Nhờ xuất khẩu tăng, giá cá tra trong nước lên cao kỷ lục, người nuôi có lãi sau nhiều năm thua lỗ nặng
Nông dân nuôi cá tra ở ĐBSCL vừa có một cái Tết sung túc. Năm nay được xem là sự trở lại của ngành cá tra do giá nguyên liệu tăng cao, người nuôi phấn khởi.
Nhiều người trả được nợ
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2017, tổng diện tích nuôi cá tra ở ĐBSCL đạt 6.078 ha, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước; tổng sản lượng thu hoạch tăng 5,4%, đạt 1,25 triệu tấn. Trong đó, 3 địa phương có diện tích nuôi lớn nhất cả nước là Đồng Tháp, An Giang và Cần Thơ có sản lượng cá tăng lần lượt là 6%, 5,9% và 6,4%.
Năm 2016, giá cá tra trồi sụt thất thường, có thời điểm chỉ còn 18.000-19.000 đồng/kg, người nuôi lỗ nặng. Lo ngại giá thấp như năm trước, từ đầu năm 2017, người nuôi sản xuất cầm chừng hoặc không thả nuôi. Trong khi đó, thị trường Trung Quốc tăng cường mua các loại cá từ 750-800 g khiến cá nguyên liệu thiếu hụt trong quý I/2017. Từ đó, giá cá tại nhiều địa phương bắt đầu tăng mạnh. Đến trước Tết Mậu Tuất 2018, giá cá chạm mốc 29.000-31.500 đồng/kg, người nuôi lãi đậm.
Ông Trương Văn Phú - Phó Phòng Kinh tế quận Ô Môn, TP Cần Thơ - nhận định: "Với giá cá tra tại địa phương 27.000- 29.000 đồng/kg, người nuôi cá lãi nhiều".
Ông Nguyễn Mạnh Tường - một người nuôi cá tra nhiều năm tại phường Phước Thới, quận Ô Môn - đã ngán ngẩm từ lâu khi giá cá luôn dưới 20.000 đồng/kg, trong khi chi phí sản xuất từ 20.000-22.000 đồng/kg. "Tôi cầm cố đất đai vay vốn ngân hàng để bám trụ nghề nuôi cá tra. May mắn là nhiều tháng nay, giá cá tăng lên 29.000 đồng/kg, trung bình lãi 7.000 đồng/kg. Số cá tôi nuôi không đủ bán cho công ty. Nhờ vậy, năm nay tôi có tiền trả nợ ngân hàng" - ông Tường nói.
Ông Nguyễn Hữu Nguyên - Giám đốc HTX Nuôi cá tra huyện Châu Phú, tỉnh An Giang - cho biết năm nay, hầu hết người nuôi cá tra ăn Tết lớn nhờ trúng giá sau nhiều năm lận đận với con cá da trơn này. Trong năm 2016, giá cá tra nguyên liệu được các doanh nghiệp (DN) thu mua ở mức rất thấp, có khi dưới 18.000 đồng/kg, người nuôi cầm chắc lỗ không dưới 3.000 đồng/kg nên đa số phải bỏ cuộc, nguồn cá tra nguyên liệu cạn kiệt dần.
Cũng chính vì sự thiếu hụt nghiêm trọng này mà giá cá tra nguyên liệu mới nhích dần lên trong 6 tháng đầu năm 2017 ở mức 23.500 đồng/kg. Thấy có lợi nhuận, nhiều người tranh thủ thu hoạch cá bán cho DN với mong muốn kiếm được chút lãi và trả nợ ngân hàng, đại lý thức ăn chăn nuôi. Từ đó, cá nguyên liệu tiếp tục cạn nguồn cung, buộc DN phải đẩy giá thu mua lên cao để có hàng chế biến xuất khẩu.
Thiếu cá giống trầm trọng
Trong khi đó, nguồn cá tra giống cho vụ mùa kế tiếp thì lại khan hiếm nên giá cá nguyên liệu tăng tiếp, xác lập kỷ lục mới với mức gần 30.000 đồng/kg vào cuối năm.
Theo Tổng cục Thủy sản, năm 2017, xuất khẩu cá tra ở các thị trường truyền thống như Mỹ và EU có sự sụt giảm mạnh từ 11% đến hơn 22% do bị bôi nhọ hoặc rào cản lớn từ thuế chống phá giá và chương trình thanh tra cá da trơn. Tuy nhiên, DN xuất khẩu đã kịp thời chuyển dịch mạnh mẽ sang thị trường mới như Trung Quốc, Brazil, Mexico, ASEAN... Trong năm 2017, xuất khẩu cá tra đạt giá trị xấp xỉ 1,788 tỉ USD, tăng 4,3% so năm 2016. Trong đó, thị trường Trung Quốc đạt hơn 410 triệu USD (tăng 34,8%) và đã trở thành thị trường lớn nhất của cá tra Việt Nam (chiếm tỉ trọng 23%).
Bà Võ Thị Thu Hương, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Cá tra Việt Nam, đánh giá: "Giá cá tra tăng cao trước Tết là do thiếu hụt nguyên liệu, nguồn cá giống khan hiếm và thị trường Trung Quốc hút hàng. Tuy nhiên, vẫn phải giữ thị trường Mỹ và EU. Vì nếu chỉ dựa vào thị trường Trung Quốc, khi 2 thị trường truyền thống gặp khó khăn thì giá cá sẽ không tốt như bây giờ".
Thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu cá tra trong tháng 1-2018 có xu hướng tăng mạnh với gần 19%, đạt 142 triệu USD.
Ông Nguyễn Hữu Nguyên cho rằng xuất khẩu cá tra trong năm nay đã có nhiều tín hiệu khởi sắc nhưng người nuôi đang lo lắng vì rất khó tìm mua được cá giống để thả nuôi mới. Những người làm nghề ươm cá giống đã nắm bắt được nhu cầu này nhưng họ cũng bất lực do ảnh hưởng thời tiết, tỉ lệ cá giống chết quá cao. Vào thời điểm này của những năm trước, tỉ lệ cá giống hao hụt ít hơn so với hiện nay. Do vậy, người nuôi phải đợi đến tháng 3-4 âm lịch mới có thể có cá giống để thả nuôi và mất thêm 4 tháng nữa mới có cá nguyên liệu cho DN chế biến xuất khẩu.
Cẩn trọng với mở rộng diện tích nuôi
Theo ông Nguyễn Hữu Nguyên, hiện thị trường Mỹ và EU vẫn chưa có tín hiệu khả quan trở lại và chủ yếu phụ thuộc vào Trung Quốc. Có thể giá cá tra nguyên liệu tiếp tục được giữ vững như hiện nay nhưng sau đó có khả năng sẽ giảm mạnh do có nhiều người tham gia thả nuôi.
(Theo NLĐ)