Bình Định: Nâng cao chất lượng thủy sản sau khai thác

Nhằm góp phần nâng cao chất lượng thủy sản sau khai thác, bên cạnh việc trang bị nhiều thiết bị đánh bắt hiện đại, ngư dân trong tỉnh đã từng bước đầu tư công nghệ sơ chế, bảo quản sản phẩm, giúp tăng hiệu quả kinh tế.

Toàn tỉnh hiện có hơn 6.115 tàu cá đăng ký khai thác thủy sản, trong đó có 3.300 tàu có chiều dài từ 15 m trở lên hoạt động tại vùng khơi. Những năm qua, ngành Thủy sản phối hợp với các cơ quan, các ngành liên quan đã hỗ trợ ngư dân từng bước tiếp cận các kỹ thuật tiên tiến để bảo quản sản phẩm, giảm tổn thất sau thu hoạch, như, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất.

Ngư dân Nguyễn Việt Hằng, ở phường Hải Cảng, TP Quy Nhơn, chủ 1 tàu cá vỏ thép và 2 tàu cá vỏ gỗ làm nghề lưới vây ánh sáng, chia sẻ: “Riêng tàu vỏ thép đã được trang bị công nghệ hầm bảo quản có hệ thống làm lạnh rất hiện đại. Tôi đầu tư nâng cấp các hầm bảo quản thủy sản trên 2 tàu cá vỏ gỗ (bọc ngoài bằng inox), không còn lo chuyện đá nhanh tan như trước đây”.

Ngoài việc trang bị lớp cách nhiệt bằng xốp, inox trên tàu cá vỏ gỗ, nhiều chủ tàu còn phun PU (polyurethane) làm nhẵn bề mặt gỗ của hầm tàu để đảm bảo giữ độ lạnh. Ngư dân Nguyễn Hữu Lập, ở xã Cát Tiến, huyện Phù Cát, chủ tàu cá vỏ gỗ làm nghề lưới vây ánh sáng, cho hay: “Các hầm bảo quản trên tàu tôi được phun PU, bọc lớp inox để giữ đá lâu tan. Trước khi đưa vào hầm bảo quản, thủy sản được đựng trong từng khay, xếp theo lớp để giữ được độ tươi, đồng thời giúp giảm bớt sức lao động cho anh em bạn thuyền khi tàu cập cảng bán sản phẩm”.

Cùng với việc chú trọng nâng cấp hầm bảo quản, hơn 1.300 tàu câu cá ngừ đại dương của ngư dân trong tỉnh đều áp dụng quy trình Nhật Bản hoặc một phần quy trình này trong khai thác - xử lý - bảo quản để đảm bảo chất lượng sản phẩm. Ngư dân Nguyễn Văn Trạng, ở xã Tam Quan, huyện Hoài Nhơn, chủ tàu câu cá ngừ đại dương, cho biết: “Tôi vẫn khai thác cá ngừ đại dương theo phương pháp câu tay kết hợp ánh sáng. Nhưng về khâu xử lý, bảo quản cá thì tôi áp dụng theo quy trình Nhật Bản là dùng máy tạo xung Tuna Shocker giết cá, sau đó chọc xả tiết, chọc tủy, loại bỏ nội tạng và rửa sạch cá rồi ngâm lạnh và đưa vào hầm đá lạnh để bảo quản. Ngoài ra, tôi cũng đầu tư 200 triệu đồng để phun PU, bọc inox các hầm bảo quản và lắp hệ thống sử dụng công nghệ bảo quản Nano UFB (Ultra Fine Bubble) để giữ độ lạnh của hầm ngâm cá; bảo quản cá theo kiểu móc thẳng đứng chứ không để nằm ngang như trước. Hiện mỗi chuyến biển từ 20 - 25 ngày, tôi chỉ mua khoảng 400 cây đá lạnh, nhưng chất lượng cá ngừ đại dương bảo quản đạt tỷ lệ loại A chiếm 80%, hiệu quả kinh tế tăng thấy rõ”.

Theo TS Trần Văn Vinh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT), công nghệ bảo quản thủy sản trên tàu cá gồm: Thiết bị lạnh, hầm bảo quản, phương pháp bảo quản. “Cũng cần mở thêm nhiều lớp đào tạo để ngư dân nắm bắt cách bảo quản sản phẩm, bởi các loài thủy sản khác nhau có các giai đoạn biến đổi thịt khác nhau. Muốn bảo vệ nguồn lợi thủy sản để khai thác bền vững thì phải giảm sản lượng khai thác và nâng cao chất lượng bảo quản, tăng giá trị sản phẩm sau thu hoạch. Có như thế mới đảm bảo sinh kế cho ngư dân, phát triển nghề cá có trách nhiệm”, TS Vinh nhìn nhận.

(Theo báo Bình Định)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục