Từ đầu năm đến nay, mặc dù thời tiết không được thuận lợi nhưng sản xuất thủy sản tại tỉnh Hà Tĩnh đã đạt được những con số ấn tượng vượt mức kỳ vọng. Đây là tín hiệu vui không chỉ đối với bà con ngư dân, mà còn mang lại sự phấn khởi cho các DN.
Sau 2 năm tích cực triển khai các biện pháp khắc phục, công tác hỗ trợ, bồi thường thiệt hại tại tỉnh Hà Tĩnh đã cơ bản hoàn thành. Hoạt động khai thác hải sản trên biển, đặc biệt vùng xa bờ của tỉnh đã ổn định và đang tăng dần về sản lượng.
Từ nguồn được hỗ trợ, bồi thường, người dân đã mua sắm ngư lưới cụ, hệ thống thông tin liên lạc… để phục vụ đánh bắt xa bờ; mua giống, thức ăn để nuôi trồng thủy sản... tái sản xuất.
Về các xã vùng biển của Hà Tĩnh những ngày hôm nay, những con tàu đầy ắp tôm, cá đang nối đuôi nhau trở về đất liền sau những ngày dài đánh bắt trên biển... So với những năm trước, giá thủy sản hiện đã ổn định trở lại, ngư dân cũng liên tục được mùa khiến bà con rất phấn khởi.
Theo thống kê từ Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh cho biết, trong 6 tháng đầu năm sản lượng sản xuất thủy sản ước đạt 19.989 tấn tăng 7,6% so với cùng kỳ năm 2017, đạt 42,43% so với kế hoạch năm ước giá trị đạt 829 tỉ đồng.
Để có được những kết quả như trên thì ngoài sự nổ lực vượt qua khó khăn của bà con ngư dân thì con phải kể đến những chính sách kịp thời, đúng đắn của tỉnh Hà Tĩnh để khuyến khích phát triển sản xuất có tính dài hơi, ổn định, tổng thể cho cả giai đoạn, như: Chính sách theo Quyết định 24/2011/QĐ-UBND ngày 09/08/2011 của UBND tỉnh về khuyến khích phát triển nông nghiệp nông thôn tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2011-2015; Quyết định số 11/2013/QĐ-UBND ngày 14/3/2013 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định 24/2011/QĐ-UBND...
|
Vùng biển Hà Tĩnh có nhiều nguồn lợi thủy sản có giá trị kinh tế cao. |
Trong những năm gần đây, Hà Tĩnh đã hỗ trợ sản xuất thủy sản từ các chính sách đạt trên 120 tỷ đồng; thúc đẩy ngành thuỷ sản tỉnh nhà phát triển mạnh mẽ cả chiều sâu lẫn chiều rộng, tạo nên những bước đột phá trong nuôi trồng lẫn khai thác, nổi bật lên những con số ấn tượng như diện tích nuôi tôm thâm canh tăng gấp 4 lần (200ha lên 800ha, sản lượng tôm tăng trên 38%, thể tích lồng nuôi cá trên sông, hồ chứa tăng 17 lần (từ 3.000m3 lên 52.471m3), tăng 340 chiếc tàu cá xa bờ công suất lớn (39 chiếc lên 379 chiếc, bình quân 35 chiếc/năm), tăng 50 tổ hợp tác khai thác hải sản (năm 2017 có 67 tổ đội), hình thành và duy trì hoạt động có hiệu quả 20 HTX, 43 THT nuôi trồng thủy sản, 02 HTX nghề cá và 02 nghiệp đoàn nghề cá.
|
Một tàu cá vỏ sắt được đóng theo Nghị định 67 của Chính phủ về hỗ trợ ngư dân bám biển. |
Kết quả thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, tỉnh Hà Tĩnh đã phê duyệt được 21 đối tượng đóng tàu vỏ thép có công suất từ 800CV đến 1.100 CV và nâng cấp, cải hoán tàu cá xa bờ đã tạo cú hích cho người dân mạnh dạn đầu tư phát triển nhanh đội tàu đánh bắt xa bờ, góp phần mở rộng ngư trường khai thác, bảo vệ chủ quyền, an ninh biển đảo, giảm xung đột và áp lực khai thác tại vùng biển ven bờ; đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng và thuyền viên tàu cá cho 493 người tạo ra cho đội ngũ thuyền trưởng, máy trưởng đáp ứng đòi hỏi nhu cầu sản xuất cho nghề cá tỉnh nhà; phòng chống, xử lý một số dịch bệnh nguy hiểm truyền nhiễm giảm thiệt hại kinh tế, giảm chi phí xử lý dịch bệnh cho người sản xuất, góp phần giúp người nuôi bị dịch bệnh có điều kiện sớm khôi phục sản xuất; đảm bảo môi trường sinh thái.
Hiện tàu cá ở Hà Tĩnh có 6.039 chiếc: trong đó 3.941 chiếc đã được đăng ký quản lý; đội tàu hoạt động tại vùng lộng, vùng khơi (công suất từ 20CV trở lên) có 1176 chiếc; đội tàu có công suất từ 90 CV trở lên hoạt động xa bờ có 373 chiếc, đây là đội tàu đóng góp phần lớn sản lượng khai thác thủy sản trong toàn tỉnh. Số còn lại chủ yếu là đánh bắt cá vùng lộng có công suất nhỏ hơn 20 CV chiếm hơn 70% tổng số tàu.
Tuy vẫn còn nhiều khó khăn như thiên tai, dịch bệnh, rào cản thương mại nhưng nhìn chung thủy sản Hà Tĩnh đang từng bước nổ lực đổi mới để đạt được những kết quả xứng đáng với tiềm năng và lơi thế mà thiên nhiên nơi này ban tặng sớm đáp ứng yêu cầu thực hiện các mục tiêu, định hướng của Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới theo Quyết định 899/QĐ-TTg ngày 10/6/2013.
(Theo Infonet)