Hiệu quả mô hình đồng quản lý ven biển

Trong nỗ lực bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản ven bờ, Bình Định đã xây dựng mô hình đồng quản lý ở các địa phương ven biển, ven đầm nhằm đảm bảo cân bằng sinh thái tự nhiên các thủy vực, đem lại sinh kế cho người dân.

Bình Định có 134km bờ biển và 3 đầm phá lớn gồm: Đầm Thị Nại, đầm Đề Gi và đầm Trà Ổ với hệ sinh thái phong phú, là nơi sinh cư của nhiều loài thủy sản quý hiếm, có giá trị kinh tế cao, mang lại nguồn lợi lớn cho người dân.

Tuy nhiên, hệ sinh thái khu vực biển ven bờ và các đầm phá bị tác động xấu của con người. Mặc dù ngành chức năng và các địa phương đã triển khai nhiều biện pháp, nhưng chưa ngăn chặn triệt để tình trạng sử dụng chất nổ, chất độc, xung điện xiếc máy để khai thác thủy sản và hoạt động bơm hút các loài nhuyễn thể mang tính hủy diệt.

Để bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản (NLTS) ven bờ, đến nay Bình Định đã xây dựng và đi vào hoạt động thường xuyên 20 mô hình đồng quản lý bảo vệ NLTS tại các vùng đầm Thị Nại, đầm Trà Ổ, đầm Đề Gi và các vùng ven biển.

Thông qua tổ chức đồng quản lý, cộng đồng ngư dân tích cực tham gia cùng chính quyền địa phương trong công tác bảo vệ NLTS; phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng trong việc ngăn ngừa, phát hiện, truy bắt và xử lý những hành vi vi phạm trong việc khai thác bất hợp pháp, khai thác không đúng quy định. Nhiều mô hình đồng quản lý gắn kết việc bảo vệ hệ sinh thái môi trường biển với phát triển du lịch cộng đồng, góp phần bảo vệ hệ sinh thái biển và tăng thu nhập cộng đồng thông qua các mô hình sinh kế từ sản phẩm đặc trưng của địa phương.

Ông Trần Kim Dương, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Định cho biết: “Để công tác quản lý, bảo vệ, khai thác và phát triển NLTS ven bờ, đảm bảo cân bằng sinh thái tự nhiên các thủy vực, đem lại sinh kế cho người dân, ngành chức năng đã phát động phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ NLTS” với mục tiêu là nâng cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền cấp cơ sở và nhân dân trong công tác bảo vệ NLTS. Phong trào này đã được sự hưởng ứng tích cực của chính quyền và nhân dân 33/33 xã, phường ven biển, ven đầm thuộc các huyện Hoài Nhơn, Phù Mỹ, Phù Cát, Tuy Phước và TP Quy Nhơn”.

Ngoài ra, Bình Định còn thành lập khu bảo vệ biển vịnh Quy Nhơn do cộng đồng địa phương quản lý, bao gồm 3 xã Nhơn Lý, Nhơn Hải, Nhơn Châu và phường Ghềnh Ráng thuộc vùng biển ven bờ TP Quy Nhơn với diện tích mặt nước là 36.357ha.

10-46-45_2

Mô hình này đã phát huy tính hiệu quả trong việc tham gia nối kết cộng đồng trong công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản tại các địa phương nằm trong vùng nước liền kề, bảo vệ tính đa dạng sinh học và góp phần ngăn chặn, giảm thiểu các hành vi khai thác thủy sản bất hợp pháp tại vùng ven biển TP Quy Nhơn.

Ông Trần Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định cho biết trong thời gian tới, các đơn vị trực thuộc Sở sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương hỗ trợ các tổ đồng quản lý bảo vệ NLTS tuyên truyền cho ngư dân chấp hành tốt các quy định về quản lý NLTS, khai thác hợp lý tài nguyên, bảo vệ các rạn san hô, các bãi sinh sản của thủy sản nhằm phục hồi và phát triển NLTS, đa dạng sinh học trên các đầm phá và vịnh Quy Nhơn.

Ngành nông nghiệp tỉnh cũng sẽ cơ cấu lại đội tàu cá cùng các nghề khai thác phù hợp với ngư trường và nguồn lợi, giảm số lượng tàu thuyền công suất nhỏ, chuyển đổi một số ngành nghề khai thác thủy sản nhằm giảm cường độ khai thác ven bờ; tăng cường công tác đăng ký, đăng kiểm tàu cá và giám sát hoạt động khai thác thủy sản của ngư dân, nhất là khai thác ven bờ.

“Mô hình bảo vệ, khai thác và phát triển khu vực biển có rạn san hô gắn với hoạt động dịch vụ du lịch tại xã Nhơn Hải do HTX Dịch vụ du lịch và thủy sản Nhơn Hải thực hiện được Tổng cục Thủy sản và các ngành chức năng của tỉnh đánh giá cao. Từ khi HTX được giao quản lý, mật độ phủ của san hô tăng rõ rệt, nhiều loại thủy sản đến trú ẩn và sinh sản, góp phần bổ sung NLTS ven bờ”, ông Trần Văn Phúc.

(Theo NNVN)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục