Với kinh nghiệm xuất khẩu ngao đi EU, các cơ quan chức năng ngành nông nghiệp tỉnh Thái Bình ý thức được việc sản xuất, khai thác càng quy củ thì khả năng chinh phục thị trường Trung Quốc càng rộng mở.
Với điều kiện tự nhiên thuận lợi, Thái Bình là một trong những địa phương phát triển nghề nuôi ngao mạnh nhất nhì miền Bắc, trong đó chủ yếu là giống ngao trắng, xuất đi nhiều nước trên thế giới.
Theo số liệu thống kê của Chi cục Thủy sản Thái Bình, toàn tỉnh hiện có hơn 3.000 ha nuôi ngao với sản lượng hàng năm vào khoảng 100.000-110.000 tấn.
Ông Phạm Hồng Trường, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Thái Bình cho biết, đơn vị đang phụ trách kiểm định chất lượng ngao xuất khẩu đi thị trường EU với khối lượng vào khoảng 7.000-10.000 tấn/năm, cao điểm có năm lên đến gần 13.000 tấn.
Với thị trường này, quy trình kiểm tra chất lượng do chi cục đảm nhiệm, thông qua Chương trình Giám sát VSATTP trong thu hoạch nhuyễn thể 2 mảnh vỏ.
Theo đó, 2 lần mỗi tháng Chi cục sẽ lấy mẫu nước và mẫu ngao gửi cho Trung tâm chất lượng nông lâm thủy sản Vùng 1 xét nghiệm. Các thông số được theo dõi bao gồm chỉ tiêu vi sinh về E.Coli và Salmonella, chỉ tiêu về tảo độc và chỉ tiêu về kim loại nặng.
Nếu không đáp ứng được yêu cầu, các vùng nuôi sẽ bị đình chỉ thu hoạch. Trong trường hợp các chỉ số đạt yêu cầu, Chi cục Quản lý chất lượng nông lân sản và thủy sản sẽ tiếp tục giám sát để đảm bảo ngao thu hoạch ở đúng khu vực được theo dõi. Sau đó, đơn vị này sẽ đổi phiếu kiểm soát chỉ số sang giấy chứng nhận xuất xứ, làm căn cứ để xuất hàng đi EU.
Đây là kinh nghiệm quý của các cơ quan chức năng ngành nông nghiệp Thái Bình khi Trung Quốc chấp nhận nhập khẩu trở lại sản phẩm ngao từ Việt Nam.
Trước đây, khi Trung Quốc chưa cấm nhập khẩu ngao từ Việt Nam theo đường tiểu ngạch, có thể ước tính mỗi năm thị trường này nhập xấp xỉ 50.000 tấn ngao từ Thái Bình. Sau khi phía bạn không cho phép nữa, ngao của Thái Bình phải tìm hướng đi các thị trường khác trong đó có đưa vào miền Nam và cả xuất lậu sang Trung Quốc.
Tuy nhiên, từ giữa tháng 10 vừa qua, trên cơ sở đề nghị của phía Việt Nam, nước này đồng ý mở cửa thị trường cho 3 sản phẩm thủy sản gồm ngao hoa, ngao trắng và nghêu lụa vào danh mục các sản phẩm thủy sản của Việt Nam được phép xuất khẩu vào Trung Quốc.
Phía Trung Quốc cho rằng các sản phẩm này của Việt Nam đã được phía Trung Quốc đánh giá hệ thống kiểm soát thủy sản. Danh mục hiện có các sản phẩm ngao, ốc. Nguồn gốc của 3 sản phẩm thủy sản trên được khai thác tự nhiên, được phía Việt Nam quản lý và chứng nhận với quy trình tương đồng.
Đây được xem là thị trường tiềm năng cho con ngao Việt Nam vì nhu cầu lớn và yêu cầu không quá khắt khe. Ngoài ra, việc sơ chế, bảo quản ngao cũng đơn giản hơn so với các mặt hàng nông sản khác.
Những bao tải ngao trắng đang chờ phân loại kích cỡ tại một cơ sở thua mua ở xã Nam Thịnh, Tiền Hải
Cần quy củ hơn
Theo ông Trường, để chinh phục được thị trường Trung Quốc, điều quan trọng nhất là đầu tư các cơ sở thu mua, chế biến quy củ, đầy đủ điều kiện, vì đây là khâu quan trọng nhất, quyết định đến chất lượng của ngao trước khi xuất bán.
Giải thích rõ hơn về điều này, ông Trường cho biết, ngao là loài khó bị can thiệp khi nuôi nên không khó để đáp ứng các chỉ tiêu vi sinh hay môi trường. Thay vào đó, sơ chế và chế biến mới là giai đoạn dễ ảnh hưởng đến chất lượng.
Tuy nhiên, hiện nay nhiều nông dân còn ngại vì cho rằng phải trải qua nhiều quy trình, giấy phép nên vẫn nuôi trồng, thu hoạch và xuất bán tự phát, tiềm ẩn nhiều nguy cơ không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Đại diện Chi cục Quản lý chất lượng nông lân sản và thủy sản Thái Bình nhấn mạnh, khi đầu tư xây dựng các cơ sở thu mua, chế biến đáp ứng đủ yêu cầu, chất lượng ngao sẽ rất đảm bảo và dễ dàng đáp ứng được các điều kiện từ phía Trung Quốc.
Bên cạnh đó, khi xuất khẩu chính ngạch, không những người nuôi, người thu mua giảm được rủi ro thương mại do có nhà nước bảo hộ mà còn có thể quảng bá được thương hiệu cho thủy sản địa phương.
Hiện nay, quy trình kiểm soát chất lượng ngao xuất khẩu đi Trung Quốc có khác biệt nhỏ so với đi EU. Thay vì gửi mẫu kiểm tra định kỳ như hàng xuất khẩu EU, các chủ cơ sở thu mua, chế biến phục vụ thị trường Trung Quốc sẽ mời chuyên gia của Trung tâm chất lượng nông lâm thủy sản Vùng 1 về kiểm tra, cấp chứng thư số cho từng lô hàng.
Ông Phạm Hồng Trường cho rằng, trong tương lai, nếu số lượng ngao xuất đi Trung Quốc nhiều lên, quy trình này có thể thay đổi theo hướng tương tự xuất khẩu đi EU, có chăng là khác nhau về các chỉ tiêu cụ thể. Nếu được như vậy, không những chất lượng ngao vẫn được kiểm soát mà còn giúp quá trình xuất khẩu thông thoáng hơn.
(Theo NNVN)