Xuất khẩu cá tra còn tăng trưởng mạnh

Năm 2017, dù gặp nhiều khó khăn, rào cản lớn, nhưng XK cá tra vẫn tăng trưởng so với 2016. Trong năm 2018, XK cá tra đang cho thấy những dấu hiệu khả quan hơn nữa về mặt thị trường.

Theo VASEP, trong năm 2017, ước tính XK cá tra đạt giá trị 1,782 tỷ USD, tăng 3,9% so năm 2016. Mức tăng trưởng này tuy thua xa so với tôm (tăng 21,5%), cá ngừ (16,4%), mực và bạch tuộc (41,6%), cá các loại khác (16,7%)…, nhưng rất đáng được ghi nhận trong bối cảnh XK cá tra sụt giảm mạnh ở 2 thị trường truyền thống là EU (giảm gần 23%) và Mỹ (giảm gần 11%). Nếu như XK cá tra sang EU giảm mạnh chủ yếu do bị truyền thông bôi nhọ, thì cá tra sang Mỹ lại gặp rào cản lớn bởi thuế chống bán phá giá và chương trình thanh tra cá da trơn.

Dầu vậy, sự tăng trưởng mạnh mẽ ở thị trường Trung Quốc (tăng tới 35% và đạt 305 triệu USD) cùng các thị trường khác như Brazil, Mexico…, đã giúp cho XK cá tra năm 2017 vẫn tăng so 2016. Với mức tăng trưởng vượt bậc, Trung Quốc hiện đã trở thành thị trường lớn nhất của cá tra Việt Nam (chiếm tỷ trọng 23%).

Điều đáng chú ý là theo nhận định của VASEP, nhiều khả năng Trung Quốc sẽ tiếp tục giữ vị trí này trong năm 2018. Thông tin từ một số doanh nhân ngành hàng cá tra cho thấy, nhu cầu tiêu thụ cá tra ở Trung Quốc vẫn đang có xu hướng tăng lên. Giá cá tra XK sang Trung Quốc cũng có xu hướng tăng lên.

Đồng thời, nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm cá tra giá trị cao ở Trung Quốc cũng đang tăng. Vì vậy, ngay cả một số DN lớn, vốn trước đây chỉ tập trung XK cá tra sang Mỹ, EU để có được lợi nhuận cao, trong năm 2017 cũng đã quan tâm thực sự tới thị trường Trung Quốc và ngày càng XK nhiều hơn vào thị trường này.

Theo bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch HĐQT Cty CP Vĩnh Hoàn, thị trường Trung Quốc có tiềm năng lớn đối với XK cá tra Việt Nam trong nhiều năm tới, nhất là ở phân khúc các nhà hàng, chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh... Tuy nhiên, Trung Quốc cũng là thị trường rất quan tâm về mặt chất lượng và họ quan tâm tới việc kiểm soát chất lượng cá tra từ khâu nguyên liệu. Nếu làm tốt được vấn đề chất lượng, XK cá tra sang Trung Quốc nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng trưởng ở mức 2 con số trong nhiều năm tới.

Về XK cá tra nói chung trong năm 2018, bà Khanh cho rằng giá cá tra XK bình quân trong năm 2018 sẽ cao hơn năm 2017. Nguyên nhân chính là do nguồn giống cá tra bị thiếu hụt, khiến cho sản lượng thả nuôi sẽ giảm. Thành ra, sản lượng cá tra nguyên liệu trong năm 2018 sẽ thấp hơn năm 2017 và xoay quanh mức khoảng 1 triệu tấn. Trong khi đó, nhu cầu cá tra trên thị trường thế giới dự báo vẫn tăng lên. Hiện tại, nguồn cung cá tra đang không đáp ứng được nhu cầu, giá cá tra XK đã vượt ngưỡng 3 USD/kg và được các nhà NK chấp nhận. Do đó, giá trị XK cá tra năm 2018 sẽ không thấp hơn 2017 mà bằng hoặc cao hơn...

Theo Bộ Công thương, vào ngày 8/1, Việt Nam đã chính thức gửi yêu cầu tới Mỹ để đề nghị tham vấn trong khuôn khổ Cơ chế giải quyết tranh chấp WTO liên quan tới biện pháp chống bán phá giá mà Mỹ áp dụng đối với cá tra, basa NK từ Việt Nam. Việc tham vấn là bước đầu tiên, bắt buộc trong quy trình, thủ tục giải quyết tranh chấp theo quy định của WTO.

Nội dung tham vấn của Việt Nam với Mỹ tập trung vào các vấn đề chính sau: Việt Nam khiếu kiện phương pháp quy về không (zeroing) mà Mỹ sử dụng để tính biên độ phá giá cho DN Việt Nam (trong đợt rà soát 5, 6 và 7) vi phạm ở 2 khía cạnh về mặt pháp lý và về mặt áp dụng quy định của Hiệp định Chống bán phá giá của WTO (ADA); Việt Nam khiếu nại Mỹ vi phạm quy định của Hiệp định ADA do không thực hiện việc dỡ bỏ lệnh áp thuế CBPG cho một số DN Việt Nam mặc dù các DN này đáp ứng tiêu chí được dỡ bỏ thuế do có biên độ phá giá bằng 0 trong 3 lần liên tiếp.

Các khiếu nại này tương tự như khiếu nại của Việt Nam đối với lệnh áp thuế CBPG tôm của Mỹ trong vụ việc DS429, với phán quyết cuối cùng của DSB theo hướng có lợi cho Việt Nam.

(Theo NNVN)

 

 

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục