Con cá tra, cá ba sa lại gặp khó, khi Bộ Thương mại Hoa Kỳ quyết định áp mức thuế chống bán phá giá cao kỷ lục đối với sản phẩm cá tra, cá ba sa của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường nước này. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia phân tích, với sự chủ động mở rộng thị trường, ngành nuôi trồng thủy sản này sẽ không chịu tác động lớn.
Áp thuế chống bán phá giá làm thị trường thiên lệch
Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) vừa ban hành kết luận cuối cùng trong việc rà soát hành chính lần thứ 13 (POR 13) về chống bán phá giá cá tra, cá ba sa của Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ. Căn cứ kết luận này, các DN xuất khẩu cá tra, cá ba sa của Việt Nam bị áp dụng mức thuế chống bán phá giá từ 2,39 đến 7,74 USD/kg. Đây là các mức thuế rất cao, tác động lớn tới xuất khẩu cá tra, cá ba sa của Việt Nam sang Hoa Kỳ.
Theo đại diện Bộ Công thương, mức thuế mà Hoa Kỳ đưa ra là không khách quan, mang tính bảo hộ quá mức. Vì vậy, đề nghị phía Hoa Kỳ xem xét, điều chỉnh lại trên nguyên tắc khách quan, tuân thủ quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), công bằng cho tất cả các bên liên quan… Như vậy, một lần nữa con cá tra của Việt Nam gặp khó khi xuất vào thị trường Hoa Kỳ. Đây là điều không mới nhưng thực tế khiến không ít DN bất ngờ bởi áp thuế lần này là cao kỷ lục, tới 7,74 USD/kg.
Ngành thủy sản Việt Nam đang đối diện với nhiều thách thức từ những chính sách bảo hộ, hàng rào kỹ thuật từ phía Hoa Kỳ và Liên hiệp châu Âu (EU). Một DN có thâm niên trong ngành hàng kinh doanh cá tra nhận định: Cá tra luôn chịu cảnh thăng trầm ở thị trường Mỹ và EU với nhiều lý do. Trong đó có nguyên nhân do cá tra Việt Nam thuộc cùng nhóm nhưng giá bán thấp hơn khoảng 30%; do đó các nước liên tục dựng lên những rào cản kỹ thuật nhằm hạn chế cá tra vào nước họ. Đây là vấn đề tất yếu, đòi hỏi chúng ta phải bình tĩnh và tìm cách ứng phó thích hợp.
“Việc áp thuế chống bán phá giá từ phía Hoa Kỳ đối với các công ty xuất khẩu cá tra Việt Nam làm cho thị trường bị thiên lệch. Đồng nghĩa việc làm cho giá cá tra ở Hoa Kỳ sẽ cao hơn EU và Trung Quốc. Bên cạnh đó là tình trạng cạnh tranh giữa các công ty trong nước vì một số công ty thuế suất thấp xuất sang Hoa Kỳ thì có lợi còn công ty thuế suất cao không xuất khẩu được, trở nên thoái hóa. Mặt khác, vụ việc này còn ảnh hưởng trực tiếp đến người nông dân” - ông Võ Hùng Dũng, Tổng Thư ký Hiệp hội cá tra Việt Nam nhận định.
Tạo thương hiệu, đa dạng hóa thị trường
Kim ngạch xuất khẩu cá tra của Việt Nam năm 2017 đạt 1.788 triệu USD, tăng 4,3% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, các khối thị trường dẫn đầu là Mỹ, EU, Trung Quốc, ASEAN, Ca-na-đa, Trung Đông, Nhật Bản. Đại diện Hiệp hội cá tra Việt Nam nhận định:
Thị trường xuất khẩu cá tra năm 2017 đã có sự thay đổi về cơ cấu tỷ trọng của các thị trường xuất khẩu, theo hướng giảm ở thị trường EU; Mỹ và tăng ở thị trường mới như Trung Quốc và Hồng Công. Cụ thể, thị trường EU chiếm tỷ trọng là 11,4% (năm 2016 là 18,22%); thị trường Mỹ chiếm tỷ trọng 19,3% (năm 2016 là 22,6%); Trung Quốc và Hồng Công chiếm tỷ trọng 23% (năm 2016 là 17,8%)...
Theo đánh giá của các chuyên gia nông nghiệp, Mỹ là thị trường tiềm năng cho cá tra xuất khẩu của Việt Nam (luôn chiếm tỷ trọng khoảng 20%). Do đó, bất kỳ sự thay đổi nào về hàng rào kỹ thuật, thương mại theo hướng siết chặt từ phía Mỹ cũng gây tác động cho ngành cá tra Việt Nam nói chung.
“Giá cá tra đang ở mức cao nhưng thị trường xuất khẩu vẫn tiềm ẩn khó khăn, nhất là thị trường Mỹ tiếp tục áp mức thuế suất chống bán phá giá rất cao và gia tăng các hàng rào cản kỹ thuật. Mặc dù Trung Quốc tuy đang là thị trường dẫn đầu nhưng chính sách nhập khẩu thay đổi khôn lường” - ông Võ Đông Đức, Tổng Giám đốc Công ty CP xuất nhập khẩu thủy sản Cần Thơ (Caseamex) nhận định. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng: Thị trường xuất khẩu cá tra đã được đa dạng hóa, đặc biệt là thị trường mới nổi là Trung Quốc. Do vậy sự ảnh hưởng của các công bố POR sẽ không còn ảnh hưởng nhiều đến giá cá.
Trên thị trường, hiện tại giá cá tra nguyên liệu ở ĐBSCL ở mức ổn định, người nuôi đạt lợi nhuận cao. Khó có thể xảy ra sự biến động về diện tích nuôi. Bởi sau nhiều lần chịu cảnh thăng trầm, người nuôi và các DN đã “bắt tay” liên kết khá chặt để cân đối “cung - cầu” hợp lý cho thị trường. Mặt khác, mặt hàng cá tra Việt Nam đã từng bước khẳng định được sức sống mãnh liệt của nó! Theo thống kê, hiện Việt Nam có khoảng 200 DN xuất khẩu cá tra đến khoảng 138 thị trường.
Trong chiến lược phát triển, cá tra Việt Nam được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương, Bộ Khoa học và Công nghệ xác định là một trong năm mặt hàng chiến lược của nông nghiệp tập trung xây dựng thương hiệu quốc gia và xây dựng kế hoạch hành động để thực hiện từ 2017. Vấn đề đấu tranh với việc áp giá thuế cao giống như một “hàng rào bảo hộ” của phía Mỹ đối với cá tra Việt Nam là rất cần thiết. Song song với đó, các ngành chức năng cần tăng cường kiểm soát điều kiện an toàn thực phẩm cơ sở nuôi cung cấp nguyên liệu; lấy mẫu nước, thức ăn và kiểm tra, xử lý vi phạm khi kết quả điều tra nguyên nhân lô hàng bị phát hiện không bảo đảm an toàn thực phẩm có liên quan đến công đoạn nuôi. Nhất là việc xúc tiến sản phẩm cá tra tiêu thụ thị trường trong nước có ý nghĩa vô cùng to lớn và quan trọng. Mặt khác, các DN chế biến thực hiện đầy đủ theo hướng dẫn của NAFIQAD tại Công văn số 1568/QLCL-CL1 ngày 31-8-2017 về việc triển khai Chương trình kiểm soát cá da trơn xuất khẩu sang Hoa Kỳ và các hướng dẫn của Tổng cục Thủy sản; chủ động giám sát các cơ sở nuôi cung cấp nguyên liệu cho DN...
(Theo báo Nhân Dân)