Tránh ‘tăng trưởng nóng’ trong nuôi và chế biến cá tra xuất khẩu

Giá cá tra thịt lẫn cá giống trên thị trường hiện đang ở mức cao kỷ lục, là điều kiện thuận lợi để ngư dân tập trung tăng sản lượng. Điều này dễ dẫn đến “tăng trưởng nóng” như những lần cá tra có giá trước đây. “Tăng trưởng nóng” xuất phát từ việc tăng diện tích thả nuôi một cách đột ngột dễ dẫn đến nhiều hậu quả xấu, khó lường…

Tuân thủ quy hoạch

Trong lịch sử phát triển ngành nuôi và chế biến cá tra xuất khẩu, chưa bao giờ giá cá tra thịt lẫn giá cá giống đạt mức cao như hiện nay. Con số 32.000 đồng/kg đối với cá tra thịt (loại I) và 72.000 đồng/kg đối với cá tra giống (loại 30 con/kg) đã giúp những ai còn theo đuổi ngành nuôi cá tra “lấy lại sức dốc”. Với mức giá này, ngư dân nuôi cá thịt lãi ít nhất 6.000 đồng/kg và cá giống lãi ít nhất 40.000 đồng/kg. Đây là mức lãi cao trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi mạnh. Lợi nhuận từ nuôi cá tra thịt, cá tra giống ở mức cao khiến nhiều người muốn “nhảy vào” nuôi để gỡ lỗ, từ đó việc tuân thủ quy hoạch trong nuôi cá tra là khó kiểm soát. “Chúng tôi vừa có chuyến khảo sát tại các huyện, thị xã, thành trong tỉnh để tìm hiểu tình hình nuôi cá tra thịt và cá tra giống khi giá cá đang ở mức cao. Kết quả cho thấy, diện tích ao được đào mới tăng không đáng kể. Cá có giá, nhiều hộ đã tận dụng số ao, hầm đã bỏ trống để nuôi lại. Mục tiêu của ngành nông nghiệp trong năm 2018 là vận động ngư dân trong tỉnh giữ nguyên diện tích nuôi. Thay vì tăng diện tích thả nuôi, ngành khuyến khích ngư dân tăng vòng quay, tăng năng suất nuôi ở mức dự kiến từ 10-15%...”- Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Trần Phùng Hoàng Tuấn chia sẻ.

Để ngành nuôi và chế biến cá tra xuất khẩu (XK) phát triển ổn định và bền vững, ngày 28-7-2017 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Vương Bình Thạnh đã ký Quyết định số 2281/QĐ-UBND, phê duyệt Quy hoạch chi tiết nuôi, chế biến cá tra trên địa bàn tỉnh An Giang đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Theo đó, mục tiêu chung của quy hoạch, khai khác và sử dụng hiệu quả một phần tài nguyên đất đai, mặt nước của tỉnh, đặc biệt là tận dụng tối đa những diện tích đã đào ao sẵn để khôi phục và phát triển nghề nuôi, chế biến cá tra thành ngành sản xuất hàng hóa lớn, theo hướng tập trung, được đầu tư đồng bộ về cơ sở hạ tầng, đảm bảo hiệu quả, bền vững và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; truy xuất nguồn gốc, giải quyết thêm công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động địa phương.

Tăng cường liên kết

Theo quy hoạch, đến năm 2025, diện tích mặt nước nuôi cá tra đạt 1.000 ha (trong đó nuôi theo công nghệ cao 30 ha), sản lượng đạt 300.960 tấn, kim ngạch XK đạt 380 triệu USD, thu hút 28.500 lao động; tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2017-2025: về diện tích là 4,1%/năm, về sản lượng là 1,7%/năm, XK là 4,6%/năm. Đến năm 2030, diện tích mặt nước nuôi cá tra đạt 1.430 ha (nuôi ttheo công nghệ cao 180 ha), sản lượng đạt 472.500 tấn, sản lượng chế biến đạt 220.000 tấn (trong đó XK chiếm 95%), XK đạt 600 triệu USD, thu hút 38.000 lao động; tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2026-2030: về diện tích là 3,6%/năm, về sản lượng là 9,4%/năm, XK là 9,6%/năm. “Qua theo dõi tình hình XK cá gần 1 năm nay cho thấy, cá tra hiện được xuất mạnh vào thị trường Trung Quốc, các thị trường khác như Mỹ, EU… vẫn gặp nhiều khó khăn, chủ yếu về những rào cản kỹ thuật. Hiện Mỹ vẫn tiếp tục đánh thuế chống bán phá giá trên sản phẩm cá tra, các thị trường khác luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro, vì vậy nuôi cá tra trong bối cảnh này thực sự không dám “đánh liều” như nhiều người suy nghĩ. Thay vì nuôi “tự do” như những năm 1997, 1998 thì nay, người nuôi phải tìm cách liên kết với các công ty chế biến để có đầu ra ổn định. Cá hiện đang xuất mạnh vào thị trường Trung Quốc nhưng nhìn lại lịch sử XK sản phẩm vào thị trường này cho thấy, đây là thị trường tiềm ẩn nhiều rủi ro nên nông dân cũng rất thận trọng…”- ông Nguyễn Công Thành, ngư dân xã Phú Bình, huyện Phú Tân, chia sẻ. 

Những tháng đầu năm 2018, do thời tiết bất thường, tỷ lệ sống của cá tra giống rất thấp

Những tháng đầu năm 2018, do thời tiết bất thường, tỷ lệ sống của cá tra giống rất thấp

Năm 2017, diện tích thả nuôi cá tra thịt của tỉnh đạt 832 ha, bằng 110,8% so với tời điểm năm 2016. Sản lượng đạt 287.000 tấn, riêng diện tích sản xuất giống cá tra là 470 ha, bằng 117,98% so cùng kỳ năm 2016. Hiện, vùng nuôi của doanh nghiệp đạt trên 70% diện tích thả nuôi. Tuân thủ quy hoạch, tăng cường liên kết là 2 yếu tố giúp ngành nuôi và chế biến cá tra XK phát triển bền vững. Nuôi cá tra hiện nay đã trở thành ngành nghề phát triển có điều kiện, bởi hộ dân hoặc doanh ngiệp muốn thả nuôi, trước hết vùng nuôi phải phù hợp quy hoạch được duyệt, mục đích sử dụng đất là nuôi trồng thủy sản, phải đăng ký với Chi cục Thủy sản để được cấp mã số nhận diện ao nuôi và trong quá trình nuôi phải đáp ứng các điều kiện về an toàn vệ sinh thực phẩm….

“Để ngành nuôi và chế biến cá tra XK mang tính ổn định và bền vững, chúng tôi khuyến khích ngư dân trên địa bàn tỉnh, nếu là hộ chuyên sản xuất giống thì cần đăng ký tham gia chuỗi liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp. Nếu hộ nuôi thịt thì cần tham gia vào 1 liên kết nào đó với doanh nghiệp để đầu ra được thuận lợi. Ngư dân cần tuân thủ quy hoạch nuôi cá tra mà ngành nông nghiệp đã công bố. Chủ trương của tỉnh hiện nay là không tăng thêm diện tích nuôi mà chỉ tăng vòng quay, tăng năng suất và mức tăng mỗi năm khoảng từ 10-15% để đảm bảo đầu ra tốt…”- ông Trần Phùng Hoàng Tuấn khuyến cáo.

(Theo báo An Giang)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục