“Quy hoạch lại ngành cá tra giúp những người tham gia sản xuất có cuộc sống ổn định, tránh tình trạng làm ăn thua lỗ; ngân hàng tránh được nợ xấu, người lao động không bị thất nghiệp, đây là việc làm rất cần thiết…” - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH SX TMDV AFA Đỗ Văn Nghiệp chia sẻ.
Từ biến đổi khí hậu…
Theo ông Đỗ Văn Nghiệp, hiện nay tình hình biến đổi khí hậu đang diễn ra ở mức độ ngày càng trầm trọng, tình trạng mưa, nắng bất thường đã làm cho nhiệt độ trong ao nuôi cá giống lẫn cá thịt chênh lệch ở một biên độ lớn. Cụ thể, có thời điểm chỉ trong 1 ngày, độ pH trong ao nuôi lệch nhau từ 5-6 độ, điều đó khiến cá bị sốc với môi trường, dễ phát sinh dịch bệnh và dẫn đến chết hàng loạt. “Tôi theo ngành cá tra gần 30 năm nhưng chưa bao giờ thấy tình trạng dịch bệnh, cá chết nhiều như hiện nay. Trước đây, dịch bệnh chỉ xuất hiện vào mùa mưa, nay diễn ra quanh năm, từ đó làm cho chi phí, giá thành nuôi tăng lên, sản phẩm khó cạnh tranh trên thương trường” - ông Nghiệp chia sẻ.
Những ngày qua, tại các vùng nuôi cá tra xuất khẩu (XK) của tỉnh, tình trạng cá bỏ ăn, chết nhiều đã xảy ra. Ông Trần Văn Vệ (xã Vĩnh Trung, Châu Phú) có 2ha mặt nước nuôi cá tra giống, thời tiết mưa nhiều, nước dưới sông chuyển màu từ trong sang đục làm cho 2 ao cá của ông ngưng ăn và bắt đầu chết. “Nhà nước đã quy hoạch vùng nuôi cá tra nhưng cần tính đến việc vận động nông dân hạn chế sử dụng các loại thuốc trừ sâu mang tính độc hại cho môi trường. Nếu sử dụng các loại thuốc này trên lúa, hoa màu, khi mưa xuống, nước trên đồng theo kênh, mương chảy xuống sông, rạch thì người nuôi cá tra “lãnh đủ”, vì vậy khi quy hoạch cần tính đến vấn đề này” - ông Vệ chia sẻ.
Biến đổi khí hậu khiến giá thành nuôi cá ngày càng tăng. Nếu trước đây, bình quân mỗi kg cá tăng trọng, người nuôi chỉ mất khoảng 19.000 - 20.000 đồng/kg, nay tăng lên 22.000 đồng/kg, điều này khiến sản phẩm kém sức cạnh tranh trên thị trường.
…đến biến động thị trường
“Ngoài tình trạng biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, thị trường xuất khẩu (XK) cá tra đang có nhiều biến động khó lường. Các nước tiếp tục dựng hàng rào “phi thuế quan” để hạn chế nhập khẩu cá tra, bảo hộ nền sản xuất trong nước, Mỹ là một trong số những quốc gia đó…” - TS Võ Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam chia sẻ.
Nếu trước đây, Mỹ là thị trường XK cá tra số 1 Việt Nam, nay Trung Quốc đã vươn lên số 1. 4 tháng đầu năm 2018, tổng giá trị XK cá tra sang thị trường này đạt 145 triệu USD, tăng 43% so cùng kỳ năm trước. Nhìn vào con số này, ông Dũng chia sẻ, tuy kim ngạch XK cá tra vào thị trường này trong 2 năm gần đây có tăng nhưng doanh nghiệp (DN) phải tiếp tục xác định, đây là thị trường đầy rủi ro, vì vậy đa dạng hóa thị trường XK để tránh rủi ro là bài toán mà các DN phải tính tới.
Năm 2018, ngành sản xuất cá tra phấn đấu đạt kim ngạch 1,8 tỷ USD. Việc Mỹ tiếp tục đánh thuế chống bán phá giá cá tra khiến cho sản phẩm vào thị trường này phải đi qua “cánh cửa hẹp”. “Cái khó của ngành XK cá tra hiện nay là kim ngạch XK mỗi năm ở mức 1,7 - 1,8 tỷ USD nhưng có trên 200 DN tham gia, không tránh khỏi tình trạng “tranh mua, tranh bán”. Đây là nguyên nhân cần phải tính đến nhằm quy hoạch ngành này phát triển mang tính ổn định và bền vững” - ông Nghiệp chia sẻ.
Trước năm 2000, An Giang là tỉnh đứng đầu cả nước về nuôi và chế biến cá tra, nay Đồng Tháp đã vươn lên là tỉnh đi đầu. Năm 2017, diện tích thả nuôi cá tra thịt của tỉnh đạt 832ha và sản lượng đạt 287.000 tấn. Quy hoạch lại ngành cá tra phải bắt đầu từ 4 nhóm vấn đề chính là: thị trường, con giống, thức ăn và chế biến XK. Hiện nay, chương trình cá tra giống 3 cấp đang được khởi động, hứa hẹn cho ngành có được con giống khỏe. Tuy nhiên, ở 3 nhóm vấn đề còn lại rất cần sự sắp xếp, bởi trong khoảng 200 DN tham gia XK có bao nhiêu DN thật sự còn tiềm lực kinh tế. Nếu không có tiềm lực về kinh tế mà vẫn tham gia XK thì đây chính là những DN tạo ra việc phá giá trên thương trường.
Trong chế biến thức ăn, DN có vốn đầu tư nước ngoài đang nắm giữ trên 65% thị phần, như vậy liệu người nuôi có được giá thành tốt để cạnh tranh. Đối với nhóm vấn đề về thị trường XK, việc cá tra mang thương hiệu của nhà nhập khẩu là thiệt thòi lớn cho ngành cá tra Việt Nam, bởi về lâu dài, việc này chẳng có lợi cho một quốc gia có lợi thế tuyệt đối trong nuôi và chế biến cá tra như ở Việt Nam.
“Chúng ta đã đề cập đến vấn đề quy hoạch lại ngành cá tra rất nhiều lần nhưng do cách làm thiếu tính đồng bộ nên chưa mang lại kết quả. Ngành cá tra đến nay vẫn nằm trong tình trạng nguyên liệu lẫn con giống chế biến khi thừa, khi thiếu; sản phẩm bán ra thế giới đa phần mang thương hiệu của nhà nhập khẩu. Tình trạng “tranh mua, tranh bán” vẫn còn, vì vậy cần phải tiếp tục quy hoạch lại theo hướng có lợi cho những người tham gia là cần thiết…” - Giám đốc Hợp tác xã thủy sản Châu Phú Nguyễn Hữu Nguyên đề nghị.
(Theo báo An Giang)