang tìm hiểu để xuất khẩu sản phẩm thủy sản vào thị trường này. Đối với công ty, việc đánh giá các tiêu chuẩn mà thị trường EU đưa ra đối với thủy sản nhập vào các nước này khó, nhưng vẫn thực hiện được.

Để xâm nhập vào thị trường EU và một số thị trường khó tính khác, việc đầu tiên là từ khâu khai thác của ngư dân phải tuân thủ mọi quy định của luật pháp quốc tế, những quy định của các nước có biển lân cận và của Việt Nam. Chính quyền địa phương cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, làm sao để ngư dân nhận thức một cách đầy đủ về tác hại của việc vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài.

Doanh nghiệp sẽ liên kết chặt chẽ với ngư dân, mua những sản phẩm hải sản có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo hợp vệ sinh theo quy định. Nếu không có sản phẩm thủy sản thì doanh nghiệp cũng không thể xuất khẩu được, do đó doanh nghiệp luôn đồng hành với ngư dân và chính quyền địa phương để có các sản phẩm tốt nhất xuất sang những thị trường tiềm năng.

(Theo báo Phú Yên)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục