Xử lý môi trường nước trong ao nuôi cá tra - vấn đề nan giải

Xử lý môi trường nước trong ao nuôi cá tra là vấn đề nan giải của ngư dân hiện nay. Bởi việc này tốn rất nhiều chi phí, sử dụng nhiều loại hóa chất khác nhau, từ đó làm tăng chi phí, giá thành, sức khỏe của cá bị ảnh hưởng. Thực trạng này đặt ra cho ngành thủy sản phải tìm một giải pháp phù hợp để xử lý vấn đề một cách hiệu quả nhất.

Cá chết, đáy ao ô nhiễm

Mỗi năm, xuất khẩu cá tra mang về cho đất nước hơn 2 tỷ USD, giải quyết việc làm cho gần 100.000 lao động. Song, hiện nay ngành hàng này đang đứng trước nhiều thách thức, cụ thể đó là vấn đề xử lý môi trường nước trong ao nuôi, bởi thời gian gần đây, tỷ lệ cá chết có khi lên đến 70%. “Nuôi cá tra giống hay cá tra thịt, vấn đề xử lý môi trường nước trong ao nuôi là rất quan trọng. Nước trong ao bị ô nhiễm, cá sẽ thiếu ô-xy, từ đó sẽ chết hàng loạt” - ông Nguyễn Mạnh Thắng (ngư dân xã Đa Phước, An Phú, tỉnh An Giang) khẳng định.

Theo ông Thắng, cá trong ao chết nhiều, nguyên nhân do nguồn nước bơm từ ngoài vào bị ô nhiễm. Nguyên nhân khác là do, đáy ao bị dơ, phân cá thải ra lâu ngày không được hút bỏ. Trong quá trình nuôi, cá bị bệnh, nông dân xử lý nhiều hóa chất, từ đó làm cho môi trường nước bị ô nhiễm. “Trước thực tế này, nông dân chỉ biết áp dụng phương pháp bơm nước từ ngoài vào. Rút bọng dưới đáy ao để nước và bùn trôi ra kênh xả thải. Cho cá ăn vừa đủ no để thức ăn hạn chế rơi xuống tầng đáy, gây ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, nếu nuôi cá thịt, 15 ngày phải lặn xuống đáy ao hút lớp bùn dưới đáy thổi ra bên ngoài…” - ông Trần Văn Hòa (xã Bình Phú, Phú Tân) chia sẻ.

Công nghệ thiên nhiên bakture

Bakture là chất xúc tác được sản xuất từ bột đá núi lửa của Nhật Bản. Ưu điểm vượt trội là an toàn cho thiên nhiên và con người, không tan, bền vững và tồn tại mãi mãi trong môi trường nước. Bakture sẽ kích hoạt sự hoạt động và phát triển các vi sinh vật trong quá trình phân giải các chất bẩn trong nước. Do vậy, quá trình làm sạch nước diễn ra liên tục theo vòng tuần hoàn tự nhiên. “Ưu điểm vượt trội của bakture là tạo ra ô-xy hòa tan trong nước, xử lý triệt để vấn đề cá chết hàng loạt, tiết kiệm chi phí nhân công và không bị tái ô nhiễm. Do khả năng tạo nguồn ô-xy hòa tan trong nước cao, nên bakture làm tăng tỷ lệ sống và mật độ nuôi trong các ao hồ, giúp nông dân đạt hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần phương pháp nuôi truyền thống” - ông Kojima Kenichi (chuyên gia Nhật Bản về công nghệ bakture) chia sẻ.

Công nghệ thiên nhiên bakture và máy sục khí nano là 2 phát minh được cấp bằng sáng chế tại Nhật Bản, đạt chứng nhận JAS (tiêu chuẩn hữu cơ về nông nghiệp Nhật Bản) và được Tổ chức Phát triển công nghệ Liên Hiệp Quốc (UNIDO) chứng nhận về công dụng làm sạch môi trường, được áp dụng và xử lý thành công trên 300 điểm ô nhiễm tại Nhật Bản, thuộc các lĩnh vực như: xử lý nước trong môi trường nuôi trồng thủy, hải sản; nước sông, hồ, ao bị ô nhiễm; xử lý nước thải công nghiệp, nước thải sinh hoạt; xử lý mùi trong trang trại chăn nuôi. Bakture và công nghệ sục khí nano đã giúp xử lý ô nhiễm nước sông, hồ tại nhiều quốc gia trên thế giới như: Trung Quốc, Ấn Độ, Malaysia, Thái Lan, Lào.

“Nếu so sánh công nghệ thiên nhiên bakture, công nghệ máy sục khí nano với các công nghệ hiện có tại Việt Nam thì công nghệ mới của Nhật Bản có tính chất bền vững và lâu dài. Công nghệ của chúng ta hiện nay không giải quyết được bài toán tăng hàm lượng ô-xy hòa tan trong nước để cá khỏe; còn bakture và máy sục khí nano của Nhật Bản sẽ tạo ra lượng lớn ô-xy trực tiếp, tạo môi trường sống rất tốt cho cá, tôm, lươn” - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần cải thiện môi trường Nhật Việt Nguyễn Tuấn Anh khẳng định.

“Dựa trên nguyên lý tự làm sạch của nước, bakture tạo môi trường xúc tác mạnh, kích thích các vi sinh vật có ích và thủy sinh khác, gây ức chế và làm giảm số lượng các vi sinh vật có hại. Bakture sẽ phân hủy các chất bẩn tồn tại trong nước. Đây là hệ thống tuần hoàn tự nhiên, làm giảm các chất ô nhiễm hữu cơ, hợp chất chứa nitơ, phốtpho, chất rắn lơ lửng, màu và mùi nước” - ông Nguyễn Tuấn Anh khẳng định.

(Theo báo An Giang)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục