Ngày 6/12, tại TP Tuy Hòa, Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) phối hợp với Sở NN-PTNT Phú Yên tổ chức Hội nghị Hiện trạng và giải pháp phát triển giống thủy sản phục vụ nuôi biển bền vững.
Theo Tổng cục Thủy sản, tổng diện tích tiềm năng nuôi biển ở nước ta khoảng 500.000ha, trong đó diện tích nuôi vùng bãi triều ven biển khoảng 153.300ha, nuôi ở các vùng vũng, vịnh, eo ngách, ven đảo khoảng 79.790ha và nuôi vùng biển xa khoảng 100.000ha. Đối tượng nuôi là các loại cá: song, giò, hồng, vược, tráp, chim vây vàng, ngừ, măng biển, tôm hùm, cua, ghẹ, rong biển, ngao, sò, hàu, vẹm xanh, tu hài, bào ngư, trai ngọc, ốc hương…
Hiện nay, việc đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ nuôi biển còn nhiều hạn chế, thiếu đồng bộ, hiệu quả chưa cao. Hiện trạng các trại sản xuất giống thủy sản phục vụ nuôi biển chưa đáp ứng được nhu cầu, có tình trạng nhập giống thủy sản từ nước ngoài về. Nhiều địa phương có nghề nuôi biển nhưng còn mang tính tự phát, thiếu quy hoạch, công nghệ nuôi còn lạc hậu. Tại một số vùng nuôi trọng điểm xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường nước vùng nuôi và dịch bệnh gây thiệt hại nặng nề cho người nuôi…
Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận về công nghệ nuôi, sản xuất con giống và các giải pháp xử lý môi trường. Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Công Khôi, Phó vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản đề nghị các địa phương tiếp tục rà soát, hoàn thiện đề án nuôi biển trong chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam; triển khai thực hiện tốt Luật Thủy sản 2017, quy hoạch chi tiết các vùng nuôi và có chính sách khuyến khích đầu tư công nghệ trong nuôi biển và chế biến. Vụ Nuôi trồng thủy sản cũng đề nghị các viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản và các nhà khoa học trong lĩnh vực có nhiều nghiên cứu, chuyển giao công nghệ cho các địa phương nhằm góp phần phát triển nghề nuôi biển ở nước ta.
(Theo báo Phú Yên)