Ngày 21/11, tại thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang, Tổng cục Thủy sản phối hợp cùng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang đã tổ chức Diễn đàn khoa học công nghệ về nuôi cá tra chất lượng cao ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Theo bà Võ Thị Thanh Vân, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang, cá tra là đối tượng nuôi nước ngọt phổ biến ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Đồng thời, là sản phẩm xuất khẩu chủ lực của ngành thủy sản Việt Nam sau con tôm. Năm 2017, ngành hàng cá tra Việt Nam đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1,78 tỷ USD và nhận định triển vọng thị trường xuất khẩu cho sản phẩm cá tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề ra chỉ tiêu xuất khẩu sản phẩm cá tra năm 2018 là trên 2 tỷ USD.
Thời gian qua, nghề nuôi cá tra của vùng Đồng bằng sông Cửu Long luôn được giữ vững, phát triển ổn định trước những thách thức, mối nguy về ô nhiễm môi trường, mầm bệnh, ảnh hưởng của diễn tiến biến đổi khí hậu… là nhờ vào việc tổ chức lại sản xuất và chủ động ứng dụng các công nghệ kỹ thuật tiên tiến vào quá trình sản xuất nhằm giúp cải thiện năng suất, tính hiệu quả mô hình nuôi.
|
Bà Võ Thị Thanh Vân, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang biểu tại diễn đàn. Ảnh: Công Mạo-TTXVN |
Nhiều nghiên cứu khoa học công nghệ được ứng dụng cho lĩnh vực nuôi cá tra thời gian qua đã đem lại hiệu quả nhất định mặt giá trị kinh tế cũng như giá trị khoa học. Từ thực tế đó cho thấy, nghiên cứu khoa học phải gắn với thực tiễn sản xuất và kết quả nghiên cứu khoa học được xem là thành công khi được triển khai nhân rộng mang lại hiệu quả về mặt khoa học ứng dụng và hiệu quả kinh tế.
Cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trình bày về Luật Nông trại và cơ chế đánh giá tương đương cá tra xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Với các nội dung Giới thiệu Luật Nông trại và quy định về thanh tra cá da trơn của Hoa Kỳ; cơ chế đánh giá tương đương của FSIS; kết quả đánh giá tương đương hệ thống kiểm soát cá da trơn của Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ.
Bên cạnh đó, đề xuất các cơ sở nuôi nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của Việt Nam và thị trường nhập khẩu; thực hiện đúng các khuyến cáo hướng dẫn của cơ quan chức năng, đồng thời kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng thuốc, hóa chất, thức ăn để đảm bảo không là nguồn lây nhiễm cho cá thương phẩm.
Đại diện Tập đoàn Việt – Úc nêu giải pháp phát triển bền vững ngành cá tra; trong đó, Công ty cá tra Việt- Úc là đơn vị tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ cao trong nghiên cứu quy trình chọn lọc đàn cá tra bố mẹ đến sản xuất cá tra giống. Với con giống mới này, con cá tra sẽ có sức đề kháng tốt hơn, sức sống tốt hơn thì nông dân ít phải dùng thuốc trong quá trình nuôi cá tra thương phẩm.
Công ty TNHH thủy sản Mừng Liên (Đồng Tháp) chia sẻ, cá tra bột của Công ty vừa cung cấp cho 200 vệ tinh ương đạt 400 triệu con giống/năm cung cấp cho thị trường. Đồng thời, Công ty cũng đã hướng dẫn thực tập cho 400 sinh viên và tư vấn cho trên 3.000 khách hàng. Kinh nghiệm của đơn vị là muốn sản xuất cá tra chất lượng cao và bền vững phải thực hiện quy chuẩn từ lúc chọn giống bố mẹ, quy trình sinh sản, quy trình ương giống, và quy trình nuôi thành phẩm.
Các đại biểu cũng đã kiến nghị đối với cơ sở nuôi cá tra phải thực hiện nghiêm túc các quy định về việc khai báo dịch bệnh, sử dụng thuốc kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản có trách nhiệm, chỉ sử dụng con giống đã qua kiểm dịch và có chất lượng tốt.
Tiến sĩ Trần Đình Luân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, việc cung cấp đủ con giống cá tra có chất lượng tốt được đặt lên hàng đầu nhằm đáp ứng được nhu cầu nuôi cá tra hàng năm. Thực tế cho thấy, mặc dù việc sản xuất cá tra giống vẫn phát triển theo quy luật cung và cầu, nhưng vẫn còn mang tính tự phát, sản xuất chạy theo số lượng; không quan tâm đến chất lượng gây ảnh hưởng lớn đến người nuôi nói riêng và nghề nuôi cá tra nói chung.
|
Tiến sĩ Trần Đình Luân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: Công Mạo-TTXVN |
Theo ông Trần Đình Luân, một trong những nguyên nhân chính làm ảnh hưởng đến chất lượng cá tra giống là do chưa có sự hợp nhất giữa các nhà nuôi trồng và các hộ nuôi để thực hiện nghiên cứu, thử nghiệm và xây dựng một quy trình ương cá tra một cách hợp lý và hiệu quả.
Đồng thời, cũng chưa có sự quan tâm đúng mức về các vấn đề trong việc cải tiến và xây dựng các giải pháp để kiểm soát môi trường, cải tiến dinh dưỡng và kiểm soát dịch bệnh,... Vì thế, việc ương cá tra giống gặp nhiều khó khăn vì bệnh thường xuyên xảy ra, các yếu tố thủy, lý hóa, môi trường nước ao nuôi luôn có biến động lớn và không ổn định... làm ảnh hưởng xấu đến sức khỏe cá nuôi và có tỷ lệ sống thấp.
Để đưa ra được quy trình kỹ thuật ương cá tra giống chất lượng (không có bệnh nguy hiểm, tỷ lệ sống cao), theo ông Trần Đình Luân, ngay trong vụ nuôi tới của năm 2019, các địa phương, chi hội sản xuất giống cá tra, các hộ nuôi cá thể và các doanh nghiệp nuôi cá tra vùng Đồng bằng sông Cửu Long cần phải có sự phối hợp chặt chẽ với các viện, trường, các nhà khoa học để áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong ương tạo và sản xuất giống cá tra chất lượng. Điều này nhằm đáp ứng đủ nhu cầu con giống chất lượng cao ổn định cung - cầu về con giống cá tra có thương hiệu, truy xuất nguồn gốc (nhất là giống cá tra nuôi trái vụ)… Có như vậy ngành hàng cá tra vùng Đồng bằng sông Cửu Long mới phát triển một cách bền vững, đáp ứng các yêu cầu tiêu thụ của thị trường trong nước và quốc tế.
(Theo báo Ảnh DT&MN)