Để thương hiệu hàu Vân Đồn vươn ra biển lớn

Tại hội thảo “Ứng dụng công nghệ tiên tiến phát triển bền vững chuỗi giá trị hàu Vân Đồn” do Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam phối hợp UBND huyện Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh) tổ chức mới đây ở Vân Đồn, đại diện nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp và ngư dân đã ký kết cùng tham gia phát triển bền vững chuỗi giá trị hàu.

Với khoảng 4.000ha nuôi hàu, Vân Đồn được đánh giá là địa bàn lớn nhất cả nước về sản lượng và quy mô nuôi hàu. Theo ông Đào Văn Vũ, Phó Chủ tịch UBND huyện Vân Đồn, nhiều năm qua, hàu là sản phẩm chủ lực, đóng góp vào công cuộc xóa đói giảm nghèo cho ngư dân, là một trong những sản phẩm chủ lực cấp quốc gia của tỉnh Quảng Ninh. Hiện toàn huyện ghi nhận 39 cơ sở sơ chế hàu và Công ty THHH Sản xuất và thương mại Thủy sản Quảng Ninh chế biến sản phẩm hàu. 

Để thương hiệu hàu Vân Đồn vươn ra biển lớn
Hàu là sản phẩm chủ lực, đóng góp vào công cuộc xóa đói giảm nghèo cho ngư dân, là một trong những sản phẩm chủ lực cấp quốc gia của tỉnh Quảng Ninh.

Tham gia vào chuỗi liên kết này, nhà quản lý sẽ đóng vai trò định hướng, trọng tài giữa các bên, với mục tiêu quản lý, gia tăng bền vững của hoạt động nuôi, kinh doanh hàu. Cụ thể, bằng các chính sách, quy định liên quan (về vật liệu nuôi, cam kết an toàn vệ sinh...), nếu hộ nuôi tuân thủ đầy đủ, sẽ được cơ quan quản lý hỗ trợ tương ứng. 

Đơn cử, đối với yêu cầu chuyển sang vật liệu nuôi trồng thân thiện với môi trường là HDPE (có tuổi đời 50 năm), tỉnh Quảng Ninh sẽ hỗ trợ sau đầu tư 30% kinh phí chuyển đổi từ phao xốp sang vật liệu HDPE nếu người dân tham gia vào chuỗi liên kết từ khâu nuôi trồng đến khâu chế biến.

Đồng thời, khi các hộ nuôi đã tuân thủ đầy đủ các quy định, chế tài liên quan, đơn vị thu mua sẽ đảm bảo bao tiêu toàn bộ sản phẩm nuôi đầu ra cho người dân. 

Theo bà Phạm Thị Thu Hiền, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và thương mại Thủy sản Quảng Ninh (Bavabi) – đơn vị tham gia trực tiếp trong chuỗi liên kết 4 nhà, lý giải: Theo quy trình, hộ nuôi vớt hàu lên và bán cho công ty Bavabi. Nếu người dân chưa có tiền để trả ngay thì bên cung ứng vật liệu nuôi sẽ cho nợ và trả dần bằng tiền hàng bán cho Bavabi. Bavabi sẽ đứng ra thanh toán phần tiền mua vật liệu nuôi cũng như hỗ trợ một phần cho người dân vay ngân hàng.

Doanh nghiệp sẽ bao gồm các đơn vị thu mua, chế biến sâu, cung ứng vật liệu nuôi thân thiện với môi trường – đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật hiện hành.

Sau khi đạt được thành công trong phối hợp thực hiện dự án "Nghiên cứu quy trình công nghệ chế biến hàu Thái Bình Dương thành sản phẩm hàu sấy khô, hàu tẩm ướp gia vị và nem hàu tại Quảng Ninh" từ năm 2014, Bavabi đang phát triển mạnh mẽ các sản phẩm như ruốc hàu, các loại bánh từ hàu, bánh phồng hàu, bánh cookie từ hàu, nem hàu và các sản phẩm tinh hàu phục vụ cho ngành dược...

Để hướng tới xuất khẩu ra các nước, một trong những tiêu chí quan trọng là sản phẩm phải được chứng nhận về tiêu chuẩn cho vùng nuôi. 

Tuy nhiên, với thói quen nuôi trồng tự phát, thiếu quy hoạch, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như trực tiếp ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường biển (vật liệu truyền thống là phao xốp, áp dụng cho diện tích 4.000ha thì lượng xốp thải ra biển hàng năm rất lớn, thiếu kiểm soát), sản phẩm hàu khi đến tay các đơn vị chế biến thường có chất lượng không đồng đều. 

Giữa các vùng nuôi lại có sự chênh lệch về giá trị chất lượng con hàu, điều này đã gây khó khăn, tốn kém cả chi phí lẫn thời gian cho đơn vị thu mua (như Bavabi là điển hình) để kiểm định, lựa chọn nguồn hàng.

Để kiểm soát chất lượng hàu nuôi, từ năm 2009 đến nay, Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy Sản (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) đã hỗ trợ thực hiện lấy mẫu và kiểm tra các mô hình nuôi nhuyễn thể 2 mảnh vỏ như trai, hàu, tu hài về môi trường nuôi (tảo độc, độc tố sinh học, vi sinh vật, kim loại nặng trong nước, chất lượng nuôi…). 

Đồng thời, đơn vị kiểm tra cả cơ chế thu hoạch, cách xử lý sau thu hoạch và cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn sản xuất nhuyễn thể 2 mảnh vỏ với tần suất 2 tháng một lần cho các đơn vị nuôi.

Liên quan tới hạ tầng nuôi, theo ông Đỗ Đình Minh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh, việc triển khai thay thế vật liệu nuôi trồng thủy sản phao xốp bằng vật liệu bền vững tương đương HDPE cũng gặp vướng mắc. 

Giá các sản phẩm vật liệu nuôi trồng bền vững đang cao hơn thông thường 1,5-3 lần, kéo theo suất đầu tư lớn, không phải người dân nào cũng có điều kiện thực hiện, trong khi quy định của tỉnh là buộc phải thay thế 100% trong năm 2021. 

Về vấn đề này, Công ty CP Nhựa Super Trường Phát cam kết đồng hành cùng tỉnh Quảng Ninh và Chi cục thủy sản tỉnh để hỗ trợ các cơ sở nuôi hàu có thể đưa phao nổi HDPE vào nuôi trồng thủy sản.

Tại sự kiện, nhiều hộ nuôi đã bước đầu nhận thức được tầm quan trọng của chuỗi liên kết 4 nhà. Theo bà Hiền, một số trường hợp người dân tỏ ra hào hứng và bày tỏ nguyện vọng tham gia vào chuỗi này để cải thiện tình trạng hàu ngày càng mất giá, càng đầu tư càng lỗ như thời gian vừa qua.

(Theo DN Hội nhập)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục