Ngành chức năng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát môi trường, kịp thời phát hiện và xử lý các nguồn xả thải, đặc biệt tại các vùng nuôi, sản xuất giống tập trung; tăng cường phổ biến thông tin thị trường và các rào cản kỹ thuật cho người nuôi; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại và phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm cá tra, bao gồm thị trường nội địa.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Tây Ninh, tình hình sản xuất giống và thương phẩm cá tra trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng bởi thị trường trong nước nhưng không có biến động lớn; không có tình trạng tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất lúa sang đào ao ương, nuôi cá tra không theo quy hoạch của địa phương hay sử dụng đàn cá bố mẹ kém chất lượng để sinh sản, ương, nuôi.
Về cá tra thương phẩm, hiện trên địa bàn tỉnh chỉ nuôi tập trung tại khu vực nguyên liệu của Công ty TNHH Công nghệ thực phẩm miền Ðông (Trảng Bàng) với diện tích nuôi 32,4ha, sản lượng từ 3.000 - 4.000 tấn/năm.
Thời điểm từ cuối năm 2017 đến nay, giá cá tra nguyên liệu, cá tra giống tăng cao và ổn định, người nuôi cá có lợi nhuận khá. Nhu cầu cá giống tăng dẫn đến tình trạng doanh nghiệp, người dân ở một số địa phương trong nước tự phát ương, nuôi cá tra ồ ạt; nhiều trường hợp tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất lúa sang đào ao ương, nuôi cá tra không theo quy hoạch của địa phương; sử dụng đàn cá bố mẹ kém chất lượng để sinh sản, ương, nuôi dù họ chưa được tập huấn về kỹ thuật, thiếu kinh nghiệm sản xuất; chưa có liên kết để tiêu thụ sản phẩm… Tình trạng trên dẫn đến nguy cơ làm giảm hiệu quả sản xuất, gây mất cân bằng cung - cầu của ngành hàng cá tra.
Bên cạnh đó, một số người dân ở cặp kênh thuỷ lợi TN17 thuộc hệ thống thuỷ lợi hồ Dầu Tiếng - Phước Hoà sản xuất cá tra giống với diện tích ương nuôi khoảng 20 ha. Do có đầu ra cho sản phẩm nên không xảy ra hiện tượng ùn ứ, dư thừa nguồn cá giống. Tuy nhiên, theo thông tin từ người sản xuất, sản lượng cá giống không cao do nhiều yếu tố bất lợi ảnh hưởng.
Chủ cơ sở cá giống Hai Sương ở ấp Suối Muồn (xã Thái Bình, huyện Châu Thành) cho biết, năm nay, giá cá tra tăng nhưng sản lượng nuôi tại cơ sở không cao do quá trình nuôi gặp nhiều rủi ro, lượng cá bị hao hụt nhiều.
Còn bà Ðặng Kim Xoàn (ngụ ấp Tân Phước, xã Tân Bình, TP. Tây Ninh) cho biết, trước đây, gia đình bà có ương cá tra bột một thời gian nhưng do giá bán thấp nên chuyển sang nuôi các loại cá khác như diêu hồng, trắm cỏ, cá chép… Hơn năm nay, cá tra được giá nên bà tái nuôi với diện tích khoảng 3ha, gồm 6 ao. Bà ương cá bột thành cá hương (1.000 con/kg), thời gian nuôi hơn 1 tháng là có thể bán. Giá cá giống hiện nay khoảng 180.000 - 200.000 đồng/kg (loại 1.000 con/kg), chủ yếu bán cho thương lái ở miền Tây.
Theo bà Xoàn, cá tra có chi phí đầu tư cao, bình quân 1 ao (6 công đất) tốn khoảng 100 triệu đồng mà hiệu quả rất bấp bênh. Vụ vừa rồi, bà nuôi 6 ao nhưng cá đột nhiên chết hết nên bà mất trắng. Theo bà Xoàn, nguyên nhân một phần là do chất lượng nguồn nước kênh Tây hiện nay không bảo đảm an toàn cho nuôi trồng thuỷ sản. Trước đây, nguồn nước tốt nên bà lấy thẳng vào ao nuôi cá, đợt này bà phải sử dụng 1 ao hầm để đưa nước từ kênh vào xử lý rồi mới dám đưa nước qua hầm nuôi cá.
Theo Hội Nông dân xã Tân Bình (TP. Tây Ninh), thời gian gần đây, giá cá tra tăng nên một số nông dân trên địa bàn- chủ yếu ven kênh Tây chuyển sang ương, nuôi cá tra, phần lớn là ương cá giống bán, còn cá thương phẩm rất ít.
Ðể quản lý tốt hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo đảm sự phát triển ổn định của ngành hàng cá tra trong năm 2018 và các năm tiếp theo, mới đây, UBND tỉnh đã ban hành công văn chỉ đạo tăng cường công tác quản lý trong sản xuất cá tra đối với các ngành, địa phương có liên quan.
Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu Sở NN&PTNT phối hợp các ngành tiếp tục thực hiện việc đẩy mạnh tái cơ cấu, tổ chức sản xuất theo hướng hợp tác và liên kết theo chuỗi giá trị, áp dụng công nghệ tiên tiến để nâng cao chất lượng, giá trị của sản phẩm và hiệu quả sản xuất.
Cụ thể, cơ quan chuyên môn tiếp tục hướng dẫn người nuôi áp dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến, nuôi rải vụ, thả nuôi với mật độ phù hợp trong ương, nuôi cá tra; chỉ sử dụng thuốc, hoá chất trong danh mục được phép lưu hành khi cần thiết và theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất hoặc cán bộ kỹ thuật; không sử dụng các loại thuốc, hoá chất không có trong danh mục được phép lưu hành.
Ngành chức năng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát môi trường, kịp thời phát hiện và xử lý các nguồn xả thải, đặc biệt tại các vùng nuôi, sản xuất giống tập trung; tăng cường phổ biến thông tin thị trường và các rào cản kỹ thuật cho người nuôi; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại và phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm cá tra, bao gồm thị trường nội địa.
Song song đó, các ngành, địa phương cần tăng cường công tác vận động, tuyên truyền, hỗ trợ xây dựng các mô hình hợp tác để tạo thành các vùng sản xuất tập trung, khuyến khích phát triển các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị; chỉ thả nuôi cá tra khi đã xác định được địa chỉ đầu ra hoặc có liên kết với doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ.
(Theo báo Tây Ninh)