Thừa Thiên Huế: Được mùa cá rò

Sau một năm sự cố môi trường biển, chưa bao giờ các làng chài lại nhộn nhịp đến thế. Những chuyến biển của ngư dân vùng khơi đầy ắp cá rò...

 Làng biển nhộn nhịp

Ngư dân Đào Duy Chặng (46 tuổi, thôn Thai Dương Hạ Trung, xã Hải Dương, TX.Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) bảo, từ tháng 4 đến tháng 5 (DL) là mùa cá rò. Cư dân vùng biển Phú Vang, Hương Trà đến vụ lại “xách” tay lưới mùng ra biển. Vào giữa vụ, cá nhiều đến nỗi, người dân dùng vợt đứng trên bờ cũng kiếm được vài kg/ngày.

Từ đứng trưa đến đêm, cá rò vào nhiều. Đó là nguyên liệu, cũng là món quà hào phóng của biển để ngư dân chế biến món mắm cá rò đã thành đặc sản vùng biển. Những con cá rò dưới 10 ngày tuổi chỉ bé bằng nửa chiếc móng tay, khi làm mắm thì mềm, ngọt...

Những ngày đầu tháng tư, dọc vùng cửa biển Hải Dương, người dân “xếp” hàng dọc, cứ 2 người một tay lưới kéo, khi cá đã vào đầy thì lên bờ xóc vào xô. Trên bờ, những người phụ nữ háo hức đón những mẻ cá...

“Bình quân mỗi ngày dùng vợt, lưới mùng mỗi người cũng kiếm được 5-10kg cá rò. Với giá bán đầu vụ, mỗi rá (1,5kg), giá từ 500-600 nghìn đồng, ngư dân có thu nhập khá trong hai tháng mùa vụ”, ông Nguyễn Phước (thôn Thai Dương Hạ Trung) phấn khởi.

Đánh bắt cá rò số lượng lớn phải kể đến nghề đặt đáy rớ cách bờ chừng 100-200m. Nghề đáy là một sáng tạo thú vị trong các loại ngư lưới cụ của ngư dân trên chặng đường nương tựa biển mưu sinh. Hai cạnh của lưới đáy (dài hơn 3m), cắm vào hai cọc, phía cuối có cái đụt dùng để chứa cá, được bố trí theo hình chữ “V” đặt ngược với con nước. Cá rò dạt từ vùng khơi vào, theo con nước tràn vào đáy rớ. Sau khi đặt từ 6-8 tiếng thì ngư dân cất lưới.

Vào đầu vụ, bình quân một đáy rớ được cất, ngư dân thu được từ 40-50kg cá rò. “Chỉ mới 2 ngày trước, tui cất một mẻ kiếm được 45kg cá rò. Với giá bán hiện nay một rá bình quân 300 nghìn đồng (tùy cá sống hay chết), kiếm được gần 15 triệu đồng; cá biệt có hộ trúng 25-30 triệu đồng/ngày”, ngư dân Phạm Sơn (thôn Thai Dương Hạ Nam) hồ hởi.

Những mẻ cá rò ban đêm cũng được ngư dân Thuận An (Phú Vang) hối hả thu hoạch. Cửa biển ở thôn Hải Tiến nhộn nhịp bà con ngư dân. Ông Huỳnh Ban (thôn Hải Tiến) cho biết, năm nay cá rò nhiều hơn các năm trước. Cá nhiều vô kể. “Cá rò tập trung ở cửa biển nhiều, làm “xót mắt” các loài cá khác nên thời gian này ngư dân chỉ đánh bắt độc loại cá này ở cửa biển mà thôi”, ngư dân Huỳnh Ban lý giải.

Sinh kế bền vững

Mỗi vụ cá rò, hàng chục thương lái ở các địa phương Thuận An, Phú Thuận về các xã ven biển thu mua cá rò làm giống ươm nuôi trên đầm phá hoặc làm nguyên liệu chế biến mắm. Ông Nguyễn Lợi, một thương lái ở Hải Dương cho biết, bình quân mỗi ngày cơ sở ông thu mua từ 3-5 tạ cá rò.

Ông Lê Xuân Hướng, Phó Chủ tịch UBND xã Hải Dương cho biết, hiện nay, việc khai thác hải sản gần bờ của ngư dân đang dần ổn định trở lại. Mùa cá rò về ngư dân bán tươi ngay điểm khai thác cho các chủ hồ, chủ cơ sở làm mắm, tạo công ăn việc làm cho cả trăm lao động. “Hiện nay, toàn xã có khoảng 40 hộ dân chuyên khai thác cá rò mỗi vụ. Địa phương cũng tuyên truyền, vận động ngư dân khai thác bền vững, không sử dụng các hình thức đánh bắt hủy diệt”.

Bà Trương Thị Lệ, chủ cơ sở chế biến hải sản Bà Lệ ở thôn An Hải (Thuận An) cho biết, năm 2016, do ảnh hưởng sự cố môi trường biển, lượng mắm cá rò bán ra rất thấp, không bằng 50% trước đây. Đến nay, người tiêu dùng đã tin tưởng, giá cá ổn định trở lại nên bình quân mỗi ngày, cơ sở bà Lệ thu mua chừng vài chục kg cá rò.

“Thời cao điểm nhiều năm trước, cơ sở tui thu mua 4-5 tấn cá/vụ. Mắm cá rò bán “chạy” trở lại, không chỉ giải quyết nhiều lao động ở địa phương mà còn giúp hàng chục chủ cơ sở làm mắm như gia đình tui vực dậy được làng nghề, sinh kế ổn định”, bà Lệ trải lòng.

Ông Nguyễn Đình Đức, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT đánh giá, hiện nay, giống cá rò chưa sản xuất được nên bà con nuôi trồng thủy sản trên khu vực đầm phá hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn giống tự nhiên. Đây là nguồn giống phong phú, chất lượng tương đối tốt. “Thời điểm này đang bước vào đầu vụ nuôi trồng thủy sản xen ghép ở các địa phương nên việc khai thác nguồn giống này được bà con ngư dân chú trọng, có ý nghĩa quan trọng trong việc chủ động nguồn giống, phát triển vùng nuôi cao triều, thấp triều”, ông Đức khẳng định.

Ông Đức cho biết thêm, thống kê mới đây cho thấy, trên địa bàn tỉnh có 92 cơ sở chuyên chế biến các loại mắm, nước mắm từ các loài hải sản, giải quyết 700-800 lao động địa phương; trong đó, có nhiều cơ sở mắm cá rò chất lượng thơm ngon. Các địa phương ven vùng cửa biển, khai thác cá rò hàng năm cũng đã cung cấp một lượng nguyên liệu phong phú, giúp các làng nghề chế biến mắm phát triển.

Ngư dân trúng đậm mùa cá rò không chỉ vực dậy nghề biển mà còn nuôi cả ước mơ của những người trên bờ. Từ bàn tay của những “nghệ nhân” là các mẹ, các chị, thứ mắm rò “trứ danh” xứ này cũng ra đời. Sinh kế ổn định giúp ngư dân nuôi con cái học hành đầy đủ, khơi dậy ước mơ từ những làng chài.

Báo Thừa Thiên Huế

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục