Lo mất thương hiệu cá tra vì xuất tiểu ngạch ồ ạt

Trong 42 triệu USD cá tra xuất sang Trung Quốc tháng 1/2018 thì 44% xuất qua đường tiểu ngạch, giá trị đem về chỉ 23% so với xuất chính ngạch.

Tại hội nghị thúc đẩy sản xuất, tăng trưởng tổ chức ngày 30/3, ông Nguyễn Hoài Nam - Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, Trung Quốc đang nổi lên là thị trường xuất khẩu tỷ USD của cá tra Việt Nam bên cạnh những thị trường truyền thống Mỹ, EU. Năm 2017 xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc trên một tỷ USD, sản lượng xuất khẩu trung bình tăng 30-50% mỗi năm. Thị trường mới cho con cá tra vừa được mở ra thì song hành cùng đó là nỗi lo mất thương hiệu.

Vị này nhìn nhận, cá tra Việt Nam đã tạo dựng được thương hiệu trên toàn thế giới trong 20 năm qua, nhưng việc tăng sản lượng xuất khẩu chủ yếu qua đường tiểu ngạch sang Trung Quốc gần đây của một bộ phận thương lái làm ăn chụp giật đang khiến thương hiệu mặt hàng này bị đe dọa. 

"Tháng 1/2018 Việt Nam xuất khẩu 42 triệu USD cá tra sang thị trường Trung Quốc nhưng 44% là xuất tiểu ngạch, 56% chính ngạch. Nhiều tư nhân gom cá tra chất lượng thấp, bán giá rẻ sang Trung Quốc qua đường tiểu ngạch khiến thương hiệu có thể bị đe dọa rất lớn”, ông Nam lo lắng, đồng thời đề nghị các bộ, ngành có ngay giải pháp ngăn ngừa trước khi quá muộn. 

"Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn cần kiểm soát việc xuất hàng hóa qua đường tiểu ngạch qua biên giới trong thời gian 3 tháng; đồng thời rà soát lại các điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, gia công, chế biến xuất khẩu sang Trung Quốc để giữ thương hiệu", Phó tổng thư ký VASEP kiến nghị.

Thực tế này cũng được Bộ trưởng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường thừa nhận. "Đúng là đang có bất bình đẳng trong xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc khi chênh lệch giữa chính ngạch và tiểu ngạch lên tới vài chục phần trăm", ông nói, đồng thời kiến nghị  Phó thủ tướng cho phép tổ chức hội nghị tập trung bàn giải pháp tháo gỡ ngay trong tháng 4 tới. "Phải có giải pháp tháo gỡ ngay trước khi quá muộn", Bộ trưởng Cường dứt khoát. 

Câu chuyện cá tra xuất khẩu đang gặp không phải cá biệt, đây cũng là thực tế  của nhiều mặt hàng nông sản khác trên con đường mở rộng thị trường. "Giải pháp số 1 lúc này với các mặt hàng xuất khẩu là thị trường, thị trường và thị trường", ông nói. Cũng theo Bộ trưởng Cường các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ngành nếu dừng xuất khẩu là "chết", vì thế lúc nào cũng phải có phương án ứng phó với sự cố, bất trắc. 

Theo Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng, tình hình quý I đặt ra cho Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương nhiệm vụ rất khó khăn trong thực hiện mục tiêu tăng trưởng năm 2018. “Những khó khăn về cơ chế, chính sách, môi trường đầu tư kinh doanh tuy đã được cải thiện nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp và người dân”, Phó Thủ tướng nói. 

Trước mục tiêu GDP cả năm 6,7% và phấn đấu cao hơn, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ tái cấu trúc, đổi mới mô hình tăng trưởng.

“Chính phủ làm ở tầm Chính phủ, địa phương ở tầm địa phương, doanh nghiệp ở tầm doanh nghiệp. Tái cấu trúc phải dựa trên thị trường; gắn với ứng phó có hiệu quả với thiên tai, biến đổi khí hậu; phù hợp với điều kiện tự nhiên của từng doanh nghiệp, địa phương”, Phó Thủ tướng yêu cầu.

Nhận diện bức tranh kinh tế sẽ khó lặp lại chu kỳ "tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước" Bộ Kế hoạch & Đầu tư xây dựng và đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng hai kịch bản về tăng trưởng năm nay. Kịch bản 1 tăngtrưởng GDP năm 2018 là 6,7%, trong đó quý I tăng 7,47%, quý II là 6,83%, quý III 6,61% và quý IV 6,25%.

Kịch bản thứ 2, tăng trưởng GDP năm 2018 là 6,8%, trong đó quý I tăng 7,47%, quý II 6,86, quý III 6,72% và quý IV là 6,97%. Về cơ bản, kịch bản 2 được xây dựng bám sát theo kịch bản 1 (6,7%), trong đó chỉ thay đổi tăng trưởng của ngành công nghiệp, do xét thấy xu hướng tăng trưởng của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là khá tốt.

Trường hợp không có biến động tiêu cực lớn xảy ra, thu hút đầu tư nước ngoài khởi sắc, đăng ký doanh nghiệp tăng và đưa vào hoạt động các dự án công nghiệp chế biến, chế tạo lớn... thì mức độ đóng góp của ngành này trong tăng trưởng GDP sẽ được cải thiện vượt bậc. "Kịch bản tăng trưởng 6,8% nếu nỗ lực cũng có thể đạt được”, Thứ trưởng Lê Quang Mạnh nhấn mạnh.

(Theo VnExpress)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục