Chương trình giống giai đoạn 2021 - 2030 vừa được Chính phủ phê duyệt sẽ bổ sung nguồn lực nhằm cải thiện tiến bộ về giống cho ngành thủy sản, nhất là giống nuôi biển.
Với kim ngạch xuất khẩu trên 8,5 tỉ USD, những năm qua, thủy sản là ngành luôn giữ được tốc độ tăng trưởng ổn định cả về xuất khẩu và sản xuất trong nước.
Trong đó, những tiến bộ về nghiên cứu, phát triển sản xuất giống thủy sản đã góp phần quan trọng nhằm đáp ứng yêu cầu sản xuất cũng như thành tựu chung của ngành thủy sản, đặc biệt là các đối tượng thủy sản nuôi chủ lực hiện nay như tôm, cá tra...
Trong giai đoạn tới, dư địa của ngành thủy sản vẫn còn rất lớn, đặc biệt là chiến lược vươn ra phát triển nuôi biển.
Đến nay, hệ thống các đơn vị nghiên cứu của ngành thủy sản cũng đã và đang triển khai nhiều chương trình nghiên cứu, cho ra các giống hải sản phục vụ nhu cầu nuôi biển như nhuyễn thể hai mảnh vỏ, một số giống cá biển có giá trị kinh tế cao...
Mặc dù vậy, với dư địa còn vô cùng lớn, năng lực nghiên cứu cũng như sản xuất các giống hải sản phục vụ chiến lược nuôi biển của nước ta trong giai đoạn tới đang đứng trước yêu cầu phải nâng lên một tầm cao mới.
Theo Tổng cục Thủy sản, hiện đề án cho chiến lược nuôi biển đang được Bộ NN-PTNT giao Tổng cục triển khai.
Vì vậy vừa qua, việc Thủ tướng Chính phủ ký quyết định số 703/QĐ-TTg về việc Phê duyệt Chương trình Phát triển nghiên cứu, sản xuất giống phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 – 2030 (gọi tắt là Chương trình giống) sẽ là nguồn lực hết sức quan trọng nhằm kịp thời bổ sung cho công tác nghiên cứu, phát triển giống cho ngành thủy sản nói chung, đặc biệt là cho mảng nuôi biển.
Để triển khai Chương trình giống vừa được Chính phủ phê duyệt, trước mắt là cho giai đoạn 2021-2025, hiện Tổng cục Thủy sản và các đơn vị, viện nghiên cứu trong ngành thủy sản đang tiến hành khẩn trương rà soát, lựa chọn các đối tượng giống thủy sản quan trọng, giàu tiềm năng để triển khai các chương trình, dự án phát triển nghiên cứu, sản xuất giống đáp ứng yêu cầu sản xuất trong giai đoạn tới.
Theo đó đến thời điểm này, Tổng cục Thủy sản đã đề xuất với Bộ NN-PTNT lựa chọn một số dự án cho các đối tượng nuôi chủ lực, quan trọng và có tiềm năng phát triển như: Phát triển nghiên cứu sản xuất giống tôm sú, cá tra, cá rô phi; phát triển nghiên cứu sản xuất các đối tượng nuôi biển nhiều triển vọng như nhuyễn thể, một số giống cá nuôi biển như cá song, cá chim, cá giò, cá hồng Mỹ...
Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh, giai đoạn tới, chủ trương của Bộ NN-PTNT trong ngành thủy sản là sẽ đẩy mạnh nuôi biển, bởi đây là mảng sản xuất còn nhiều dư địa phát triển, có giá trị cao.
Vì vậy trong định hướng nghiên cứu, phát triển sản xuất giống, bên cạnh việc tiếp tục tập trung đầu tư cho khâu nghiên cứu, đẩy mạnh sản xuất giống đối với các giống thủy sản nuôi nước lợ, nước ngọt chủ lực và truyền thống như tôm, cá tra, cá rô phi..., sẽ ưu tiên tập trung nguồn lực cho việc nghiên cứu, sản xuất đối với các đối tượng nuôi biển.
Theo đó, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đồng tình với Tổng cục Thủy sản cũng như hệ thống các đơn vị nghiên cứu trong ngành thủy sản, sẽ tập trung lựa chọn một số nhóm đối tượng nuôi biển chủ lực để tập trung nguồn lực đầu tư cho nghiên cứu, sản xuất giống trong quá trình triển khai Chương trình giống giai đoạn 2025 – 2030 (trước mắt là giai đoạn 2021-2025), cụ thể như: Nhóm nhuyễn thể hai mảnh vỏ (ngao, tu hài, hàu Thái Bình Dương, bào ngư...); nhóm các loài cá nuôi biển (như cá song, cá chẽm, cá giò...).
Tắm vệ sinh cho đàn cá song bố mẹ ở Trung tâm Quốc gia giống hải sản miền Bắc (Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản 1) trên vịnh Lan Hạ, Cát Bà, Hải Phòng.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cũng đề nghị Tổng cục Thủy sản, các đơn vị nghiên cứu của ngành thủy sản tiếp tục đánh giá, rà soát thêm đối với một số đối tượng khác như cá tầm, nhóm các loài rong - tảo biển để quyết định có dự án đầu tư cải thiện về giống.
Bởi cá tầm mặc dù là cá nước mát, đã được phát triển ở nhiều địa phương Tây Nguyên và Miền núi phía Bắc, nhưng cũng gặp nhiều rủi ro về thiên tai, tác động nhất định tới môi trường sinh thái...
Đối với nhóm rong – tảo biển, là thức ăn quan trọng cho nuôi thủy sản và cải thiện môi trường, nhưng vẫn cần rà soát kỹ để quyết định xem có thực sự cần thiết đầu tư cho mảng nghiên cứu về giống.
Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cũng chỉ đạo Tổng cục Thủy sản khẩn trương tổ chức kiểm tra, rà soát, đánh giá để nắm được tổng thể về tình hình năng lực hệ thống cơ sở vật chất, nhân lực của các đơn vị nghiên cứu trong ngành thủy sản để kịp thời có chính sách bổ sung nguồn lực đầu tư, năng cao năng lực cho hệ thống này.
Trong đó, chủ lực là các viện như Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I, II, III; Viện Nghiên cứu Hải sản, cũng như các trường như Học viện Nông nghiệp Việt Nam, trường Cao Đẳng thủy sản...
Đồng thời, sẽ phải nghiên cứu lựa chọn, hợp tác giữa các viện, đơn vị nghiên cứu của ngành thủy sản với các doanh nghiệp có năng lực nhằm huy động tổng thể nguồn lực, nhất là tạo điều kiện cho các giống thủy sản có chất lượng cao được đưa ra sản xuất... Bởi các viện hiện nay mới chỉ mạnh về nghiên cứu, dàn trải về các đối tượng giống thủy sản mà chưa có đầu tư chuyển giao, đưa ra sản xuất một cách có trọng tâm, trọng điểm.
Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cũng đồng tình sự cần thiết phải triển khai các dự án nhằm tăng cường mạnh mẽ hơn nữa đối với công tác quản lí Nhà nước về giống, như chất lượng giống, về bản quyền, kiểm soát dịch bệnh, thương mại, năng lực kiểm nghiệm, kiểm định, thanh kiểm tra về sản xuất, thương mại giống thủy sản... trong giai đoạn tới.
Nhiều đơn vị có năng lực nghiên cứu, sản xuất giống nuôi biển
Ông Như Văn Cẩn, Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản, cho biết, giai đoạn sắp tới, sẽ là giai đoạn đẩy mạnh khai thác tiềm năng nuôi biển, với đề án cụ thể đang được Tổng cục Thủy sản xây dựng.
Trong đó, nhóm các giống cá có vảy, với các loài đang sản xuất thương mại đang rất có tiềm năng đó là cá giò, hồng Mỹ, cá chẽm, cá song.
Đặc biệt với cá song, hiện nay có tới 5 loài đang phát triển mạnh, đó là song hổ, song chuột, song chấm nâu, song vua, và song lai. Hiện cá chẽm tại Khánh Hòa đã có doanh nghiệp nuôi thành công, đã xuất khẩu sản phẩm...
Sản xuất giống ngao tại một cơ sở ở Kim Sơn (Ninh Bình) do Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản 1 chuyển giao kỹ thuật
Ông Cẩn cho rằng: Đối tượng nuôi biển hiện rất đa dạng, vì vậy cần tiếp tục có các dự án nghiên cứu, sản xuất đa dạng các giống đa dạng. Nếu có hỗ trợ về nghiên cứu thêm về con giống thì sẽ tạo bứt phá cho nuôi biển trong giai đoạn tới.
Theo Viện Nghiên cứu Hải sản, đơn vị này đã có nhiều năm có kinh nghiệm về nghiên cứu, sản xuất giống nhuyễn thể như ngao, bào ngư phục vụ các tỉnh ven biển.
Những năm qua, nhóm các loài nhuyễn thể như tu hài, ngao, bào ngư, hàu Thái Bình Dương đang phát triển rất tốt, giá trị cao tại các tỉnh duyên hải ven biển trên cả nước. Bào ngư còn được nuôi và phát triển tốt tại đảo tiền tiêu, cải thiện mạnh mẽ về đời sống kinh tế xã hội.
Tương tự, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản 1 cũng khẳng định đã có nhiều năm kinh nghiệm về nghiên cứu, sản xuất các giống nhuyễn thể, nhất là có kinh nghiệm về giống hàu, ngao.
Trường Cao đẳng Thủy sản (Bắc Ninh) cũng cho biết: Hiện trường đã có một trung tâm nghiên cứu giống thủy sản tại Quảng Ninh, đã được tỉnh giao mặt nước sử dụng 19 năm, và đã có kinh nghiệm nghiên cứu, sản xuất giống tu hài, ngao, hàu Thái Bình Dương, với khoảng 300 triệu con giống/năm...
Với những nền tảng nghiên cứu sẵn có, các viện, trường đề nghị thời gian tới, Bộ NN-PTNT tiếp tục ưu tiên hỗ trợ thêm các dự án đầu tư cho việc nghiên cứu các tiến bộ về giống thủy sản, đặc biệt là các giống nhuyễn thể...
|
Về ngành chăn nuôi, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đồng ý quan điểm trong giai đoạn tới, Chương trình giống giai đoạn 2021-2025 cần ưu tiên cho các dự án nghiên cứu, chọn tạo về các đối tượng giống vật nuôi quan trọng, còn nhiều dư địa phát triển (trong đó có một số giống đặc sản bản địa) theo định hướng tái cơ cấu ngành chăn nuôi như các giống bò thịt, trâu, dê, cừu, gà ri, dâu tằm...
|
(Theo NNVN)