Từ lâu, Viện Nuôi trồng thủy sản (NTTS) - Trường Đại học Nha Trang đã nghiên cứu, sản xuất thành công nhiều đối tượng nuôi biển có giá trị kinh tế cao. Nối tiếp đam mê, các nhà khoa học của Viện NTTS đang ngày đêm miệt mài nghiên cứu, mong muốn hoàn thiện công nghệ “dẫn lối” cho nghề nuôi biển phát triển bền vững.
Sản xuất giống cá biển
Mới hơn 7 giờ sáng, nhưng ánh nắng đã nhanh chóng hấp nóng xuống các bể nuôi tại trại nuôi giống cá biển ở thôn Cát Lợi, xã Vĩnh Lương (TP. Nha Trang). Không mặc blouse trắng và ngồi trong phòng thí nghiệm yên tĩnh, kỹ sư Trần Ngọc Thắng, phụ trách kỹ thuật của trại, với áo phông, quần short, tất bật đi từ bể này sang bể khác kiểm tra sức khỏe cá.
Hỏi về công việc hàng ngày, anh cười: “Cũng chỉ bơm nước - xử lý nước - chăm sóc cá”. Chỉ vậy, mà chẳng mấy khi các anh ngơi nghỉ. Sáng sớm, lo bật máy bơm nước biển, xử lý hóa chất diệt khuẩn, làm sạch nước, bơm vào trại, cho cá ăn, quay ra thay nước; làm xong đã tới trưa. Buổi chiều lại quần quật chừng đó việc là vừa tối, bởi mỗi công đoạn đều tỉ mỉ. Ví như chuyện thay nước, với cá dưới 1 tháng tuổi, chỉ được thay khoảng 50% bể; cá gần xuất giống phải thay cả bể, kéo theo thao tác chuyển cá sang bể, vệ sinh đáy bể. Để cá không ngợp, việc chuyển cá không được quá 2 phút và chỉ được làm khi rút nước đến đúng mức phù hợp. Lượng cá múc lên cũng phải bảo đảm vừa phải để tránh chèn ép lẫn nhau. Công việc còn bận hơn vào dịp xuất cá giống hay ra bè nuôi ở thôn Ngọc Diêm, xã Ninh Ích (thị xã Ninh Hòa) thăm trứng, tiêm hormon kích thích cá bố mẹ đẻ, vớt trứng... 4 trại, 1 bè nuôi với 300 bể, sản xuất 5 - 7 triệu con giống/năm đều do hai chục cử nhân, kỹ sư cùng TS. Ngô Văn Mạnh - Trưởng bộ môn Kỹ thuật NTTS, Viện NTTS đảm nhiệm. Cử nhân Lê Trọng Thủy cười vui, khoát tay chỉ dãy bể nuôi san sát: “Riêng trại này có 60 hồ nhỏ, 4 hồ lớn, chục bể 1 - 5m3 nuôi thức ăn tươi và ấp trứng, 3 anh em làm tuốt. Cả ngày bì bõm chẳng khác người nuôi ngoài bè, chẳng nhận ra nhà khoa học!”.
Nhưng vất vả đó chưa thấm gì so với các thế hệ đi trước. TS. Ngô Văn Mạnh tâm sự, hồi còn là sinh viên đại học, các thầy luôn nhắc sinh viên không chỉ học lý thuyết, mà phải ra thực tế. Quả thật, trải nghiệm giúp sinh viên chiêm nghiệm kiến thức và lý giải được một cách khoa học kinh nghiệm của cha ông. Khảo sát thực tế từ người nuôi và đánh giá tiềm năng thị trường với từng đối tượng nuôi cũng giúp các thế hệ thầy, cô của Viện NTTS hình thành các ý tưởng nghiên cứu và thực hiện nhiều đề tài giá trị, đồng thời truyền đam mê cho thế hệ trẻ. Lần đầu được tham gia nghiên cứu cùng GS.TS Nguyễn Trọng Nho, PGS.TS. Lại Văn Hùng, TS. Nguyễn Hữu Dũng, TS. Lục Minh Diệp, Nguyễn Địch Thanh…, chứng kiến sự đam mê, vất vả của các thầy khi triển khai các thử nghiệm, TS Mạnh mới hiểu, từ thí nghiệm đến thực tế sản xuất cần biết bao công sức của các nhà khoa học, càng thấy được giá trị thành quả mà các thế hệ đi trước đặt nền móng cho những nghiên cứu sau này.
Nối tiếp đam mê
TS Mạnh nhớ lại, hồi theo GS.TS Nguyễn Trọng Nho, TS. Lục Minh Diệp nghiên cứu về cá chẽm mõm nhọn, ông hào hứng lắm, vì cá dưới 20 ngày tuổi rất dễ nuôi, nhưng sau đó, đàn cá liên tục chết. Có khi cá đang ăn, lọc cá, hoặc đập mạnh vào bể ương cũng có thể gây sốc làm cá chết. Lúc đó, trang thiết bị, tài liệu nghiên cứu về cá biển của Việt Nam rất hạn chế, thầy trò phải bỏ bao công nghiên cứu mới khắc phục được. Khi cá giống lớn hơn lại vất vả kiểu khác. Do lúc đó chưa có thức ăn công nghiệp cho cá biển, nên ngày nào 2 - 3 người cũng ngồi thái nhỏ khoảng 10kg mực tươi thành những viên thức ăn cỡ hạt gạo cho cá ăn... Nhưng vất vả không thắng được đam mê của thầy trò. Mỗi lần tìm ra điều mới, thầy trò lại thêm hào hứng. Nhờ đó, họ phát hiện sớm được vấn đề có thể xảy ra và xử lý kịp thời để hạn chế tối đa rủi ro.
Chuyển cá sang bể để thay nước.
Nhận thấy tiềm năng của nghề nuôi cá biển, năm 1994, Khoa NTTS, Trường Đại học Thủy sản (nay là Viện NTTS, Trường Đại học Nha Trang) bắt đầu nghiên cứu sản xuất giống và nuôi cá biển. Mong muốn giúp nghề nuôi cá biển phát triển bền vững, nhiều thầy cô của trường đã hoàn thành nhiều đề tài nghiên cứu về sản xuất giống, nuôi thương phẩm, nghiên cứu về sinh học, sinh lý - sinh thái cá, dinh dưỡng, thức ăn, hệ thống mương nổi… với các loài cá như: chẽm, chẽm mõm nhọn, hồng bạc, chim vây vàng, hồng Mỹ, dìa, khoang cổ, sắp tới là cá sủ đất, cá bè đưng, bè vẫu.
Đến nay, nhiều loài cá đã được đưa vào sản xuất giống và nuôi thương phẩm rộng rãi như: cá chẽm, cá chim vây vàng, cá hồng Mỹ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại Khánh Hòa cũng như các tỉnh ven biển khác trong nước.
Mong mỏi của nhà khoa học
TS. Trần Thị Mỹ Hạnh - Phó Trưởng phòng Khoa học và Công nghệ, Trường Đại học Nha Trang: Từ năm 1994 đến nay, trong nghiên cứu về cá biển, Khoa NTTS (nay là Viện NTTS) đã thực hiện 4 dự án được nước ngoài tài trợ, 2 dự án sản xuất thử nghiệm cấp Nhà nước, cấp bộ, 3 đề tài NAFOSTED (do Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia tài trợ), 4 đề tài cấp bộ, 7 đề tài cấp tỉnh và 3 dự án chuyển giao công nghệ cho các tỉnh: Ninh Bình, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Kiên Giang. Những kết quả nghiên cứu của Viện NTTS đã góp phần quan trọng đa dạng hóa đối tượng cá biển nuôi, giúp nghề nuôi cá biển phát triển bền vững.
TS. Mạnh tự hào khoe, bây giờ, thay vì chỉ gửi con giống giới thiệu cho người dân nuôi, và tìm kiếm đối tượng nuôi mới thì Viện NTTS còn được người dân gửi giới thiệu giống cá có tiềm năng ở các địa phương để nghiên cứu phát triển sản xuất. Tuy vậy, các anh vẫn còn lưu luyến bởi đề tài “Xây dựng quy trình sản xuất giống và thử nghiệm nuôi thương phẩm cá sủ đất tại Khánh Hòa” phải thanh lý giữa chừng bởi bị thiệt hại toàn bộ con giống sau cơn bão số 12 năm 2017. Đề tài dừng lại dang dở khi các mục tiêu đã đạt được phân nửa: kế thừa kết quả nuôi ở miền Bắc, khắc phục khiếm khuyết của công nghệ nhập, hiệu chỉnh kỹ thuật sản xuất giống, chủ động tạo ra con giống chất lượng và nuôi thương phẩm phù hợp với địa phương, góp phần đa dạng hóa đối tượng cá biển nuôi. Mong muốn được làm lại, TS. Mạnh đã cất công đi xin lại một số cá nuôi thương phẩm từ người dân từng được cho giống nuôi thử nghiệm để nuôi gây lại đàn bố mẹ, đồng thời xúc tiến đề xuất được thực hiện trở lại đề tài. Hiện nay, TS. Mạnh và cộng sự đã bước đầu gây dựng thành công 17 con cá sủ đất bố mẹ và cho sản xuất thử nghiệm lại để sẵn sàng thực hiện khi đề xuất được chấp thuận.
Ông Trần Kính Bang (huyện Cần Giờ, TP. Hồ Chí Minh), người đã thử nghiệm nuôi cá sủ đất trong ao do Viện NTTS cung cấp cho rằng: “Chọn loài cá nào để nuôi, sản xuất giống ra sao cần vai trò của nhà khoa học. Khi nhà khoa học và người nuôi cùng phối hợp, thì nghiên cứu sẽ có tính ứng dụng cao, người nuôi cũng giảm thiểu nguy cơ rủi ro vì thiếu công nghệ”. Còn TS. Mạnh chia sẻ, trong nuôi cá biển quy mô công nghiệp, khâu chọn đối tượng nuôi cực kỳ quan trọng, phải đảm bảo quy mô, sản lượng nuôi lớn, cá sử dụng tốt thức ăn công nghiệp, nguồn giống chất lượng, số lượng ổn định và đầu ra thị trường. Nếu tập trung quá vào 1 đối tượng nuôi, ắt “cung” vượt “cầu”, sinh hệ lụy; do vậy cần đa dạng hóa đối tượng nuôi. Tiếp đó là khâu chọn cá bố mẹ. Người dân thường chọn cá to, nhanh lớn làm cá bố mẹ, nhưng về lâu dài sẽ dẫn đến nguy cơ cận huyết ảnh hưởng tới sức sống, sinh trưởng của cá nuôi. Muốn phát triển những loài cá có giá trị kinh tế và tiềm năng nuôi công nghiệp, đa dạng hóa đối tượng nuôi, cùng với xây dựng các quy trình kỹ thuật, cần nâng cao chất lượng đàn cá bố mẹ và con giống bằng cách nghiên cứu áp dụng công nghệ di truyền trong chọn giống, các giải pháp về dinh dưỡng… “Để nghề nuôi biển phát triển bền vững, cần có khoa học “dẫn lối””, TS. Mạnh nói.
(Theo báo Khánh Hòa)