Đà Nẵng ban hành chính sách mới hỗ trợ ngư dân khai thác thủy sản xa bờ

Nhằm nâng cao giá trị khai thác thủy sản xa bờ, gắn với bảo vệ an ninh, chủ quyền biển, đảo, ngoài những chính sách hỗ trợ của Trung ương, thời gian tới, thành phố Đà Nẵng sẽ ban hành các chính sách mới mang tính đột phá để hỗ trợ ngư dân trong hoạt động khai thác thủy sản.

Nhiều chính sách mới hỗ trợ ngư dân

Ông Nguyễn Đỗ Tám, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thành phố Đà Nẵng cho biết, nhằm nâng cao giá trị thủy sản, bước đi đầu tiên của Đà Nẵng là dừng chính sách hỗ trợ ngư dân đóng tàu cá theo Quyết định 47/2014/QĐ-UBND. Thay vào đó, trong giai đoạn từ năm 2019-2025, thành phố Đà Nẵng sẽ ban hành các chính sách mới như: hỗ trợ lệ phí mua bảo hiểm thân tàu. Cùng đó, hỗ trợ lắp đặt thiết bị giám sát hành trình và hỗ trợ mua sắm các trang thiết bị bảo quản sản phẩm thu hoạch. Tổng kinh để thực hiện các chính sách này là hơn 100 tỷ đồng.

Cụ thể, ngoài phần hỗ trợ của Trung ương, thành phố Đà Nẵng sẽ hỗ trợ thêm 40% lệ phí mua bảo hiểm thân tàu với kinh phí gần 49 tỷ đồng; hỗ trợ lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo quy định của Luật Thủy sản năm 2017 và kinh phí thuê bao năm đầu tiên với kinh phí khoảng 28 tỷ đồng; hỗ trợ 50% chi phí đầu tư mua sắm trang thiết bị để bảo quản sản phẩm thu hoạch như: hầm bảo quản, hầm lạnh, hệ thống lạnh... với tổng kinh phí gần 24 tỷ đồng.

Từ năm 2012 đến nay, thành phố đã hỗ trợ ngư dân đóng mới 120 tàu theo QĐ 47/2014/QĐ-UBND, với tổng kinh phí là hơn 94 tỷ đồng. Lý giải nguyên nhân thành phố Đà Nẵng dừng việc thực hiện Quyết định định 47 để ban hành các chính sách mới, ông Nguyễn Đỗ Tám cho rằng, theo định hướng của Trung ương và ngành thủy sản thành phố Đà Nẵng, đến nay, số lượng tàu cá hoạt động của thủy sản xa bờ đã đạt số lượng theo quy hoạch (hơn 1.250 chiếc tàu, với tổng công suất hơn 380.000 CV). Do đó, thời gian tới, thành phố cần tập trung xây dựng chính sách hỗ trợ các tàu cá hiện có để nâng cao sản lượng chất lượng sản phẩm sau khai thác, trang bị đầy đủ các trang thiết bị nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế cũng như an toàn cho ngư dân khi tham gia hoạt động trên biển, giảm áp lực khai thác hải sản ven bờ.

Theo ông Nguyễn Đỗ Tám, hiện nay, một số chính sách hỗ trợ của Nghị định 67/2014/NĐ-CP đã sửa đổi bổ sung tại Nghị định 17/2018/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản có phần hạn chế đối với ngư dân. Cụ thể: chính sách vay vốn đóng mới, nâng cấp tàu cá bị dừng, chính sách bảo hiểm thân tàu giảm còn 50%; chính sách hỗ trợ sau đầu tư chỉ áp dụng đối với tàu mới vỏ thép, vỏ tàu composite. Trong khi đó, ngư dân vẫn chưa "mặn mà" đối với việc đầu tư các loại phương tiện này.

Ông Nguyễn Đỗ Tám cho biết thêm, Luật Thủy sản 2017 có hiệu lực từ 1/1/2019 quy định các tàu cá có chiều dài từ 15 mét trở lên phải có thiết bị giám sát hành trình, tuy nhiên, hầu hết tàu cá của Đà Nẵng không có thiết bị này. Việc lắp thiết bị giám sát hành trình là điều kiện bắt buộc đối với các tàu cá để xác định đúng đối tượng chi tiền hỗ trợ dầu cho ngư dân theo quyết định 48/2010/ QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, giúp các cơ quan chức năng thực hiện tốt công tác cứu nạn, cứu hộ khi tàu gặp nạn. Đặc biệt, thiết bị giám sát hành trình sẽ góp phần triển khai hiệu quả Chỉ thị 45/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của Ủy ban châu Âu (EC) về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).

Bên cạnh đó, do quy định phải có tài sản thế chấp nên đến nay hầu hết các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ gia đình và cá nhân hoạt động trong lĩnh vực thủy sản chưa tiếp cận được nguồn vốn để mua các thiết bị phục vụ việc khai thác thủy sản theo Quyết định 68/2013/ QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp.

Tháng 10/2017, anh Nguyễn Vũ, trú tại phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà đã đầu tư đóng mới chiếc tàu vỏ gỗ theo Quyết định 47 của UBND thành phố Đà Nẵng với số tiền được hỗ trợ là 800 triệu đồng, gia đình anh đã bỏ thêm hơn 2 tỷ đồng để đóng mới con tàu vỏ gỗ có giá trị 3 tỷ đồng, có công suất hơn 800CV.

Sau nhiều chuyến đi biển, anh Vũ nhận thấy hiệu quả đánh bắt cũng như sự an toàn của con tàu mang lại, tuy nhiên, do tàu không có các trang thiết bị bảo quản sau thu hoạch nên khi về tới bờ thủy sản khai thác không còn được "tươi", bị thương lái "ép giá" nên giá trị kinh tế không cao. " Do vậy, việc thành phố sẽ ban hành chính sách mới hỗ trợ ngư dân trong hoạt động khai thác thủy sản; trong đó, có chính sách hỗ trợ mua sắm trang thiết bị để bảo quản sản phẩm thu hoạch là cần thiết nhằm nâng cao năng suất, hiệu quả khai thác hải sản trên biển.", anh Vũ khẳng định.

Tổ chức lại sản xuất

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh, để tận dụng được các lợi thế và cơ hội do thị trường mang lại, ngành khai thác thủy sản Đà Nẵng cần giải quyết vấn đề vốn cho ngư dân, nâng cao được trình độ đánh bắt xa bờ và năng lực cạnh tranh tổng thể của sản phẩm chế biến. Từ nay đến năm 2020, thành phố Đà Nẵng sẽ tổ chức lại sản xuất; trong đó, tập trung tái cơ cấu đội tàu khai thác thủy sản, duy trì ổn định sản lượng khai thác.

Bên cạnh đó, Đà Nẵng sẽ tập trung phát triển đội ngũ tàu dịch vụ hậu cần nghề cá để thực hiện dịch vụ hậu cần tiêu thụ sản phẩm hải sản cho ngư dân, phấn đấu đến năm 2020 đạt 15 chiếc và năm 2030 đạt 50 chiếc; nâng cao năng lực và chất lượng hoạt động của các tổ, đội khai thác trên biển, phấn đấu đạt 100% tàu công suất 90CV trở lên tham gia tổ, đội và nghiệp đoàn nghề cá.

Năm 2020, thành phố Đà Nẵng phấn đấu sản lượng khai thác hải sản ước đạt 38.000 tấn và đạt 45.000 tấn vào năm 2030. Đồng thời, tập trung đầu tư cảng Thọ Quang thành trung tâm nghề cá của thành phố, cũng như của khu vực và vịnh Mân Quang thành nơi trú bão cho tàu thuyền công suất lớn từ 400-1.000 CV.

Theo ông Nguyễn Đỗ Tám, dù Đà Nẵng đã hình thành được các tổ, đội khai thác xa bờ nhưng đây mới chỉ dừng lại ở việc hỗ trợ, giúp đỡ nhau trong trường hợp gặp tai nạn khi đang đánh bắt trên biển. Các tổ, đội này chưa tổ chức được các tàu dịch vụ hậu cần phục vụ khai thác để nâng cao hiệu quả sản xuất, do đó, khi sản phẩm của ngư dân đưa lên bờ tiêu thụ chất lượng thủy, hải sản chưa đảm bảo khiến giá thành giảm, có trường hợp ngư dân bị thua lỗ.

Theo ông Nguyễn Đỗ Tám, trước mắt, Đà Nẵng tổ chức sản xuất trên biển theo hướng tiếp tục phát triển và nhân rộng các mô hình tổ ngư dân đoàn kết khai thác trên biển, tổ hợp tác, hợp tác xã, nghiệp đoàn đánh cá, các liên doanh; tạo liên kết giữa ngư dân, hợp tác xã với các tổ chức doanh nghiệp, các đơn vị trung gian trong cung ứng dịch vụ hậu cần, thu mua, tiêu thụ sản phẩm trên biển, hướng đến việc hình thành chuỗi liên kết từ khai thác,bảo quản, vận chuyển, thu mua, chế biến đến xuất khẩu.

Hiện, UBND thành phố Đà Nẵng đang kêu gọi đầu tư, xây dựng cảng cá Thọ Quang. Việc xây dựng cảng cá lớn nhằm đáp ứng nhu cầu dịch vụ hậu cần nghề cá  theo hướng hiện đại, tiếp tục hỗ trợ hiệu quả cho ngư dân Đà Nẵng và khu vực miền Trung, tạo đầu mối thu mua thủy hải sản, chỗ neo đậu tránh, trú bão cho ngư dân các tỉnh miền Trung.

Cùng với đó, thành phố cũng đầu tư nâng cao năng lực quản lý về thủy sản của lực lượng kiểm ngư, hệ thống thông tin quản lý nghề cá, dự báo ngư trường, kết nối thông tin liên lạc tàu cá nhằm đảm bảo an toàn cho tàu và người khi hoạt động khai thác trên biển; nghiên cứu xây dựng đề án đánh bắt và xuất khẩu cá ngừ đại dương trong mối quan hệ với Nhật Bản, đề nghị đối tác hỗ trợ đào tạo thủy thủ, hướng dẫn công nghệ đánh bắt cá ngừ để xuất khẩu sang Nhật Bản.

(Theo Báo Ảnh DT&MN)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục