Nhiều hệ lụy khó lường từ việc nuôi cá tra tự phát

Tại nhiều nơi ở vùng ĐBSCL, nông dân đã ồ ạt đào ao để nuôi cá tra, ngay cả trong vùng chuyên canh trồng lúa, gây nhiều hệ lụy khó lường.

Thống kê của ngành chức năng tỉnh Đồng Tháp cho thấy, từ đầu năm 2018 đến nay, có hơn 100ha đất lúa bị người dân đào ao nuôi cá tra. Nguyên nhân là do giá cá tra từ giữa năm 2017 đến nay luôn ở mức cao. Không chỉ ở tỉnh Đồng Tháp, tình trạng đào ao nuôi cá trong vùng chuyên canh lúa cũng diễn ra rầm rộ ở tỉnh Long An

Cuối tháng 3 vừa qua, Bộ NN&PTNT đã có công văn gửi các địa phương trọng điểm nuôi cá tra ở ĐBSCL để cảnh báo tình trạng người dân đào ao nuôi cá tra trong vùng chuyên canh trồng lúa. Các địa phương khẳng định sẽ mạnh tay với những hộ tự ý đào ao nuôi cá. Tuy nhiên, thực tế lại khác.

Trở lại thời điểm khoảng năm 2000, tại vùng ĐBSCL cũng từng xảy ra "cơn sốt" đào ao nuôi cá tra. Tuy nhiên, chỉ được vài năm, việc diện tích cá tra tăng nhanh đã dẫn đến dư thừa nguồn nguyên liệu, khiến giá cá tra xuống thấp. Để tránh lặp lại tình trạng này, bà con nên tỉnh táo trước thông tin giá cá tra tăng đột biến như hiện nay.

Không chỉ có nguy cơ dư thừa nguồn cá nguyên liệu, việc người dân ồ ạt mở rộng diện tích còn dẫn đến nguy cơ ô nhiễm môi trường. Ngay tại tỉnh Đồng Tháp, một trong hai vùng có diện tích nuôi cá tra tự phát lớn ở ĐBSCL, tình trạng ô nhiễm môi trường đã đến mức báo động vì nước thải từ các ao nuôi cá.

Dự kiến vào ngày 26/4, Bộ N&PTNT sẽ cử một đoàn công tác đến kiểm tra tình trạng đào ao nuôi cá trong vùng quy hoạch trồng lúa ở một số địa phương vùng ĐBSCL. Bên cạnh đó, người dân cần bình tĩnh trước mức giá tăng cao của con cá tra. Việc ồ ạt mở rộng diện tích có thể sẽ phải trả giá như đã từng xảy ra như trước đây.

(Theo VTV)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục