Hiệu quả ứng dụng khoa học công nghệ trong đánh bắt hải sản

Hoạt động đánh bắt hải sản của tỉnh Quảng Trị năm 2019 khởi đầu khá thuận lợi. Liên tục nhiều tàu đánh bắt xa bờ thu được sản lượng lớn, nổi bật là tàu của anh Lê Văn Viện ở thôn Xuân Tiến, xã Gio Việt, huyện Gio Linh trúng mẻ cá bè lên đến 120 tấn đầu năm Kỷ Hợi, trở thành sự kiện được nhiều người biết đến. Đây là thành quả của nhiều yếu tố như năng lực đánh bắt, đầu tư tàu thuyền lớn, kinh nghiệm đi biển…, trong đó đáng kể nhất phải nói đến sự ứng dụng công nghệ tiên tiến vào đánh bắt hải sản.

Những năm gần đây, cùng với việc mở rộng ngư trường khai thác hải sản, đánh bắt xa bờ, việc đầu tư đóng mới, nâng cấp tàu thuyền và trang bị các phương tiện đánh bắt hiện đại đã giúp ngư dân chủ động trong hoạt động khai thác hải sản, đưa lại hiệu quả cao. Đặc biệt, nhờ đưa vào sử dụng các thiết bị hỗ trợ khai thác tiên tiến như hệ thống định vị vệ tinh GPS, máy dò cá, thiết bị chụp, bộ đàm, đèn chiếu sáng… ngư dân đã làm chủ ngư trường, tìm, dẫn dụ cá, liên lạc với nhau trên biển để hỗ trợ khi phát hiện được cá hoặc các sự cố xảy ra. Hiện nay, tất cả các tàu đánh bắt xa bờ đều trang bị các thiết bị hỗ trợ đánh bắt hiện đại. Vừa qua, các tàu đánh bắt xa bờ như tàu của anh Lê Văn Viện (Gio Việt, Gio Linh), biển số QT93939TS trúng mẻ cá bè 120 tấn; tàu của ông Hồ Văn Thà (thị trấn Cửa Việt, Gio Linh), biển số QT93636TS trúng mẻ cá bè hơn 20 tấn; tàu ông Lê Văn Tuấn (Gio Việt, Gio Linh), biển số QT90929TS trúng 10 tấn cá bè… đều nhờ máy dò cá sonar và hệ thống đèn dẫn dụ cá. Được biết, tất cả tàu trúng những mẻ cá lớn đầu năm nay đều ứng dụng những công nghệ tiên tiến trong đánh bắt thủy sản, trong đó có áp dụng hệ thống đèn LED công nghệ mới của Dự án Tiết kiệm năng lượng và nâng cao hiệu quả công việc với trang thiết bị đèn LED đặc biệt công nghệ mới (COB) cho tàu đánh bắt xa bờ Quảng Trị. Theo anh Nguyễn Công Khương, ở thôn Xuân Tiến, xã Gio Việt, Gio Linh, chủ tàu đánh bắt xa bờ biển số QT90479TS, nếu sử dụng máy dò cá sonar, các tàu có thể phát hiện được đàn cá ở cách xa vài trăm mét, lúc đó tàu sẽ dừng lại gần mà không làm khấy động đàn cá rồi dùng hệ thống đèn nhữ cá mới tổ chức đánh bắt. Còn nếu không có máy dò cá, đôi lúc gặp đàn cá mà tàu vẫn chạy sẽ xua tan đàn cá. Còn nếu máy dò cá đã phát hiện ra đàn cá mà không có hệ thống đèn nhữ cá thì cũng không quây được cá.

Hiện nay, tỉnh Quảng Trị đang triển khai dự án ứng dụng đèn LED cho tàu cá đánh bắt xa bờ do Chính phủ Nhật Bản tài trợ là điều kiện tốt để các tàu đánh bắt xa bờ trên địa bàn tỉnh thay đổi hệ thống đèn chiếu sáng trong đánh bắt cá. Hệ thống đèn LED thế hệ mới được nghiên cứu và sản xuất có bước sóng ánh sáng phù hợp để các loại cá dễ bắt được. Do đó, sử dụng hệ thống đèn LED góp phần tăng năng suất đánh bắt hải sản cao hơn nhiều so với đèn cao áp thủy ngân. Bên cạnh đó, việc thay thế hệ thống đèn HID (đèn cao áp thủy ngân công suất từ 500-2.500 W tiêu tốn nhiên liệu và gây ô nhiễm môi trường) bằng hệ thống đèn LED thu hút cá công suất 200 W giúp giảm chi phí nhiên liệu trực tiếp từ 50- 60%, tăng tuổi thọ sử dụng đèn lên 5- 7 lần và giảm phát thải khí carbon dioxide.

Đến nay, toàn tỉnh có 40 tàu đánh bắt xa bờ lắp đặt hệ thống đèn LED mới với số lượng 1.750 bộ thiết bị, bình quân mỗi tàu lắp từ 30- 80 bộ. Phó Trưởng Phòng Quản lý công nghệ, Sở Khoa học và Công nghệ Quảng Trị Phan Tuấn Anh cho biết: “Tất cả các tàu được lắp đặt hệ thống đèn LED tuân theo các quy chuẩn và tiêu chuẩn về thiết bị, lắp đặt của Nhật Bản. Điều này giúp chống ăn mòn muối, chống nước, chống va đập. Đèn LED có độ rọi lớn hơn, độ chiếu sáng xuống nước sâu hơn 2 lần so với đèn thông thường, trong khi đó tổng công suất chiếu sáng trên tàu có đèn LED chỉ bằng 25% so với tàu sử dụng đèn cao áp thông thường, do đó sử dụng đèn LED tiết kiệm hơn 70% nhiên liệu và hiệu quả chiếu sáng tăng hơn gấp đôi, thời gian sử dụng bóng cũng bền hơn gấp nhiều lần”.

Từ hiệu quả rõ rệt của việc ứng dụng khoa học và công nghệ vào đánh bắt hải sản xa bờ, thời gian tới nhiều ngư dân sẽ đầu tư ứng dụng các thiết bị mới và hiện đại vào sản xuất. Hiện nay, các thiết bị dò cá, máy định vị vệ tinh, bộ đàm…đã được tất cả các tàu đánh bắt xa bờ đầu tư, nhưng với hệ thống đèn LED thế hệ mới thì nhiều tàu vẫn chưa áp dụng. Mức đầu tư hệ thống đèn LED không nhiều so với tổng vốn đầu tư của tàu đánh bắt xa bờ nhưng nó quyết định nhiều đến năng suất đánh bắt và chi phí sản xuất. Vì thế, các tàu đánh bắt xa bờ cần quan tâm đầu tư thay đổi hệ thống chiếu sáng trên tàu bằng các thiết bị hiện đại nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất và bảo vệ môi trường.

(Theo báo Quảng Trị)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục