Mối nguy mới cho cạnh tranh của ngành cá tra

Tại hội nghị “Sơ kết sản xuất, tiêu thụ cá tra và triển khai đề án giống cá tra 3 cấp” được tổ chức ở tỉnh An Giang mới đây, ông Như Văn Cẩn, Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản thuộc Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho rằng thời gian tới, ngành cá tra Việt Nam sẽ bị cạnh tranh gay gắt khi một số nước đã và đang đẩy mạnh sản xuất loại thủy sản này.

Mất thế “độc quyền”, không thể không lo

Cụ thể, ông Cẩn cho biết sản lượng nuôi cá tra tại Ấn Độ hiện đã đạt 650.000 tấn/năm, Bangladesh 450.000 tấn, Indonesia 110.000 tấn. “Đặc biệt, có thông tin cho biết Trung Quốc đã ứng dụng công nghệ nuôi mới và nuôi thành công”, ông nói.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết hiện Trung Quốc cũng đã nuôi và thu hoạch được 10.000 tấn cá tra ở đảo Hải Nam.

Theo ông Hòe, nếu xét về mặt cạnh tranh trực tiếp trong xuất khẩu với các nước này thì ngành cá tra Việt Nam không quá đáng lo, nhưng khả năng khai thác thị trường ở các nước này sẽ giảm đi. Khi đó, một số thị trường mà Việt Nam “nhắm đến” có thể bị hạn chế. “Việc xuất khẩu thời gian tới sẽ có sự thay đổi mạnh”, ông Hòe dự báo.

Trao đổi với TBKTSG, ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội cá tra Việt Nam (VINAPA), cho biết tổng sản lượng cá tra của các nước Ấn Độ, Bangladesh, Indonesia và Trung Quốc hiện đã tương đương mức 1,3 triệu tấn của Việt Nam, nhưng năng suất trên cùng diện tích của họ còn hạn chế do họ mới ở giai đoạn đầu phát triển. Tuy nhiên, cần nhận ra rằng ngành cá tra Việt Nam đã không còn “một mình một chợ”, muốn tiếp tục phát triển, cần phải có những sản phẩm khác biệt và chất lượng vượt trội trên thị trường xuất khẩu.

Theo ông Quốc, trải qua 20 năm, tuy ngành cá tra Việt Nam đã có sự phát triển về quy mô diện tích nuôi, năng suất thu hoạch, thị trường tiêu thụ, kim ngạch xuất khẩu, nhưng về trình độ công nghệ và độ đa dạng sản phẩm thì vẫn còn nhiều hạn chế. Hiện chỉ có 2% kim ngạch xuất khẩu là từ các sản phẩm giá trị gia tăng.

Tại hội nghị nêu trên, bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần tập đoàn Thủy sản Vĩnh Hoàn, cho biết ở các nước trong khu vực, việc sản xuất cá tra thu hút sự đầu tư của các tập đoàn lớn do sức hấp dẫn của thị trường tiêu thụ, nhất là khi họ nhìn thấy giá cá tra xuất khẩu của Việt Nam có lúc đạt tới 30.000-32.000 đồng/ki lô gam. “Điểm xuất phát của người ta không phải là các doanh nghiệp nhỏ, lẻ mà là các tập đoàn lớn, dẫn đầu là các tập đoàn sản xuất thức ăn”. Theo bà Khanh, đây là những tập đoàn có đủ năng lực tạo ra nhu cầu thị trường đối với sản phẩm của họ, và “đây cũng là mối nguy cho sự cạnh tranh của ngành cá tra Việt Nam mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã nhận diện được”, bà nói. Bà Khanh cho rằng muốn phát triển bền vững, ngành cá tra Việt Nam thì phải liên tục tạo được sự khác biệt trên thị trường xuất khẩu.

Áp lực bên ngoài là động lực giúp tái cấu trúc ngành

“Điểm xuất phát của người ta không phải là các doanh nghiệp nhỏ, lẻ mà là các tập đoàn lớn, đây là những tập đoàn có đủ năng lực tạo ra nhu cầu thị trường đối với sản phẩm của họ, và “đây cũng là mối nguy cho sự cạnh tranh của ngành cá tra Việt Nam

Ông Hòe của VASEP cho biết nhu cầu cá thịt trắng trên thế giới ngày càng tăng nên thu hút sự quan tâm thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu ở nhiều nước. Với trình độ công nghệ hiện nay, một số khó khăn đối với họ trước đây (như điều kiện thời tiết, kỹ thuật chọn tạo giống...) nay họ đã có thể giải quyết được, để phát triển sản xuất. “Đây sẽ là thách thức đối với ngành cá tra Việt Nam nếu cứ tiếp tục phát triển theo hướng mở rộng diện tích, tăng năng suất, tăng sản lượng”, ông Hòe nhận định và như bà Khanh, ông cũng cho rằng cốt lõi của sức cạnh tranh của cá tra Việt Nam trong thời gian tới nằm ở sản phẩm đạt chất lượng tốt và sự khác biệt.

Là người đứng đầu một doanh nghiệp, nhưng ông Võ Đông Đức, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Chế biến xuất nhập khẩu thủy sản Cần thơ (Caseamex), lại nhìn nhận áp lực cạnh tranh hiện nay theo tư duy tích cực. Ông cho rằng khi phải chịu áp lực từ bên ngoài, ngành cá tra không còn cách nào khác là buộc phải tái cấu trúc để tồn tại và phát triển, từ khâu nuôi cho đến chế biến, xuất khẩu, kể cả tính toán lại giá thành. “Áp lực bên ngoài sẽ giúp nâng dần trình độ cho ngành cá tra Việt Nam”, ông nói.

Quả thật, còn nhớ khi Nghị định 36 về nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra ra đời nhằm nâng cao chất lượng cá tra xuất khẩu của Việt Nam, nghị định này đã gặp phải sự phản ứng của doanh nghiệp đến nỗi sau đó đã được thay thế bằng Nghị định 55, “nới lỏng” chất lượng sản phẩm từ tỷ lệ mạ băng không quá 10% thành không quá 20%; hàm lượng ẩm từ không quá 83% thành 86%.

Nhưng hãy nhìn vấn đề từ Chương trình thanh tra cá da trơn do Mỹ áp đặt. Với chương trình này, lúc đầu, doanh nghiệp cũng kêu ca phía Mỹ đưa ra những quy định khó thực hiện và thậm chí cho rằng ngành cá tra có thể đi vào “bế tắc”. Nhưng trên thực tế, mọi thủ tục liên quan được phía Mỹ yêu cầu để công nhận tương đương cho đến thời điểm này đều đã được đáp ứng đầy đủ (đã hoàn thành năm trong sáu bước) và Mỹ đang chuẩn bị đưa ra quyết định cuối cùng để công nhận tương đương cho ngành cá tra Việt Nam trong tháng 9-2018.

Như vậy để thấy rằng những áp lực bắt buộc từ bên ngoài tạo ra động lực mạnh mẽ để ngành cá tra Việt Nam thay đổi. Sự gia tăng sản xuất cá tra từ các nước như Ấn Độ, Bangladesh, Indonesia và cả Trung Quốc được nêu ở đầu bài cũng là một kiểu áp lực bên ngoài giúp tạo động lực mới cho ngành cá tra Việt Nam tái cấu trúc, nâng sức cạnh tranh, giữ thị trường. 

(Theo TBKTSG)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục