Khi Đề án liên kết sản xuất (SX) giống cá tra 3 cấp chất lượng cao vùng ĐBSCL do tỉnh An Giang chủ trì triển khai (gọi tắt là Đề án giống cá tra 3 cấp) đi vào vận hành trơn tru, khâu yếu nhất và quan trọng nhất của ngành cá tra (con giống chất lượng) sẽ được giải quyết. Vấn đề còn lại là quản lý tốt quy trình nuôi cá tra thương phẩm, liên kết SX và tiêu thụ, phát huy vai trò của hiệp hội ngành hàng để giữ vững giá trị cá tra xuất khẩu (XK).
Đột phá sản xuất giống
Tại cù lao Vĩnh Hòa (ấp Vĩnh Bường, xã Vĩnh Hòa, TX. Tân Châu), sau khi được UBND tỉnh cấp 100ha đất, Tập đoàn Việt - Úc (TP. Hồ Chí Minh) nhanh chóng triển khai dự án nuôi cá tra giống theo hướng công nghệ cao. Ông Lương Thanh Văn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Việt - Úc, cho biết, dù mới bắt đầu chuyển sang lĩnh vực cá tra giống nhưng với 17 năm kinh nghiệm trong ngành SX tôm giống (Việt - Úc cung cấp 15 tỷ con tôm giống/năm, chiếm 25% thị phần Việt Nam), tập đoàn đã nhận chuyển giao công nghệ của Úc để SX theo hướng mới. “Chúng tôi đã trăn trở với ngành cá tra giống nhiều năm nay khi giá con giống lúc thì lên 3.000 - 4.000 đồng, lúc xuống còn 700 - 800 đồng/con. Việc thả nuôi con giống ngoài trời khiến số lượng hao hụt lớn (do bị chim, cá và các con vật khác tấn công), khi vận chuyển bằng xuồng đục lại dễ lây nhiễm bệnh từ nguồn nước dưới sông. Tập đoàn Việt - Úc đang triển khai chương trình nuôi trong nhà, vừa giúp giảm tối đa tỷ lệ hao hụt, vừa chủ động được thời tiết, nhiệt độ nên không lo ảnh hưởng bởi nắng, mưa, nóng, lạnh, có thể SX, cung ứng giống quanh năm, đồng thời quản lý được khâu vận chuyển. Tuy chi phí đầu tư nuôi trong nhà khá lớn nhưng hiệu quả tốt và bền vững hơn” - ông Văn đánh giá. Tuy nhiên, theo Chủ tịch Tập đoàn Việt - Úc, trong SX giống cá tra, muốn ổn định lâu dài Nhà nước phải làm đầu mối để các doanh nghiệp (DN) liên kết lại. “DN phải làm chung với nhau, mỗi người lo 1 khâu thì hiệu quả mới cao hơn” - ông Văn nhấn mạnh.
Tại cù lao Vĩnh Hòa, cùng với Tập đoàn Việt - Úc, tỉnh quyết định giao khoảng 100ha đất cho Tập đoàn Vĩnh Hoàn (Đồng Tháp) triển khai dự án SX cá tra giống. Hai tập đoàn này sẽ liên kết với nhau và liên kết với các hộ nuôi trên địa bàn để xây dựng cù lao Vĩnh Hòa thành một trong những trung tâm cung ứng giống cá tra chất lượng cao cho vùng ĐBSCL. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) An Giang Trần Anh Thư cho biết, An Giang và Đồng Tháp là 2 địa phương trọng điểm triển khai Đề án giống cá tra 3 cấp. Đối với An Giang, bên cạnh vùng Vĩnh Hòa, tỉnh đang triển khai vùng Châu Phú (150ha, liên kết với Công ty Phát triển Lộc Kim Chi), TP. Long Xuyên (100ha). Đối với Đồng Tháp, có 4 vùng thực hiện theo Đề án giống cá tra 3 cấp với tổng diện tích 420ha, gồm: Hồng Ngự (2 vùng), Châu Thành và Lai Vung. Ngoài ra, TP. Cần Thơ cũng triển khai khoảng 80ha. “Hiện nay, hầu như chỉ có ĐBSCL là SX được cá tra giống hiệu quả. Sau năm 2020, nhu cầu con giống cá tra khoảng 3,5 - 4 tỷ con/năm. Trong đó, chuỗi SX giống cá tra 3 cấp đáp ứng khoảng 50% nhu cầu giống cá tra chất lượng cao cho vùng ĐBSCL, 50% còn lại liên kết với các cơ sở khác” - ông Thư thông tin.
Cơ hội lớn
Nhân chuyến công tác về An Giang, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đã dẫn đầu đoàn công tác của bộ đến kiểm tra tình hình triển khai Đề án giống cá tra 3 cấp ở cù lao Vĩnh Hòa, thăm và làm việc với Tập đoàn Việt - Úc. “Cù lao Vĩnh Hòa nằm ở vùng đầu nguồn sông Cửu Long, nơi cá tra tự nhiên tập trung về sinh sản nhiều. Vị trí quy hoạch 200ha để DN đầu tư rất phù hợp. Tập đoàn Việt - Úc cũng đã chú trọng đưa công nghệ mới vào khâu SX giống, từ ứng dụng công nghệ di truyền đến công nghệ thông tin” - ông Cường đánh giá.
Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, con giống được xem là khâu yếu nhất và cũng là quan trọng nhất trong chuỗi liên kết cá tra. “Trong các loại cây trồng, vật nuôi ở Việt Nam, chưa có loại nào mà chỉ với diện tích thả nuôi 5.000ha nhưng mang lại giá trị XK từ 1,7 - 1,8 tỷ USD/năm như cá tra. Năm 2018 này, với tình hình XK thuận lợi, sản lượng tăng, giá bán cao, cá tra có thể vượt mốc XK 2 tỷ USD. Đây là sản phẩm đặc trưng, là lợi thế lớn của ĐBSCL mà các nước khác rất khó cạnh tranh được. Tuy nhiên, để làm chủ thị trường thế giới, cần phải liên kết SX, liên kết làm ăn, từ khâu SX giống cho đến chế biến, chủ động giá bán cho các nhà nhập khẩu” - ông Cường yêu cầu.
Ảnh: THANH HÙNG
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đề nghị các địa phương phải quy hoạch lại SX từ khâu giống, thức ăn, nuôi và chế biến XK, tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ. Đồng thời, đa dạng hóa sản phẩm, các mặt hàng giá trị gia tăng sau chế biến, đặc biệt đa dạng hóa tất cả các thị trường XK, trong điều kiện phải nâng cao tính cạnh tranh trong XK. Để có sản phẩm cá tra chất lượng tốt, phải chú trọng khâu giống cá tra, trong đó ưu tiên bộ giống gốc và DN làm hạt nhân nhân con giống tốt, kết hợp cùng với người dân nhân giống…
“Chuỗi giá trị liên kết SX giữa các DN, DN với người dân là khâu then chốt để cùng nhau đưa ngành hàng cá tra phát triển bền vững. Trong liên kết, cần hình thành 3 trục, gồm: trục Chính phủ (liên kết giữa các bộ, ngành, địa phương), DN và người nuôi cá. Qua đó, tạo sự thống nhất cao để thúc đẩy tăng trưởng mạnh ngành hàng cá tra” - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
(Theo báo An Giang)