Liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý chủ trương đầu tư xây dựng đề án “Liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao cho vùng ĐBSCL tại An Giang”.

Đề án nhằm khắc phục tình trạng con giống bán trôi nổi, không thể kiểm soát, ảnh hưởng đến chất lượng thịt và tỷ lệ phi lê cá tra. Đề án do UBND tỉnh An Giang chủ trì, giao Sở NN-PTNT làm chủ đầu tư. Đơn vị tư vấn là Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản (Bộ NN-PTNT).

Chất lượng con giống sụt giảm

ĐBSCL hiện có gần 110 cơ sở cho sinh sản nhân tạo cá tra và hơn 1.850 hộ ương dưỡng cá giống, với diện tích khoảng 1.500 ha. Sản lượng cá tra bột ước đạt 16,5 tỉ con/năm, tập trung tại 3 tỉnh An Giang, Bến Tre, Đồng Tháp và TP.Cần Thơ.

Những năm gần đây, tình hình nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tra ở vùng ĐBSCL đang gặp rất nhiều khó khăn; trong đó, sự sụt giảm chất lượng con giống là thách thức không nhỏ. Theo Tổng cục Thủy sản VN, hiện công tác quản lý nhà nước về vùng ương, kỹ thuật sản xuất cá giống… vẫn chưa được coi trọng. Tỷ lệ con giống chưa được kiểm soát do bán trôi nổi trên thị trường chiếm hơn 50%. Chất lượng đàn cá bố mẹ bị thoái hóa, lai cận huyết đã xuống đến mức báo động. Chủ các cơ sở sản xuất giống ép đàn cá bố mẹ sinh sản nhiều lần trong năm khiến chất lượng cá giống không đảm bảo, ảnh hưởng đến chất lượng thịt và tỷ lệ phi lê cá tra. Ngoài ra, cơ sở hạ tầng của vùng nuôi và ương dưỡng chưa đồng bộ, chủ yếu phụ thuộc vào hệ thống thủy lợi nội đồng, hệ thống kênh…

Đáp ứng được các thị trường khắt khe

 
 

Để tạo điều kiện cho DN, Thứ trưởng Vũ Văn Tám đề nghị An Giang cũng như các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL cần chủ động tạo quỹ đất bằng cách thuê lại đất của nông dân, thực hiện chính sách dồn điền đổi thửa, sau đó cho DN thuê có thời hạn. Ngân sách T.Ư sẽ hỗ trợ xây dựng hạ tầng cho các vùng sản xuất giống tập trung ở An Giang và Đồng Tháp. Các tỉnh còn lại vận dụng nguồn ngân sách hỗ trợ đầu tư hạ tầng các vùng sản xuất giống của địa phương mình.

 

Theo đề án, tiêu chí liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao gồm: cấp 1: các viện nghiên cứu trong và ngoài nước, trường đại học và doanh nghiệp (DN) có đủ điều kiện cung cấp đàn cá tra bố mẹ tuyển chọn các tính trạng tốt để chuyển giao cho đơn vị cấp 2; cấp 2: Trung tâm giống thủy sản An Giang, trung tâm giống thủy sản cấp 1 của tỉnh, các DN có cơ sở sản xuất giống, các trại giống liên kết sản xuất, cung cấp cá tra bột; cấp 3: trung tâm giống, các DN, HTX, cá nhân, tổ hợp tác... Các vùng ương giống cá tra tập trung sản xuất, cung cấp cá giống cho nuôi thương phẩm theo liên kết chuỗi sản xuất và tiêu thụ, với sự tham gia của DN chế biến cá tra xuất khẩu làm hạt nhân của chuỗi liên kết. Vùng ương giống được DN đầu tư thức ăn và bao tiêu toàn bộ con giống của chuỗi sản xuất theo giá thỏa thuận từng thời điểm.

Mục tiêu của đề án là đến năm 2020, diện tích tham gia chuỗi liên kết đạt 1.000 ha, chiếm 50% diện tích ương giống cá tra khu vực ĐBSCL; cung cấp cho toàn vùng khoảng 50% con giống cá tra (tương đương 1,75 tỉ con giống); đến năm 2025 cung cấp 70% con giống (tương đương khoảng 2,8 tỉ con giống).

Theo ông Nguyễn Văn Công, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Tháp, con giống sạch bệnh sẽ mang lại hiệu quả trong quá trình nuôi, nâng cao chất lượng và thương hiệu sản phẩm cá tra. Đề án ra đời thực sự là mong muốn chung của người làm con giống, người nuôi cá tra thương phẩm và các cơ quan nhà nước.

Phát biểu tại hội thảo lấy ý kiến góp ý cho đề án vừa được tổ chức tại An Giang, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám nhận định: “Hiện nay chưa có vai trò của DN với con cá tra trong khâu đầu vào, điều này đã đi ngược quy trình so với con tôm. Vì vậy, DN cần tham gia quyết liệt trong đột phá khâu con giống, góp phần xây dựng thương hiệu cá tra, thích ứng được các thị trường khắt khe nhất như thị trường Mỹ…”.

(Theo báo Thanh Niên)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục