Theo chuyên gia, so với Mỹ, thị trường EU phụ thuộc nhiều hơn vào nguồn sản phẩm cá thịt trắng nhập khẩu từ Nga - nhà khai thác lớn nhất thế giới.
Những lệnh trừng phạt với cá thịt trắng Nga của Mỹ, EU có thể khiến hướng xuất, nhập khẩu sản phẩm này thay đổi trong tương lai.
Cá tra Việt Nam có cơ hội để tăng sản lượng xuất khẩu vào thị trường châu Âu và một số nước, đi cùng với thách thức nâng cao chất lượng.
Thương mại thế giới đang đổi thay sau cuộc xung đột Nga - Ukraine khi Mỹ và các nước phương Tây áp thuế vào nhiều lĩnh vực kinh tế của Nga. Sản phẩm cá thịt trắng gồm cá tuyết và cá minh thái của Moscow đang đứng trước áp lực nhận lệnh trừng phạt từ Liên minh châu Âu (EU), dù đây là một trong những mặt hàng nhập khẩu chính của các quốc gia trong khối.
"Người khổng lồ" Nga trên thị trường cá thịt trắng
Bà Tạ Hà, chuyên gia thị trường ngành hàng cá tra Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP), cho biết Nga đứng đầu về sản lượng khai thác cá minh thái trên toàn cầu và thứ hai về cá tuyết (Đại Tây Dương, Thái Bình Dương và chấm đen). Trong đó, cá minh thái Alaska là nguồn tài nguyên thương mại chính của Nga, chiếm 35% tổng xuất khẩu.
So với Mỹ, thị trường thủy sản EU phụ thuộc nhiều hơn vào nguồn sản phẩm cá thịt trắng nhập khẩu từ Nga bởi đây là nhóm nguyên liệu quan trọng với tỷ trọng nhập khẩu lớn nhất chiếm 95% trong ngành công nghiệp chế biến cá thịt trắng của EU.
VASEP dẫn thông tin từ Undercurrentnews, năm 2021, Nga xuất khẩu trực tiếp 25.000 tấn sản phẩm cá minh thái sang EU. Đồng thời, quốc gia này cũng xuất 182.000 tấn cá minh thái bỏ đầu rút ruột sang Trung Quốc. Lượng hàng này được chế biến và tái xuất khẩu sang các thị trường phương Tây.
Nga là nhà khai thác cá thịt trắng lớn nhất thế giới. Ảnh: Eurofish
Năm trước, Trung Quốc xuất khẩu 175.000 tấn philê cá minh thái, hầu hết được sản xuất từ nguyên liệu thô của Nga. Khoảng 42% trong số đó được xuất khẩu sang Đức, tương đương 73.000 tấn, tiếp đến là sang Hàn Quốc và Mỹ. Từ Đức, cá minh thái cũng được xuất khẩu sang Ba Lan, Pháp, Ý và Hà Lan. Lượng cá minh thái tái xuất khẩu của Đức ở mức 31.800 tấn trị giá 98 triệu EUR, trở thành ngành hàng thủy sản xuất khẩu lớn thứ ba của nước này theo giá trị.
Chuyên gia VASEP nhận định khi lệnh trừng phạt kinh tế của Mỹ và EU áp lên sản phẩm cá thịt trắng, người tiêu dùng và các nhà nhập khẩu chịu tác động ngay lập tức. Giá cá minh thái đông lạnh, rút xương một lần tại Mỹ đã leo lên đỉnh, khoảng 4.600 USD/tấn, cao hơn giai đoạn lịch sử 2018 - 2020 (quanh mức 3.400 USD/tấn) và có khả năng còn tăng cao hơn nữa. Giá cá minh thái ở EU đã tăng từ năm 2018 đến năm 2020. Trong suốt năm 2020 và đến năm 2021, giá cá minh thái xuất xứ Mỹ và Nga đã tăng lên trên 3.000 EUR (3.380 USD)/tấn và tương đối ổn định.
Tìm cơ hội mở rộng thị trường cho cá tra Việt Nam
Với nhu cầu cá thịt trắng của EU, việc tìm các nguồn thay thế với các nhà nhập khẩu sẽ khó khăn khi một lệnh trừng phạt về thuế hoặc lệnh cấm vận được áp dụng với Nga. Giả thiết về một sản phẩm thay thế có thể được đưa ra như cá tra – mặt hàng tiềm năng của Việt Nam.
Bà Tạ Hà cho rằng giá cá thịt trắng Nga đi lên, tạo cơ hội cho cá tra đông lạnh Việt Nam tăng trưởng ở nhiều thị trường châu Âu nhờ lợi thế về giá so với mặt hàng cá rô phi hay cá thịt trắng nhập khẩu từ Trung Quốc. Trong lộ trình 2-3 năm tới, thuế nhập khẩu đối với cá tra philê đông lạnh Việt Nam vào EU sẽ giảm từ 5,5% về 0%. Điều này sẽ là yếu tố tăng tính cạnh tranh về giá cho sản phẩm của Việt Nam
Từ sau xung đột Nga - Ukraine, xuất khẩu cá tra Việt Nam sang EU tăng trưởng trở lại sau gần 5 năm đi ngang. Lũy kế hơn 5 tháng đầu năm, tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang EU đạt 76,9 triệu USD, tăng 95% so với cùng kỳ năm trước.
Giá trị kim ngạch xuất khẩu tăng một phần cũng đến từ yếu tố giá. Ông Nguyễn Anh Thư, Phó Tổng giám đốc CTCP Xuất nhập khẩu Thủy sản An Mỹ cho biết, giá cá tra philê đông lạnh xuất khẩu sang EU sau Covid-19 đã tăng khoảng 15%.
Bà Đỗ Thị Thanh Thủy, Giám đốc Kinh doanh Tập đoàn Nam Việt (Navico - ANV), lý giải hậu đại dịch, nhiều quốc gia mở cửa trở lại, nguyên liệu cá tra ở đồng bằng sông Cửu Long thiếu, nhất là cá đủ tiêu chuẩn xuất khẩu đi Mỹ và Châu Âu. Điều này khiến giá cá tra đông lạnh xuất khẩu sang nhiều nước châu Âu đi lên.
|
Cá tra Việt Nam đứng trước cơ hội mở rộng tại thị trường châu Âu. Ảnh: Baotintuc
|
Mặt khác, vị lãnh đạo Navico nhận định thực tế cá tra Việt Nam và cá minh thái, cá tuyết là hai sản phẩm ở phân khúc khách hàng và giá khác nhau, nên cá tra chỉ có thể thay thế một phần không thể hoàn toàn.
Dự kiến, Anh sẽ bắt đầu áp thuế với mặt hàng cá thịt trắng Nga từ tháng 6. Theo lãnh đạo doanh nghiệp, khi các lệnh trừng phạt được thực hiện, trong vòng một năm tới, 1/3 cửa hàng fastfood, take-away tại Anh có thể ngừng hoạt động do bị gián đoạn nguồn cá thịt trắng làm nguyên liệu cho các món ăn yêu thích.
Phó Tổng giám đốc CTCP Xuất nhập khẩu Thủy sản An Mỹ đề cập hiện nay, một số nhà nhập khẩu Trung Âu đang thử nghiệm nhập khẩu sản phẩm cá tra từ Việt Nam để sản xuất thử nghiệm món cá chiên tẩm bột cung cấp cho chuỗi nhà hàng, khách sạn thay cho sản phẩm cá minh thái, cá tuyết truyền thống do thiếu nguồn nhập khẩu từ Nga, cước vận tải biển cũng làm tăng giá.
Theo chuyên gia VASEP, không chỉ Mỹ và một số nước EU, lệnh trừng phạt của Mỹ và hiệu ứng domino diễn ra ở nhiều thị trường liên quan có thể khiến lượng xuất khẩu mặt hàng này của Moscow bị ảnh hưởng. Vì vậy, cơ hội mở rộng thị phần với các doanh nghiệp cá tra Việt Nam đang hiện hữu không chỉ ở EU mà có thể ở Hàn Quốc, Nhật Bản....
Tuy nhiên, VASEP cũng đưa ra khuyến cáo, ngoài việc giữ ổn định cạnh tranh về giá với sản phẩm cá rô phi, cá thịt trắng ở Châu Âu, các doanh nghiệp cá tra Việt cũng song song tăng chất lượng sản phẩm, giảm tỷ lệ mạ băng. Tình thế hiện tại có thể là cơ hội cho cá tra của Việt Nam nhưng cũng sẽ là thách thức cho ngành.
Bảo Ngọc (Theo NĐH)