Việc phát triển ồ ạt hàng trăm ha ao nuôi cá tra giống tại huyện Tân Hưng, tỉnh Long An dễ dẫn đến việc mất cân đối cung cầu và phát sinh dịch bệnh.
Bà Tư Phượng ở ấp Gò Pháo, xã Hưng Điền B, huyện Tân Hưng, Long An đang lo lắng tất bật bên ao cá tra giống của mình. Đây là ngày thứ 10, bà Phượng phải làm một việc bất đắc dĩ là rứt ruột đổ đi hàng trăm ký cá đã hơn 2 tháng tuổi, dẫu biết số cá đó bây giờ là công sức và vốn liếng.
Cách đây 6 tháng, thấy nông dân xung quanh đào ao ương cá tra bột bán giống có lời, bà Tư Phượng cũng thuê máy móc đào 1 ha để thả nuôi. Và vụ đầu tiên bà thu lời trên 200 triệu đồng.
Tuy nhiên, đó cũng là tất cả những gì bà thu được từ việc chạy theo mọi người nuôi cá tra. Bởi vụ này bà Phượng thả nuôi 2 ha, nhưng khi cận kề ngày thu hoạch thì đột nhiên, ao cá đã đầu tư trên 200 triệu đồng của bà phát bệnh. Chỉ trong 10 ngày, trên diện tích 1 ha bà phải vớt đổ đi đến hơn 1 tấn cá chết. Hai ha còn lại có nguy cơ lỗ nặng.
Bà Phượng buồn bã cho biết, thấy người ta nuôi cá có lời, gia đình cũng nuôi theo. Ban đầu có lãi nhưng đến vụ sau này nó lỗ.
Tại huyện Tân Hưng, tỉnh Long An, tính đến đầu tháng 8, đã có trên 1.000 ha đất lúa được chuyển sang nuôi cá tra giống, với trên dưới 800 hộ nuôi. Trong số này có đến khoảng trên 600 hộ có cùng hoàn cảnh như bà Tư Phượng.
Theo số liệu mới nhất, hiện có đến 80% diện tích bị nhiễm các loại bệnh như: “gan thận mủ” và “bệnh xuất huyết”, “trắng gan”, “trắng mang” gây thiệt hại ở nhiều mức độ khác nhau, trong đó có trên trên 300 ha bị mất trắng.
Thiệt hại về kinh tế hiện vẫn chưa kể hết. Hậu quả này được xác định là do bà con phát triển ruộng nuôi tràn lan, mất kiểm soát nguồn nước, trong khi người chưa chuẩn bị đủ kiến thức cần thiết để chăm sóc con cá tra giống, nhưng phần lớn lại thả với mật độ rất dày, tức cao hơn khuyến cáo từ 2-3 lần.
Đại diện lãnh đạo Hội Nông dân thị trấn Tân Hưng cho biết: “Nước của ao nhà này xả ra thì nhà khác bơm lên gây ô nhiễm nguồn nước, từ đó phát sinh bệnh. Những người mới nuôi, không am hiểu thuốc men và bệnh nên không biết cách trị bệnh cho cá.”
Nhu cầu con giống cá tra hiện tại chỉ cần trên 600 ha là đủ cung cấp, trong khi chỉ riêng tỉnh Long An đã có trên 1.300 ha. Sự chênh lệch cung cầu này còn dẫn đến một nguy cơ khác đó là mất giá. Nguy hiểm hơn, dù rất nhiều ao nuôi đã phải vớt cá đổ đi, nhưng nhiều ao nuôi cá mới vẫn tiếp tục được hình thành.
Ông Phạm Phú Hùng, PGĐ Trung tâm Khuyến nông tỉnh Long An khuyến cáo: “Bà con nên bình tĩnh, không nóng vội mà sản xuất nhiều vụ liên tục rất dễ rủi ro về dịch bệnh. Cần chọn thời điểm thích hợp, cố gắng tìm mối liên kết đầu ra để khi sản xuất có nơi tiêu thụ và giá ổn định”
Đó là những giải pháp mà sau này bà con nông dân sẽ phải làm, nếu không muốn trả giá đắt trong sản xuất con cá tra giống. Thế nhưng, với những gì đã và đang diễn ra thì rõ ràng nông dân tại huyện Tân Hưng nói riêng và tỉnh Long An nói chung đang phải trả giá nặng nề cho những hệ lụy do việc nuôi cá tra tràn lan và tự phát dù đã được cảnh báo liên tục trước đó.
(Theo VOV)