Với đường bờ biển dài, nhiều vũng vịnh và ngư trường giàu tiềm năng, Việt Nam có lợi thế rất lớn để phát triển ngành đánh bắt và chế biến Hải sản. Mặc dù doanh số của ngành hải sản vẫn còn khá nhỏ so với mảng tôm và cá tra, tuy nhiên sản lượng không hề kém cạnh. Hẳn nhiên, một điều dễ thấy là con tôm hoặc con cá tra thuộc về nhóm ngành nuôi trồng với mức độ chủ động lớn hơn rất nhiều và hoàn toàn có thể dự liệu được trước các khó khăn.
Riêng với ngành nuôi trồng, đánh bắt và chế biến hải sản lại phụ thuộc vào rất nhiều điều kiện tự nhiên và hầu như rất khó kiểm soát với muôn vàn rủi ro và khó khăn. Tuy nhiên, những khó khăn thử thách của ngành không phải là không dự đoán được. Đội tàu thuyền đánh bắt với số lượng khổng lồ nhưng hầu như là thuyền gỗ nhỏ với phương thức đánh bắt truyền thống. Chính điều này đã khiến nguồn lợi tự nhiên từ biển cạn kiệt dần trong khi lượng nguyên liệu đánh bắt cũng không có được phương pháp bảo quản hiệu quả để giữ chất lượng và giá trị.
Về góc độ cạnh tranh thương mại, các thị trường bắt buộc đã tăng cường các tiêu chí chất lượng, truy xuất nguồn gốc đánh bắt và tính bền vững bằng quy định về IUU. Ngoại trừ tiêu chí chất lượng có thể được kiểm soát phần nào bởi hệ thống quản lý của mỗi doanh nghiệp, vấn đề truy xuất nguồn gốc và đánh bắt bền vững phần lớn nằm ở phần kiểm soát quản lý của cơ quan nhà nước. Rất nhiều nỗ lực từ cơ quan nhà nước, từ phía các cơ quan quản lý thủy sản ở địa phương nhằm để hệ thống hóa quản lý đội tàu, nâng cao năng lực đánh bắt nhưng tất cả đều chưa đem lại kết quả gì thực sự khả quan. Hệ lụy tất yếu của vấn đề này đã hiện rõ khi EU áp dụng thẻ vàng đối với ngành thủy sản Việt Nam, như đã từng áp dụng cho Thái Lan, Philippines trước đây.
Đã đến lúc ngành hải sản chúng ta phải đối diện với thực tế khó khăn với thẻ vàng IUU, vấn đề mà từ 20 năm trước đây, Chính phủ và hiệp hội đã nhận diện được nhưng chưa thực hiện được đến nơi đến chốn.
Trong định hướng phát triển của ngành ở giai đoạn này, Chính phủ cũng như doanh nghiệp, người nuôi trồng đánh bắt có thể ưu tiên phát triển nguyên liệu nuôi như con tôm, con cá tra vì nó chủ động và dễ quản lý hơn. Tuy nhiên, theo ý kiến của riêng tôi, ngành thủy sản về lâu dài phải phát triển từ biển, phải lấy biển làm gốc. Tôi nói vấn đề chiến lược lâu dài ở đây bởi vì thật sự để phát triển được ngành đánh bắt xa bờ, quản lý đội tàu đánh bắt hoặc nuôi trồng trên biển thực sự là cả một khối lượng công việc khổng lồ mà chúng ta cần phải có thời gian chuẩn bị cũng như tổ chức thực hiện. Đó không chỉ là chiến lược của riêng một doanh nghiệp, mà đó phải là chiến lược mang tầm quốc gia với vai trò hỗ trợ và tư vấn rất lớn từ Hiệp hội.
Trong bối cảnh EU áp dụng thẻ vàng đối với hải sản Việt Nam, mặc dù Hiệp hội đã nỗ lực rất nhiều để phối hợp giữa doanh nghiệp và chính phủ để khắc phục, cải thiện và đạt được những kết quả tối thiểu nhất có thể, nhưng những khó khăn hiện tại hầu như các doanh nghiệp làm Hải sản đều phải chịu.
Nhớ lại những năm thời kỳ đầu, khi châu Âu bắt đầu cấp code cho các doanh nghiệp sản xuất thủy sản Việt Nam, thời điểm đó cũng có rất nhiều cuộc họp bàn bạc về vấn đề xuất khẩu, nhưng chúng ta chỉ mới giải quyết được phần ngọn để phù hợp với điều kiện đặt ra lúc bấy giờ, riêng phần gốc mang tính chiến lược lâu dài vẫn còn bỏ ngỏ. Các cuộc họp với nội dung chỉ tập trung vào giải quyết các vấn đề từ khâu nhà xưởng sản xuất, trong đó lấy doanh nghiệp sản xuất là điểm khởi đầu của quy trình đánh giá cho tiêu chí vệ sinh an toàn thực phẩm cho xuất khẩu. Nhưng khi doanh nghiệp sản xuất được cấp code xuất khẩu vào thị trường châu Âu thì những hạn chế mang tính hệ thống chuỗi đã bắt đầu rõ nét. Ở mảng nguyên liệu nuôi trồng thì vướng phải vấn đề kháng sinh, trong khi nguyên liệu đánh bắt tự nhiên thì vấn đề quản lý tàu thuyền, nguồn gốc xuất xứ, nhật ký khai thác lại hết sức khó khăn.
Ngay thời điểm đó chúng ta đã dự liệu được những khó khăn trong công tác quản lý nuôi trồng, quản lý tàu thuyền đánh bắt, nậu vựa, nói chung là vấn đề quản lý khâu nguyên liệu trước khi vào nhà máy sản xuất, nhưng khâu này chưa được thực hiện triệt để nên việc nhận thẻ vàng IUU cũng là một hệ lụy tất yếu. Nếu chúng ta quan tâm đầu tư cho công tác đào tạo và tập huấn phù hợp ở thời điểm đó, thì tình hình bây giờ có lẽ sẽ khác hơn. Quản lý nuôi trồng và đánh bắt có điều kiện thì nguồn nguyên liệu cũng không bị khai thác lạm phát và cạn kiệt như bây giờ.
Trong suốt thời gian làm việc cật lực giữa VASEP, Doanh nghiệp và Chính phủ cũng như các cơ quan ban ngành, bản thân tôi nhận thấy thẻ vàng IUU là thử thách, nhưng thực sự cũng là bước ngoặt lớn để toàn ngành có thể nhìn lại mình, từng bước xây dựng lại một cách có hệ thống và quy củ, với mục tiêu chiến lược đồng hành với xu hướng phát triển chung của thế giới và cũng phải tự xứng tầm với một nước có bờ biển dài hơn 3000 cây số với truyền thống về ngành nghề đánh bắt hải sản. Trong lúc này, doanh nghiệp hết sức khó khăn khi xuất hàng vào thị trường EU, tuy nhiên đó cũng là cơ hội để doanh nghiệp khẳng định mình với thế giới về quyết tâm cải thiện hệ thống quản lý để gỡ bỏ thẻ vàng.
Với thẻ vàng treo trước mặt, doanh nghiệp, VASEP và nhà nước phải phối hợp nhiều hơn nữa để ra khỏi thẻ vàng và giành lại thẻ xanh. Trong bối cảnh này, doanh nghiệp cần có được sự hỗ trợ tối đa có thể từ Hiệp hội cũng như từ Chính phủ để tránh khỏi những thiệt hại trong quá trình cải thiện và sửa đổi hệ thống. Quá trình này là không hề dễ dàng, bắt buộc ngành sẽ phải thương thảo cụ thể và rõ ràng với EU về những hạn chế của mình và lộ trình cải thiện khả thi nhất với tiến độ thời gian cụ thể, nhưng tôi tin với quyết tâm thay đổi mình để phù hợp với xu thế phát triển chung của ngành, của kinh tế thế giới thì điều đó hoàn toàn là một-điều-có-thể-thực-hiện-được.
Bà Nguyễn Thị Thu Sắc – Phó Chủ tịch VASEP, Chủ tịch Ủy ban Hải sản VASEP, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hải Nam