Cắt giảm kiểm tra chuyên ngành: Doanh nghiệp bất an khi nhận toàn lời hứa “sẽ xem xét“

Những lời hứa “sẽ xem xét” là điều mà nhiều doanh nghiệp nhận được khi đeo đuổi rất lâu các khuyến nghị sửa đổi quy định liên quan đến kiểm tra chuyên ngành không phù hợp. Đáng tiếc là các lời hứa này không đủ để doanh nghiệp an tâm làm ăn.

Doanh nghiệp thủy sản lại... khóc

Cho tới thời điểm này, Dự thảo sửa đổi Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải chế biến thủy sản (QCVN 11:2015) vẫn chưa có trong kế hoạch ban hành QCVN năm 2019.

“Chúng tôi đã nhiều lần gửi đề nghị và được Bộ Tài nguyên và Môi trường hứa xem xét và ban hành QCVN thay thế QCVN 11:2015 ngay trong năm 2019, nhưng không hiểu sao vẫn chưa được”, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) lo lắng.

Sự chậm trễ này tiếp tục đặt doanh nghiệp chế biến thủy sản vào thế khó trong việc cạnh tranh với các đối thủ để tiếp cận thị trường xuất khẩu, nhất là khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) đang cận kề thời điểm thực thi.

“Chúng tôi đã đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm soát xét, ban hành QCVN mới thay thế QCVN 11:2015, trong đó xem xét nâng ngưỡng cho phép của chỉ tiêu Phospho vào trong dự thảo QCVN 11: 2017/BTNMT về nước thải CBTS lên mức 40-50 mg/l và giữ nguyên mức giới hạn kiểm soát của Amoni và Nitơ như QCVN 11:2015”, ông Nam giải thích rõ.

Cùng với đề xuất này, Vasep đề nghị lộ trình áp dụng phù hợp cho QCVN mới theo thông lệ quốc tế, khoảng 5-10 năm hay như trường hợp của Mỹ là 10 năm, để các doanh nghiệp chủ động đầu tư, nâng cấp hệ thống xử lý nước thải.

Theo quy định hiện hành, chỉ tiêu Phospho, Amoni, tổng Nitơ trong nước thải sau khi xử lý tại nhà máy chế biến thủy sản (QCVN 11:2015) ở mức thấp so với khả năng của thực tế. Ngay các nhà máy đầu tư công nghệ mới và hệ thống xử lý nước thải đầy đủ cũng rất khó đạt. Do đó, kết quả thanh, kiểm tra hàng năm của ngành môi trường luôn có tỷ lệ lớn doanh nghiệp không đạt, bị phạt vi phạm hành chính môi trường.

Trong trường hợp này, nếu khách hàng quốc tế biết rằng, các nhà máy của doanh nghiệp Việt Nam vi phạm quy định môi trường của Việt Nam, cơ hội để đưa hàng vào thị trường EU và nhiều thị trường lớn khác gần như đóng kín. Vì yêu cầu đầu tiên của các nhà nhập khẩu là doanh nghiệp không được vi phạm pháp luật, nhất là các quy định về môi trường, lao động... của Việt Nam.

“Nhưng vấn đề là các tiêu chuẩn này không phù hợp, thậm chí là quá cao so với quy định của nhiều nước, trong đó có các đối thủ cạnh tranh của Việt Nam”, ông Nam nói.

Theo nghiên cứu của VASEP, một số quốc gia xuất khẩu thủy sản mạnh trong khu vực như Indonesia, Malaysia, Thái Lan không quy định chỉ tiêu này trong nước thải công nghiệp chế biến thủy sản, hoặc có thì cho phép ở ngưỡng cao hơn.

“Sao chúng ta lại làm khó cho doanh nghiệp mình như vậy”, ông Nam trăn trở.

Rào cản lớn vẫn có tên kiểm tra chuyên ngành

Câu hỏi ông Nam đặt ra không mới, khi nhìn vào đề nghị của doanh nghiệp về các quy định không phù hợp, khiên cưỡng, không thống nhất giữa các cơ quan liên quan đến kiểm tra chuyên ngành.

Ngay trong lĩnh vực thủy sản, các hộ nuôi cá tra, nuôi tôm cũng đang phải đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm xây dựng và ban hành QCVN riêng cho nước thải từ ao nuôi cá tra và ao nuôi tôm trước khi thải ra môi trường bên ngoài.

Hiện các hộ này đang được Bộ Tài nguyên và Môi trường yêu cầu tuân thủ theo QCVN 40:2011/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp, không đồng ý cho áp dụng QCVN 02-20:2014/BNNPTNT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về cơ sở  nuôi cá tra trong ao, điều kiện bảo đảm vệ sinh thú y, bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành.

Các hộ này đã đeo đuổi vấn đề này suốt cả năm 2018, với nhiều cuộc họp, nhưng đến giờ vẫn chưa nhận được phản hồi cụ thể nào để biết con đường tới sẽ ra sao.

Phải nhắc lại, không chỉ các doanh nghiệp thủy sản đang khóc thầm.

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi Chính phủ không ngần ngại ghi rõ, công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu chưa có chuyển biến, cải cách nào đáng kể.

Nghị quyết 02/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia đã giao việc, trước tháng 6 năm 2019, các bộ, ngành hoàn thành rà soát, cắt giảm thực chất 50% số mặt hàng thuộc danh mục hàng hóa quản lý, kiểm tra chuyên ngành.

Khi triển khai thực thi, các bộ, ngành đều cam kết sẽ tuân thủ. Nhưng cho tới thời điểm này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, nhiệm vụ này chuyển biến chậm, chủ yếu chuyển từ kiểm tra trước sang thông quan sang giai đoạn sau thông quan, chứ không phải cắt giảm số lượng mặt hàng kiểm tra chuyên ngành như yêu cầu của Chính phủ.

Đáng chú ý là các kiến nghị rất cũ, được nhắc đến rất nhiều lần vẫn tiếp tục được nhắc lại trong báo cáo gửi Chính phủ. Cụ thể là các yêu cầu về quản lý, kiểm tra chuyên ngành trong một số lĩnh vực của Bộ Công thương (như kiểm tra formaldehyte trên sản phẩm dệt may, kiểm tra hiệu suất năng lượng, yêu cầu xin giấy phép bổ sung về phân phối rượu…). Các quy định này đang gây khó khăn, tốn kém thời gian và chi phí của doanh nghiệp.

“Sẽ rất khó cho doanh nghiệp trong cạnh tranh quốc tế, khi mà những rào cản bên trong vẫn hằng hà sa số, chi phí thực thi cao, rủi ro lớn. Tôi lo ngại rào cản nay hơn nhiều rào cản kỹ thuật từ các nước nhập khẩu”, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) chia sẻ với lo lắng với doanh nghiệp.

Tỷ lệ cắt giảm danh mục sản phẩm, hàng hóa kiểm tra chuyên ngành chưa đạt yêu cầu

Tổng hợp từ Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ, sau nhiều cuộc kiểm tra chuyên đề về kiểm tra chuyên ngành với nhiệm vụ giao cụ thể, nhưng đến nay, nhiều hạn chế, bất cập liên quan đến hoạt động kiểm tra chuyên ngành chưa được các bộ khắc phục triệt để.

Tỷ lệ cắt giảm danh mục sản phẩm, hàng hóa kiểm tra chuyên ngành chưa đạt tỷ lệ theo yêu cầu chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Mới có 4 bộ đạt chỉ tiêu cắt giảm từ 50% trở lên gồm: Khoa học và Công nghệ, Giao thông - Vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng.

Một số danh mục sản phẩm, hàng hóa kiểm tra chuyên ngành cắt giảm, đơn giản hóa còn mang tính gộp cơ học để giảm về số lượng, nhưng thực chất vẫn phải thực hiện kiểm tra chuyên ngành; còn danh mục hàng hóa đã ban hành, nhưng chưa có mã số HS; một số nhóm hàng hóa phải ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn, nhưng chưa ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn. Còn tình trạng “điện tử nửa vời” trong việc thực hiện các thủ tục kiểm tra chuyên ngành...

(Theo ĐTCK)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục