Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), 10 tháng đầu năm 2018, xuất khẩu thủy sản ước đạt 7,24 tỷ USD, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm trước. Dự báo giá tôm và cá tra trong nước của Việt Nam có thể tăng do nhu cầu xuất khẩu cao vào cuối năm 2018.
Giá trị xuất khẩu thủy sản tháng 10 năm 2018 ước đạt 873 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu thủy sản 10 tháng đầu năm 2018 ước đạt 7,24 tỷ USD, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm 2017. Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc là 4 thị trường xuất khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2018, chiếm 54,5% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản. Trong 9 tháng đầu năm 2018, các thị trường có giá trị xuất khẩu thủy sản tăng mạnh là Anh (tăng 20,3), Thái Lan (tăng 16,9%), Hà Lan (tăng 15,8%), Hàn Quốc (tăng 13,1%), Úc (tăng 12,7%) và Đức (tăng 10,6%).
Ở chiều ngược lại, giá trị nhập khẩu mặt hàng thủy sản tháng 10/2018 ước đạt 141 triệu USD, đưa tổng giá trị thủy sản nhập khẩu 10 tháng đầu năm 2018 đạt 1,4 tỷ USD, tăng 21,6% so với cùng kỳ năm 2017. Năm thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất trong 9 tháng đầu năm 2018 là Ấn Độ, Nauy, Trung Quốc, Đài Loan và Nhật Bản chiếm thị phần lần lượt là 21,5%,10,3%, 6,8%, 6,5% và 6,4%. Trong 9 tháng đầu năm 2018 giá trị nhập khẩu thủy sản tăng ở hầu hết các thị trường chính ngoại trừ Trung Quốc (giảm 5,5%). Trong đó, giá trị nhập khẩu thủy sản tăng mạnh nhất là Indonesia (tăng 95,7%), Nauy (tăng 61,9%) và Hàn Quốc (tăng 57,2%).
Theo Hiệp hội Nuôi trồng Thủy sản Ấn Độ, sản lượng tôm của Ấn Độ năm 2017 đạt 600 nghìn tấn, tuy nhiên sản lượng năm 2018 dự kiến sẽ giảm mạnh. Nguyên nhân do giá tôm đầu năm 2018 thấp dẫn đến số lượng lớn người dân thả muộn hoặc không tiếp tục thả nuôi tôm; thêm vào đó dịch bệnh đốm trắng dẫn đến sản lượng tôm của Ấn Độ dự kiến giảm từ 15-20% so với năm 2017. Hoa Kỳ là nước tiêu thụ 33% tôm của Ấn Độ, kể từ tháng 9 bắt đầu gia tăng thu mua tôm để phục vụ nhu cầu dịp Giáng sinh.
Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản dự báo, trong thời gian tới, xuất khẩu tôm Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội hơn tại thị trường này, khi xung đột thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc chưa có dấu hiệu giảm căng thẳng. Đồng thời, với việc Hoa Kỳ giảm thuế nhập khẩu đối với tôm và cá tra của Việt Nam, Trung Quốc cũng hạ thuế nhập khẩu thủy sản từ các nước ASEAN để đáp ứng nhu cầu nội địa. Dự báo giá tôm và cá tra trong nước của Việt Nam có thể tăng do nhu cầu xuất khẩu cao vào cuối năm.
Cũng theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, đối với thị trường trong nước, giá cá tra nguyên liệu tại đồng bằng sông Cửu Long trong tháng 10 tiếp tục xu hướng tăng so với tháng trước, mức giá trung bình hiện trong khoảng 34.500-35.500 đ/kg (cá loại I, 700-900g/con), có lúc đạt đến 36.000 đ/kg tại các vùng sản xuất như An Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp…, tăng khoảng 3.000 đ/kg so với tháng trước, xác lập mức kỷ lục cao nhất trong 10 năm qua. Với mức giá này, nông dân nuôi cá tra thu lãi từ 7.000 – 10.000 đ/kg. Giá cá tra tăng cao liên tục trong hơn 1 tháng qua do nguồn cá nguyên liệu phục vụ cho chế biến xuất khẩu đang bị thiếu hụt. Vùng cá nguyên liệu tự thả nuôi của các doanh nghiệp không còn nhiều nên các doanh nghiệp buộc phải ra bên ngoài tìm mua cá tra của nông dân, đẩy giá tăng cao để thu mua.
Về thị trường tôm nguyên liệu trong tháng có xu hướng tăng giá nhẹ đối với tôm sú ướp đá và chững giá với tôm thẻ chân trắng, nguồn cung nguyên liệu giảm dần do đang là vụ nghịch nuôi tôm. Tại Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng, Bến Tre, tôm sú ướp đá nguyên liệu cỡ 20-40 dao động 165.000-210.000 đ/kg, tăng khoảng 10.000 đ/kg so với tháng trước. Giá tôm thẻ ướp đá chững giá cho các cỡ từ 50-100 con/kg: cỡ 50 con/kg: 120.000-125.000 đ/kg, cỡ 70 con/kg: 100.000-105.000 đ/kg, cỡ 100 con/kg 87.000-89.000 đ/kg. Giá tôm trên thế giới gần đây đã có xu hướng phục hồi kéo giá tôm trong nước tăng lên. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp chế biến xuất khẩu của Việt Nam đã ký kết được các đơn hàng lớn phục vụ các dịp lễ quan trọng cuối năm nay.
(Theo Bộ Công Thương)