Theo kế hoạch thả nuôi năm 2018, diện tích thả nuôi cá tra trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long phấn đấu đạt diện tích 460 ha với sản lượng nuôi cá tra đạt 80 nghìn tấn. Trong đó, phấn đấu đạt 40 triệu con giống và 1.300 triệu cá bột. Để đạt được mục tiêu trên, tỉnh Vĩnh Long đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm tổ chức lại sản xuất theo hướng tăng cường liên kết chuỗi và theo mô hình quản lý cộng đồng như tổ hợp tác sản xuất đạt các chứng nhận tiêu chuẩn GAP.
Để phát triển nuôi cá tra theo hướng bền vững, trong những năm qua, tại Vĩnh Long đã xuất hiện nhiều mô hình liên kết chuỗi trong sản xuất, tiêu thụ cá tra đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long đã có 20/150 cơ sở đang thả nuôi có liên kết sản xuất, với các hình thức liên kết như: Liên kết giữa cơ sở nuôi với nhà máy chế biến thủy sản: có 03 cơ sở nuôi ký hợp đồng với nhà máy chế biến thủy sản theo hình thức nhà máy giao thức ăn cho người nuôi và sau đó sẽ thu hồi sản phẩm. Ngoài ra, đã hình thành các chuỗi liên kết như: liên kết giữa cơ sở nuôi với nhà máy chế biến và nhà máy thức ăn; liên kết giữa cơ sở nuôi với nhà máy chế biến thức ăn; liên kết giữa cơ sở nuôi với cửa hàng bán vật tư thủy sản và theo hình thức liên kết nuôi gia công.
Chuỗi liên kết đã mang lại nhiều lợi ích cho cả người nuôi và doanh nghiệp chế biến cũng như doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào. Trong đó, lợi ích mà doanh nghiệp có được là doanh nghiệp đã tạo ra những vùng sản xuất lớn để có điều kiện sản xuất cùng một loại giống, đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng để tăng năng suất lao động. Giúp doanh nghiệp có vùng nguyên liệu ổn định đáp ứng nhu cầu sản xuất theo đúng kế hoạch của công ty từ đó loại bỏ được tình trạng khan hiếm nguyên liệu sản xuất, phải thu mua nguyên liệu với giá cao làm tăng chi phí đầu vào của sản phẩm. Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc xây dựng, phát triển, quảng bá thương hiệu cho sản phẩm xuất khẩu nhằm nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường...
Đối với người nuôi, có thể nhận thấy những lợi ích mang lại cho họ khi tham gia chuỗi liên kết như được các doanh nghiệp đầu mối hướng dẫn về kỹ thuật sản xuất, được cung cấp đầy đủ giống, vật tư phục vụ sản xuất và ngay cả ứng trước tiền trang trải sinh hoạt phí; thu nhập cao hơn do hiệu quả sản xuất được nâng lên và thu nhập ổn định.
Thực hiện tái cơ cấu ngành thủy sản, tỉnh Vĩnh Long cũng đã chú trọng xây dựng vùng nuôi thủy sản thương phẩm với mô hình, đối tượng nuôi đa dạng và đạt chứng nhận các tiêu chuẩn quốc tế cũng như tiêu chuẩn VietGAP. Hiện nay, tỉnh Vĩnh Long đã có 257,62 ha mặt nước nuôi cá tra thương phẩm được chứng nhận các tiêu chuẩn, trong đó: 75 ha đạt chứng nhận tiêu chuẩn quốc tế GlobalGAP/ASC (07 cơ sở); 40 ha đạt tiêu chuẩn quốc tế + VietGAP (5 cơ sở); 142,58 ha đạt tiêu chuẩn VietGAP (121 cơ sở) bao gồm: (01 HTX: 12 hộ nuôi; 14 THT: 95 hộ nuôi; 14 cơ sở nuôi).
Bên cạnh đó, các cơ sở sản xuất giống cũng áp dụng nuôi theo các tiêu chuẩn để nâng cao chất lượng con giống. Hiện toàn tỉnh có 02 cơ sở sản xuất giống được chứng nhận tiêu chuẩn GlobalGAP với tổng diện tích là 6,3 ha, trong đó 3,5 ha thuộc Trại giống thủy sản Cồn Giông – Trung tâm Giống Nông nghiệp tỉnh Vĩnh Long và 2,8 ha thuộc Trung tâm Giống & Kỹ thuật (Công ty CASEAMEX Cần Thơ).
Theo kế hoạch thả nuôi năm 2018, diện tích thả nuôi cá tra trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long phấn đấu đạt diện tích 460 ha với sản lượng nuôi cá tra đạt 80 nghìn tấn. Đối với sản xuất giống phấn đấu đạt 40 triệu con cá giống cá tra và 1.300 triệu cá bột.
Để đạt được mục tiêu kế hoạch đề ra cho năm 2018, tỉnh Vĩnh Long đã đưa ra nhiều giải pháp để ổn định diện tích và sản lượng cá tra như: khôi phục lại diện tích nuôi cá tra bị treo hoặc phát triển nuôi các loài thủy đặc sản trên các ao cá tra bị treo để tái cơ cấu sản xuất các đối tượng khác có giá trị theo hướng đa dạng hóa đối tượng nuôi.
Tổ chức lại sản xuất theo hướng gắn kết chặt chẽ và bảo đảm hài hoà lợi ích giữa các khâu nuôi, thu mua, chế biến và xuất khẩu. Tổ chức lại sản xuất theo mô hình quản lý cộng đồng như tổ hợp tác sản xuất VietGAP và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất kinh tế tập thể như tiếp tục xây dựng các mô hình HTX kiểu mới các nuôi lồng/bè để liên kết sản xuất và tiêu thụ.
Tiếp tục thực hiện công tác quan trắc chất lượng nước, cảnh báo môi trường, dịch bệnh; đồng thời, tăng cường giám sát vùng nuôi để hướng dẫn phòng và trị bệnh trên cá tra, giảm thiểu nguy cơ mất ATTP, đảm bảo chất lượng sản phẩm đáp ứng yêu cầu tiêu thụ trong nước và phục vụ xuất khẩu.
(Theo TCTS)