Tại sao các ông lớn ngành cá tra bị hấp dẫn bởi mảng collagen và gelatin?

Việc tận dụng các phế phụ phẩm trong chế biến cá tra để sản xuất sản phẩm giá trị gia tăng cao, đặc biệt là dùng da cá để làm collagen và gelatin, giúp doanh nghiệp tối ưu hoá lợi nhuận. Điều này đã thu hút các doanh nghiệp trong ngành.

Mới đây, Công ty Cổ phần Nam Việt (Navico, Mã: ANV) cho biết, dự kiến tháng 7, nhà máy Amicogen sản xuất collagen và gelatin công suất 780 tấn/năm với tổng mức đầu tư 48,4 tỷ đồng sẽ lắp đặt xong.

Nhà máy này được khởi công hồi đầu tháng 12/2021 tại Khu công nghiệp Thốt Nốt - TP Cần Thơ.

Đây là dự án liên doanh giữa Navico với Amicogen, được biết đến như nhà sản xuất C&G hàng đầu của Hàn Quốc với hơn 21 năm kinh nghiệm trong ngành sản xuất và chế biến các sản phẩm làm đẹp.

Liên doanh Amicogen & Navico đặt tham vọng cung cấp các sản phẩm giá trị gia tăng C&G đầu tiên cho thị trường Việt Nam vào năm 2022.

Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại đã có hai ông lớn ngành cá tra là Nam Việt và Vĩnh Hoàn tham gia sản xuất mảng collagen và gelatin. Vậy ngành này có gì thu hút đến vậy?

1. Biên lợi nhuận cao và ít đối thủ cạnh tranh

Quay trở về thời điểm 2015, Vĩnh Hoàn chính thức khánh thành nhà máy sản xuất collagen và gelatin từ da cá đầu tiên tại Việt Nam với công suất 2.000 tấn/năm.

Thời điểm ấy, dự án của Vĩnh Hoàn được đánh giá là có lợi thế lớn bởi chưa có doanh nghiệp nào có thể chiết xuất được collagen, hầu hết nguyên liệu đều phải nhập khẩu. Bên cạnh đó, Vĩnh Hoàn cũng đã xin được đầy đủ giấy phép để xuất khẩu, kể cả các thị trường khó tính và các nước theo đạo Hồi. 

Một số công ty chế biến thuỷ sản cũng đã “nhòm ngó” mảng này nhưng tất cả chỉ dừng ở động thái theo dõi.

Đến nay, tính cả sự tham gia của Nam Việt thì cả nước mới có 2 doanh nghiệp sản xuất collagen và gelatin từ da cá. 

Một trong những yếu tố cốt lõi khiến nhiều doanh nghiệp chưa thể làm mảng này vì nguồn nguyên liệu đầu vào còn thiếu. Hiện tại tỷ lệ tự chủ cá nguyên liệu của Vĩnh Hoàn và Nam Việt khá cao, lần lượt 70% và 100%.

Ít đối thủ cạnh tranh, trong khi biên lợi nhuận gộp của mảng này khá cao càng khiến mảng này hấp dẫn. Vĩnh Hoàn cho biết biên lợi nhuận gộp của nhà máy sản xuất collagen và gelatin lên tới 30%. Năm 2021, doanh thu mảng này đạt 642 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2020, chiếm tỷ trọng khoảng 7% tổng doanh thu của Vĩnh Hoàn.

Cơ cấu doanh thu các sản phẩm của Vĩnh Hoàn trong năm 2021. (H.Mĩ tổng hợp)

Nếu so với năm 2015 - 2016, giai đoạn đầu tiên nhà máy vận hành, doanh thu mảng này trong năm 2021 đã tăng gấp 23 lần. 

Doanh thu mảng collagen và gelatin của Vĩnh Hoàn kể từ khi chính thức đi vào hoạt động đến năm 2021. (Đơn vị: tỷ đồng, H.Mĩ tổng hợp)

Còn với Nam Việt, công ty kỳ vọng lợi nhuận giai đoạn 1 của nhà máy collagen và gelatin là 1,5 triệu USD (tương đương khoảng 34 tỷ đồng), đóng góp vào 10% lợi nhuận của tập đoàn.

2. Tận dụng được phụ phẩm, tối đa hóa lợi nhuận 

Việc sản xuất collagen và gelatin từ da cá giúp các công tối ưu hoá được chi phí và lợi nhuận khi tận dụng phụ phẩm trong quá trình sản xuất sản phẩm cốt lõi là cá tra phi lê. 

Theo đó, thay vì bị bỏ đi, da cá được dùng làm nguyên liệu đầu vào để sản xuất collagen và gelatin. Đây cũng là chiến lược “zero waste” mà Vĩnh Hoàn và nhiều công ty chế biến thực phẩm khác đang theo đuổi.

 Chuỗi sản xuất của Vĩnh Hoàn (Nguồn: Vĩnh Hoàn)

Với Nam Việt, dự án nhà máy collagen và gelatin nằm trong chiến lược trung và dài hạn nhằm đưa công ty về vị trí dẫn đầu trong ngành bằng việc tận dụng các lợi thế có sẵn từ chuỗi giá trị khép kín và phát triển mở rộng thị trường.  Bên cạnh collagen và gelatin, Nam Việt đầu tư thêm vào mảng sản xuất phân bón hữu cơ từ phân cá và cá, công suất 70.000 tấn/năm.

Tại đại hội đồng cổ đông diễn ra hôm 20/4 vừa qua, bà Trương Thị Lệ Khanh - Chủ tịch HĐQT Vĩnh Hoàn - người được mệnh danh là “Nữ hoàng cá tra” cho biết: “Đối với người trong ngành chế biến thuỷ sản nói riêng, việc tối ưu hoá được sản xuất, khép kín hết, không để tồn cặn là điều quý giá nhất bởi nó giúp doanh nghiệp tối ưu hoá được lợi nhuận. Khi đó, các chi phí khác như lao động, điện nước… có thể tăng nhưng tổng hoà chi phí không tăng. Như vậy mới có thể cạnh tranh được”.

Bà Khanh chia sẻ trước đây công ty chỉ cá tra size tiêu chuẩn (size cá từ 0,8 - 1kg (người viết)) để phục vụ cho xuất khẩu. Còn với size nhỏ hoặc cỡ lớn thì giá rất rẻ. Thế nhưng với hệ sinh thái các nhà máy chế biến các sản phẩm phụ, giá trị gia tăng cao, cá ở tất cả loại size đều có thể dùng, từ đó giúp công ty tối ưu được lợi nhuận.

“Vĩnh Hoàn không chỉ bán sản phẩm thị trường cần mà còn bán sản phẩm phù hợp với thực trạng của công ty, giúp nhà máy khép kín hơn, công suất cũng cao hơn nữa. Tôi tin chắc rằng với chiến lược này, năm 2022- 2023 chúng ta sẽ tối ưu sẽ tối ưu sản phẩm đầu ra. Nếu tăng năng suất được thì giá thành collagen và gelatin sẽ thấp, chất lượng cũng được nâng lên”, bà Khanh nói.

Trong năm 2022, Vĩnh Hoàn cho biết sẽ tìm kiếm cơ hội để phát triển theo hướng các sản phẩm ứng dụng collagen và gelatin, đồng thời nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học và tìm kiếm nguồn nguyên liệu mới trong mảng protein bổ sung và các sản phẩm chăm sóc sức khỏe khác.

Bên cạnh đó, công ty dự định đầu tư thêm 1 dây chuyền sản xuất Collagen, 1 line cho hoạt động R&D và cải tạo nhà máy tại Công ty Vĩnh Hoàn Collagen 150 tỷ đồng. Số tiền này nằm trong gói đầu tư trị giá 1.530 tỷ đồng mà Vĩnh Hoàn dự định chi trong năm 2022. 

Trước đó, năm 2020, Vĩnh Hoàn nâng sức sản xuất của nhà máy lên 3.500 tấn thành phẩm/năm và hiện đã “full công suất”.

Phương Linh

(Theo vietnambiz.vn)

 

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục