Kỳ vọng phát triển bền vững ngành cá tra

Bộ NN&PTNT vừa triển khai Đề án liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Đề án được xem là khâu đột phá, phát huy tiềm năng, thế mạnh, góp phần phát triển bền vững ngành cá tra.

Giải quyết bức xúc về cá giống

Mục tiêu của đề án là đến năm 2020, các chuỗi sản xuất giống cá tra 3 cấp đáp ứng 50% nhu cầu giống cá tra chất lượng cao cho vùng ĐBSCL, nhu cầu toàn vùng là 2,2 - 2,5 tỷ cá tra giống. Đến năm 2025, cung cấp 100% giống cá tra chất lượng cao cho vùng ĐBSCL với nhu cầu 2,5 - 3,0 tỷ cá tra giống. Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, khâu giống phải được xem là khâu “át chủ bài”, khâu tiên quyết để có sản phẩm cá tra chất lượng, phải có bộ giống gốc tốt thì mới cho ra những con cá tra thương mại tốt.

Tổng cục Thủy sản cho biết tính đến 30/7/2018, diện tích ương cá tra giống tăng khoảng 800ha so với cùng kỳ 2017, lũy kế diện tích ương gần 3.600ha, tăng 23%. Tuy nhiên, dịch bệnh gan thận mủ, xuất huyết đã xảy ra trong giai đoạn ương giống khiến tỷ lệ sống thấp, do người dân chuyển sang ương giống khi chưa am hiểu về kỹ thuật, kiểm soát chất lượng nước chưa tốt nên nhiều diện tích ương giống bị nhiễm bệnh (khoảng 80%), chất lượng giống kém.

Ông Dương Nghĩa Quốc - Chủ tịch Hiệp hội Cá tra VN cho rằng chất lượng giống cá tra ngày càng suy giảm khiến tỷ lệ hao hụt cao ở giai đoạn nuôi thương phẩm, hiệu quả sản xuất thấp. Ngay từ đầu năm 2018, tình hình dịch bệnh đã xảy ra ở một số địa phương sản xuất giống trọng điểm. Một trong những nguyên nhân gây thất thoát là mật độ ương khá dày (1.000 con/m2 so với khuyến cáo tối đa 700 con/m2) đã ảnh hưởng đến tỷ lệ sống trong quá trình ương dưỡng.  

DN là hạt nhân.

Đề án cá tra 3 cấp có tổng vốn thực hiện khoảng 592 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách nhà nước khoảng 75%. Đề án tập trung tại tỉnh An Giang, Đồng Tháp và các tỉnh khác thuộc vùng ĐBSCL đáp ứng đủ điều kiện theo quy định. Các thành phần kinh tế đầu tư vào chuỗi cá tra 3 cấp chất lượng cao vùng ĐBSCL được vay ưu đãi, hạn mức vay, lãi suất, thời hạn vay, phương thức cho vay, cơ chế đảm bảo tiền vay, cơ cấu lại nợ và cho vay mới... theo Nghị định 55 ngày 9/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn.

Theo Bộ NN&PTNT, các tỉnh, thành vùng ĐBSCL cần chủ động tạo quỹ đất bằng cách thuê lại nông dân, thực hiện chính sách dồn điền đổi thửa, sau đó cho DN thuê có thời hạn. Địa phương và DN xây dựng cơ chế quản lý trong chuỗi liên kết, đặc biệt là xây dựng khung hợp tác liên kết 3 cấp. Xác định các vùng sản xuất giống cá tra tập trung gắn với sự liên kết vùng ĐBSCL. Tổ chức lại sản xuất giống cá tra theo mô hình 3 cấp, lấy DN là hạt nhân của chuỗi liên kết.

Sở NN&PTNT An Giang cho biết đến nay chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ giống cá tra 3 cấp đã cung cấp được hơn 1 tỷ cá bột và 300 triệu con cá tra giống cho các DN thủy sản, các hộ nuôi cá tra trong và ngoài tỉnh. Chuỗi liên kết đang vận hành khá tốt, các bên tham gia ý thức được trách nhiệm và nghĩa vụ trong chia sẻ lợi nhuận và rủi ro thông qua thỏa thuận hợp tác, hợp đồng tiêu thụ giữa chi hội sản xuất giống cá tra với DN thủy sản trong và ngoài tỉnh.

Còn tỉnh Đồng Tháp đã tiến hành xây dựng kế hoạch triển khai Đề án chuỗi liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao của tỉnh giai đoạn 2018 - 2025 và quy hoạch vùng sản xuất giống cá tra 3 cấp được phân bổ trên địa bàn tỉnh với diện tích 400ha. Theo Sở NN&PTNT Đồng Tháp, khó khăn hiện nay là mối liên kết giữa các cơ sở sản xuất giống và vùng nuôi, DN nuôi cá tra thương phẩm còn thiếu chặt chẽ. Cơ sở sản xuất giống chỉ dựa vào kinh nghiệm sản xuất và hướng dẫn lẫn nhau, không có bằng cấp chuyên môn theo đúng quy định. Việc sử dụng quá nhiều thuốc, hóa chất, kháng sinh trong khâu sản xuất giống còn rất phổ biến.

Các đơn vị tham gia đề án cá tra 3 cấp: Cấp 1 là đơn vị nghiên cứu, chọn tạo cung cấp đàn cá tra bố mẹ chọn giống (gồm các viện nghiên cứu, trường đại học, DN trong và ngoài nước). Cấp 2 là đơn vị nuôi vỗ cá tra bố mẹ và cho sinh sản ra cá bột (trung tâm giống thủy sản của tỉnh, các DN, trại giống). Cấp 3 là đơn vị ương dưỡng giống cá tra từ bột lên hương và lên giống thông qua nhận đặt hàng từ các DN trong chuỗi liên kết hoặc độc lập cung cấp cho nuôi thương phẩm (trung tâm giống, các DN, HTX, tổ hợp tác, nông hộ).

(Theo báo Tiền Phong)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục