Hiện nay, diện tích mặt nước nuôi cá tra tại Đồng Tháp đạt hơn 1.500 ha, trong khi đó, mỗi năm có tới 7 triệu con vịt được nuôi tại tỉnh này. Sản phẩm cá tra và vịt của Đồng Tháp hiện đang đứng đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long về sản lượng và số lượng.
Hai mặt hàng này được tỉnh Đồng Tháp chọn trong 5 ngành hàng tái cơ cấu nông nghiệp để tổ chức lại sản xuất theo hướng giảm giá thành, sản xuất theo tiêu chuẩn GAP để hướng đến phát triển bền vững.
Sản xuất theo hướng hàng hóa
Sản lượng cá tra từ đầu năm 2018 đến nay đạt hơn 438.000 tấn. Giá cá tra thương phẩm hiện nay có trọng lượng từ 0,7 – 1,2 kg/con với giá 31.000 – 35.500 đồng/kg, người nuôi có lãi cao từ 7.000-10.000 đồng/kg.
Ổn định nguồn nguyên liệu cá tra từ mô hình nuôi khép kín đã có hơn 65% diện tích của các doanh nghiệp trong tỉnh Đồng Tháp thực hiện. Đa số các doanh nghiệp chủ động diện tích ao nuôi cá tra nguyên liệu phục vụ cho chế biến và xuất khẩu, nuôi nhiều nhất là Công ty TNHH Hùng Cá và Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn.
Đặc điểm của các doanh nghiệp nuôi cá tra là sản xuất tập trung, không manh mún, sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn GlobalGAP, VietGAP, BAP và ASC. Các công ty chủ động nguồn nguyên liệu, xây dựng được một hệ thống “vệ tinh” trong vùng bằng cách ký kết hợp đồng với người nuôi.
Diện tích nuôi cá tra theo mô hình khép kín của các doanh nghiệp có tham gia liên kết hộ nuôi với doanh nghiệp theo 2 hình thức: Ký kết hợp đồng tiêu thụ và hình thức nuôi gia công cho công ty. Công ty TNHH Hùng Cá một trong những công ty ở tỉnh Đồng Tháp tiên phong trong việc phát triển thế mạnh mô hình liên kết nuôi cá tra theo chuỗi giá trị.
Ông Trần Văn Hùng, Giám đốc Công ty TNHH Hùng Cá cho biết, Công ty tổ chức chức từ nuôi trồng, chế biến xuất khẩu, sản xuất thức ăn, bột cá… hiện đang có quy mô lớn và uy tín ở Việt Nam.