Ngành nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu cá tra là một trong hai mặt hàng sản xuất chủ lực cùng với lúa gạo, góp phần cải thiện kim ngạch xuất khẩu của tỉnh An Giang.
Ngành nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu cá tra của tỉnh An Giang là một trong hai mặt hàng sản xuất chủ lực cùng với lúa gạo, hiện đang có xu hướng khôi phục và phát triển mạnh, đóng góp vào giá trị kim ngạch xuất khẩu của tỉnh An Giang, tạo việc làm cho hàng ngàn lao động.
Tỉnh An Giang đang thực hiện nhiều giải pháp để ngành hàng cá tra phát triển ổn định bền vững, trong đó chú trọng đến kế hoạch nuôi trồng, chọn lựa con giống tốt, tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi, cung ứng sản phẩm cho chế biến xuất khẩu phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất được nguồn gốc sản phẩm, đáp ứng các yêu cầu của thị trường nhập khẩu.
Theo ông Trần Hoàng Hải, Trưởng phòng Nông nghiệp - Cục Thống kê tỉnh An Giang, năm 2017 diện tích nuôi cá tra trong tỉnh đạt 1.295 ha, tăng 1,09% so cùng kỳ. Riêng, doanh nghiệp đầu tư nuôi theo chuỗi có 641 ha, tăng 4,26% so cùng kỳ.
Các hộ dân nuôi cá tra trong lồng bè trên sông hiện có là 188 cái, tăng 24,5% số lượng so cùng kỳ năm trước. Sản lượng cá tra nuôi trồng thu hoạch được năm 2017 ước đạt 285.000 tấn, tăng 18.000 tấn so cùng kỳ năm trước.
Riêng các doanh nghiệp sản xuất chế biến cá tra theo chuỗi liên kết sản xuất trên địa bàn tỉnh An Giang sản xuất được 147.000 tấn, tăng 13.400 tấn so với cùng kỳ năm trước. Các vùng nuôi cá tra theo chuỗi liên kết đã có hướng phát triển ổn định, góp phần vào sự phát triển bền vững của nghề nuôi cá tra trên địa bàn tỉnh An Giang.
Ông Võ Nguyên Nam, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh An Giang cho hay, từ đầu năm đến nay giá cá tra nguyên liệu tăng liên tục và đứng ở mức cao, dao động từ 22.000 đồng đến 26.000 đồng/kg. Với mức giá này người nuôi cá đã có lãi, dự báo giá cá tra tiếp tục ổn định đến cuối năm nay.
Xuất khẩu thủy sản đông lạnh của tỉnh An Giang trong 9 tháng qua đạt trên 92.500 tấn, tương đương trên 176,5 triệu USD, đạt 94,5% về số lượng và tăng 0,7 % giá trị so với cùng kỳ năm trước, do giá xuất khẩu tăng hơn...
Thị trường xuất khẩu cá tra trực tiếp qua 76 nước (bao gồm 31 nước châu Á, 21 nước châu Âu, 17 nước châu Mỹ, 3 nước châu Đại Dương và 4 nước châu Phi). Dự báo trong những tháng còn lại của năm 2017, xuất khẩu thủy sản đông lạnh của tỉnh sẽ có sản lượng và kim ngạch tăng so với những tháng trước, góp phần nâng sản lượng và kim ngạch xuất khẩu thủy sản cả năm 2017 tăng cao so cùng kỳ.
Theo thống kê của Tổng cục Thuỷ sản, cá tra là đối tượng nuôi nước ngọt phổ biến ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đồng thời là sản phẩm chủ lực của ngành thuỷ sản Việt Nam sau con tôm. Diện tích nuôi cá tra toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long năm 2016 đạt khoảng 5.050 ha mặt nước, kim ngạch xuất khẩu hàng năm đạt trên 1,71 tỷ USD.
Tỉnh An Giang là vùng nuôi cá tra tập trung của vùng, với diện tích mặt nước nuôi cá tra hàng năm đạt khoảng 1.295 ha. Cũng như các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long, tỉnh An Giang hiện nay cũng gặp nhiều khó khăn do tác động của biến đổi khí hậu, tình trạng hạn mặn, rào cản kỹ thuật của nhiều nước trên thế giới, giá cả cá tra xuất khẩu thất thường không ổn định...
Theo ông Trần Đắc Mậu, Chánh Văn phòng Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh An Giang, thống kê đến nay trên địa bàn tỉnh An Giang có 16 doanh nghiệp với 22 nhà máy chế biến cá tra hoạt động, đạt tổng công suất thiết kế là 290.000 tấn thành phẩm/ năm. Số lượng các nhà máy phân bổ trên địa bàn theo vùng nguyên liệu như thành phố Long Xuyên, huyện Châu Phú, Thoại Sơn và Châu Thành.
Trong đó tại thành phố Long Xuyên là địa bàn tập trung phần lớn các nhà máy chế biến cá tra của tỉnh An Giang, với 16 nhà máy, công suất là 216.000 tấn thành phẩm/ năm. Trình độ công nghệ các nhà máy chế biến cá tra tương đối hiện đại, máy móc thiết bị được lắp đặt đồng bộ của các hãng chuyên ngành nổi tiếng của Nhật Bản, Đức, Mỹ, Đan Mạch…nên sản phẩm có thể cạnh tranh và xuất khẩu vào các thị trường khó tính trên thế giới.
Đồng thời sản phẩm cá tra xuất khẩu của tỉnh An Giang đã được các doanh nghiệp đăng ký quản lý chất lượng sản phẩm theo các tiêu chuẩn quốc tế, nên sản phẩm chế biến đã được xuất khẩu đi nhiều thị trường trên thế giới như Mỹ, EU, Mexico, Australia, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Canada.
Để phát triển nuôi cá tra xuất khẩu một cách bền vững, tỉnh An Giang đã từng bước phát triển mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm, liên kết từ nuôi trồng, chế biến đến xuất khẩu.
Trong chuỗi liên kết vai trò của doanh nghiệp đầu tư được phát huy trong việc cung cấp con giống tốt cho người nuôi, đảm bảo thu mua cá tra nguyên liệu theo giá thỏa thuận và chế biến, xuất khẩu.
Từ đó sẽ làm giảm nguy cơ rủi ro cho người nuôi cá, giảm các mối nguy về mất cân đối cung cầu, đảm bảo người nuôi cá có lãi. Đặc biệt là sản phẩm cá tra nguyên liên sản xuất theo chuỗi liên kết sẽ dễ dàng kiểm tra, kiểm soát về các tiêu chuẩn bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, sản phẩm chế biến có thể truy xuất nguồn gốc đến người nuôi cá và các ao hồ nuôi cá tra.
Trong phương hướng phát triển nuôi cá tra bền vững, yếu tố con giống cá tra tốt có ý nghĩa lớn đối với người nuôi, vùng nuôi. Từ đầu nam đến nay, Trung tâm giống thủy sản An Giang đã cung cấp cho người nuôi trong và ngoài tỉnh trên 739 triệu con giống cá tra, tăng 11,3% so cùng kỳ. Thị trường con giống cá tra đã ổn định do không còn hiện tượng thiếu hụt.
Giá con giống cá tra kích cỡ 2,5 cm có giá 1.250 đồng/con, loại cá giống cỡ 2 cm, giá 850 đồng/con, giá cá tra giống ổn định so với năm trước.
UBND Tỉnh An Giang đã trình Chính phủ đề án “Liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long tại An Giang.
Định hướng chung nhằm cung cấp con giống chất lượng cao theo hướng liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp, từng bước đáp ứng đủ về nhu cầu con giống cá tra có chất lượng tốt cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long, góp phần tái tạo ngành hàng cá tra theo hướng bền vững và chuỗi ngành hàng cá tra Việt Nam sẽ được kiểm soát chặt chẽ từ khâu đầu tiên đến khâu cuối cùng trong chuỗi sản xuất cá tra Việt Nam.
Mục tiêu đến năm 2020 diện tích tham gia chuỗi có 1.000 ha, đạt 50% diện tích ương giống cá tra khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, và cung cấp trên 1,75 tỷ con giống cá tra chất lượng tốt cho An Giang và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, chiếm 50% nhu cầu giống cá tra cho toàn vùng.
Tỉnh An Giang có 3 vùng sản xuất, ương dưỡng giống cá tra 3 cấp vùng Đồng bằng sông Cửu Long đặt tại huyện Châu Phú, Thành phố Long Xuyên và Thị xã Tan Châu, với quy mô diện tích là 350 ha.
Xây dựng trung tâm sản xuất giống cá tra chất lượng cao tỉnh An Giang, với đàn cá tra Bố mẹ sinh sản đạt số lượng 10.000 con, và đàn cá tra hậu bị có 15.000 con, tham gia sản xuất cá tra bột chất lượng cao đạt 10 tỷ con cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long vào năm 2020, góp phần vào sự phát triển bền vững của nghề nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu cá tra của của tỉnh An Giang nói riêng, và của cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung.
(Theo BNews)