Xây dựng An Giang thành ‘vựa giống’ cá tra vùng ĐBSCL

Muốn đạt mục tiêu đó, bên cạnh đầu tư nâng cấp Trung tâm Giống cá tra chất lượng cao, cần hỗ trợ tỉnh An Giang đầu tư phòng thí nghiệm di truyền chọn giống cá tra, đầu tư cơ sở hạ tầng vùng sản xuất (SX) giống tập trung… Qua đó, giúp chuỗi liên kết SX giống cá tra có điều kiện phát triển, đáp ứng nhu cầu con giống của vùng ĐBSCL.

Giải quyết bài toán chất lượng

Có thể nói, việc cá tra nguyên liệu duy trì giá tốt từ năm 2017 sang năm 2018 đã kéo theo nhu cầu con giống cá tra tăng cao. Có thời điểm, giá cá tra giống ở ĐBSCL tăng lên 60.000 - 70.000 đồng/kg nhưng chất lượng chưa đảm bảo. Trước tình hình này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) An Giang đã yêu cầu các cơ sở tăng cường SX con giống chất lượng đáp ứng nhu cầu, tăng cường kiểm soát giá cá tra giống ở mức dưới 60.000 đồng/kg (loại 20 con/kg), từ 30.000 - 35.000 đồng/kg (loại 30 con/kg).

Nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu con giống, An Giang đang tập trung triển khai Đề án liên kết SX giống cá tra 3 cấp chất lượng cao (CLC) vùng ĐBSCL (đã được Bộ NN&PTNT phê duyệt tại Quyết định số 987/QĐ-BNN-TCTS, ngày 20/3/2018). Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản An Giang Trần Phùng Hoàng Tuấn cho biết, đến nay, An Giang đã xây dựng được 2 chuỗi liên kết trong khuôn khổ đề án. Trong đó, chuỗi thứ 1 gồm: Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II (Viện II, đơn vị cung cấp cá bố mẹ), Trung tâm Giống thủy sản An Giang (sản xuất cá tra bột), Chi hội sản xuất giống cá tra AFA (đơn vị ương giống) và Công ty Cổ phần XNK thủy sản An Giang (Agifish, đơn vị bao tiêu cá giống). Ở chuỗi thứ 2, đơn vị cung cấp cá bố mẹ vẫn là Viện II, đơn vị SX cá tra bột vẫn là Trung tâm Giống thủy sản An Giang nhưng đơn vị ương giống là Chi hội SX giống cá tra Châu Phú, còn đơn vị bao tiêu cá giống là Công ty Cổ phần Đa Quốc gia (IDI). “Qua quá trình triển khai, 2 chuỗi liên kết đã SX được hơn 1 tỷ con cá tra bột, trên 200 triệu con cá tra giống, góp phần đáp ứng nhu cầu con giống của các hộ nuôi và doanh nghiệp” - ông Tuấn thông tin.

Cần đẩy nhanh tiến độ

Trong bối cảnh nhu cầu con giống cá tra chất lượng tiếp tục tăng, Đề án liên kết SX giống cá tra 3 cấp CLC vùng ĐBSCL do An Giang chủ trì được kỳ vọng sẽ đáp ứng đủ nhu cầu con giống CLC, ổn định cung - cầu về SX giống, có thương hiệu, truy xuất nguồn gốc, huy động các thành phần kinh tế tham gia chuỗi, góp phần phát triển ngành hàng cá tra theo hướng bền vững, đáp ứng các yêu cầu của thị trường trong nước và quốc tế.

Nhằm tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ thực hiện đề án, An Giang đang đề nghị Bộ NN&PTNT hỗ trợ triển khai thực hiện 2 dự án ưu tiên là đầu tư nâng cấp Trung tâm Giống cá tra CLC tỉnh An Giang và đầu tư cơ sở hạ tầng vùng SX giống tập trung tại An Giang. Đối với Trung tâm Giống cá tra CLC, dự kiến xây dựng tại huyện Thoại Sơn, với tổng mức đầu tư 300 tỷ đồng, gồm 2 hợp phần: đầu tư nâng cấp Trung tâm Giống cá tra CLC (270 tỷ đồng) và đầu tư phòng thí nghiệm di truyền chọn giống cá tra tại An Giang (30 tỷ đồng). Mục tiêu đến năm 2025, Trung tâm Giống cá tra CLC tỉnh An Giang sẽ đạt tiêu chí để tham gia các đơn vị cấp 1, đảm bảo cung cấp đàn cá tra bố mẹ sinh sản ít nhất 10.000 con và hậu bị 15.000 con/năm, SX giống cá bột CLC đạt 10 tỷ cá bột/năm. Đối với Phòng Thí nghiệm di truyền chọn giống cá tra tại An Giang, sẽ được đầu tư đạt tiêu chuẩn vùng, với tổng diện tích 45ha, gồm 10ha trại giống (cơ sở 2) hiện hữu và 35ha mở rộng. Phòng Thí nghiệm sẽ giúp nâng cao chất lượng con giống cá tra và giống thủy sản thông qua ứng dụng kết hợp các phương pháp di truyền chọn giống với di truyền phân tử, đồng thời xây dựng định hướng và bảo tồn nguồn gen của thủy sản Việt Nam.

Đối với Dự án đầu tư cơ sở hạ tầng vùng SX giống tập trung tại An Giang, tỉnh sẽ thực hiện 3 vùng ương giống tập trung với quy mô 350ha (Châu Phú 150ha, TP. Long Xuyên 100ha, TX. Tân Châu 100ha). Đối với vùng 100ha ở TX. Tân Châu, tỉnh đang mời gọi Tập đoàn Việt Úc đầu tư. Hiện nay, An Giang đang tập trung triển khai thực hiện các mô hình nuôi cá tra theo công nghệ cao tại huyện Châu Phú, đã có 2 doanh nghiệp đầu tư với quy mô 300 - 400ha/vùng. Mục tiêu đề xuất đầu tư cơ sở hạ tầng vùng SX giống tập trung 150ha huyện Châu Phú nhằm gắn kết mô hình nuôi của các doanh nghiệp vào vùng ương giống tập trung, tạo thành chuỗi giá trị cá tra liên kết khép kín từ khâu SX giống đến khâu nuôi thương phẩm và chế biến xuất khẩu…

(Theo báo An Giang)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục