Giải bài toán nguyên liệu cho ngành cá tra xuất khẩu

Liên tiếp trong vài tuần gần đây, giá cá tra nguyên liệu ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long luôn ở mức cao kỷ lục. Nhiều doanh nghiệp chế biến xuất khẩu gặp khó khăn do khan hiếm hàng và giá nguyên liệu cao.

Giá tăng nhưng hết cá

Theo Tổng cục Thủy sản, giá cá tra nguyên liệu ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long vẫn trên đà tăng liên tiếp từ thời điểm cuối tháng 8/2017 đến nay. Hiện mức giá bán cá tra tại ao đang dao động từ 27.500 – 28.000 đồng/kg đối với loại trên 1kg/con; 28.500 - 30.000 đồng/kg loại 0,8-1 kg/con. Đây cũng là mức giá cao nhất trong năm 2017, cao hơn 6.000-7.000 đồng/kg so với cùng kỳ 2016.

Với mức giá tăng như trên, theo lý thuyết, người nuôi cá tra sẽ có lời từ 6.000-8.000 đồng/kg và có một năm “bội thu”. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều hộ nuôi đang tiếc “đứt ruột” với tình cảnh này.

Ông Nguyễn Văn Đời, một người nuôi cá tra ở xã Tân Phong, thị xã Cai Lậy, Tiền Giang cho biết, mặc dù giá cá nguyên liệu đang tăng cao nhưng phần lớn các ao nuôi lại không còn cá để bán hoặc cá còn khá nhỏ chưa đến thời điểm thu hoạch. Hơn 10 ha diện tích nuôi cá tra của gia đình ông và một số thành viên trong tổ hợp tác nuôi cá tra ở xã Tân Phong đều đã được thu hoạch từ vài tháng trước, khi giá cá tra nguyên liệu còn ở mức 24.000 - 24.5000 đồng/kg.

Tương tự, ở khu vực An Giang, ông Nguyễn Hữu Nguyên, Chủ nhiệm Hợp tác xã thủy sản Châu Phú (An Giang) cũng cho biết, hầu hết các ao nuôi hiện không còn cá để thu hoạch. Giá tăng cao kỷ lục nhưng người nuôi lại không còn cá để bán là nghịch lý diễn ra nhiều năm qua.

Dẫn lại câu chuyện giá cả, thị trường của ngành cá tra cách đây hơn 1 năm, ông Nguyên cho biết, khi đó giá cá tra rớt giá xuống thê thảm, chỉ còn 17.000-18.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá thành lên tới 21.500-22.000 đồng/kg đã khiến nhiều người nuôi thua lỗ. Tình trạng giá cả, thị trường bấp bênh khiến nhiều người không còn tha thiết và không dám thả nuôi mới.

Cho giá cá nguyên liệu tăng liên tục vài tháng gần đây nhưng giá cá giống hiện cũng đang tăng cao nên bản thân ông và các thành viên trong tổ hợp tác cũng không dám thả nuôi mới nhiều. Giá cá giống đang ở mức cao đỉnh điểm, cao gấp 2 - 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện cũng có một số ao đã được thả nuôi mới, tuy nhiên hiện lại là mùa dịch bệnh nên tỷ lệ nuôi sống thấp.

Giải “bài toán” từ khâu con giống

Theo ông Trương Đình Hòe - Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong 10 tháng năm 2017, xuất khẩu cá tra của Việt Nam đạt gần 1,48 tỷ USD, chạm sát mốc 1,7 tỷ USD mục tiêu theo kế hoạch đề ra trong năm 2017. Xuất khẩu cá tra từ tháng 10/2017 đến nay đã ghi nhận tín hiệu tích cực từ một số thị trường nhập khẩu lớn của Việt Nam như Trung Quốc, Mỹ, ASEAN…

Tuy nhiên, kế hoạch xuất khẩu của các doanh nghiệp có khả năng sẽ bị ảnh hưởng do nguồn nguyên liệu hạn chế đã đẩy giá cá nguyên liệu tăng mạnh như hiện nay. Một số doanh nghiệp đang trong tình trạng thiếu hụt nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến cho các đơn hàng cuối năm. Thậm chí, một số đơn hàng đã phải hủy hoặc doanh nghiệp buộc phải giao chậm lại so với kế hoạch.

Từ thực tế cung cầu hiện nay, ông Trương Đình Hòe cho rằng, việc cân đối cung cầu rất quan trọng trong việc định hình xuất khẩu cá tra. Để giải quyết vấn đề “thừa”, “thiếu” nguyên liệu thì cần sớm có hệ thống cơ sở dữ liệu của ngành ở cấp quốc gia nhằm theo dõi tình hình sản xuất nguyên liệu trong nước một cách khoa học, cụ thể. Từ đó, mới có thể cân đối cung cầu, nhận định tình hình thị trường… một cách chính xác, tin cậy; tránh xảy ra tình trạng thiếu hụt hay dư thừa nguyên liệu như hiện nay.

Đề cập đến nguyên nhân của sự khan hiếm nguyên liệu trong năm nay, ông Dương Nghĩa Quốc - Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam cho rằng, sự thiếu hụt nguồn cung cá tra diễn ra trong thời gian này đã được cảnh báo từ nhiều tháng trước. Tuy nhiên, do nguồn cá giống không được đầu tư căn cơ nên người nuôi, doanh nghiệp muốn có nhiều con giống chất lượng để thả nuôi cũng khó. Đây là yếu tố mấu chốt khiến tình trạng thiếu hụt nguồn cung, “được giá” nhưng lại “mất mùa” trong năm nay.

Xét trên yếu tố khách quan, với điều kiện thời tiết cực đoan diễn ra gần đây khiến cho việc ương cá giống với tỷ lệ đậu thấp, dịch bệnh nhiều… Tuy nhiên, điều này cũng cho thấy việc đầu tư vào nâng cao chất lượng con cá tra giống từ trước đến nay vẫn chưa đúng mức. Điều này tất yếu dẫn đến tình trạng không có đủ con giống chất lượng tốt để nuôi thả đáp ứng theo nhu cầu thị trường.

Để khắc phục vấn đề này, ông Quốc cho biết, Hiệp hội Cá tra Việt Nam và các địa phương đã kiến nghị với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần tập trung vào việc nghiên cứu nâng cao chất lượng con giống nhằm tạo ra giống cá ít dịch bệnh, tăng trưởng nhanh, có tỷ lệ nuôi sống cao từ cá bột, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Việc giải quyết những tồn tại của nghề nuôi cá tra được bắt đầu từ Đề án liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao vùng Đồng bằng sông Cửu Long tại An Giang đang được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND tỉnh An Giang triển khai thực hiện. Với nhiều ưu thế phát triển cá tra ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Đề án này được kỳ vọng góp phần nâng chất cho sản phẩm cá tra Việt Nam trong thời gian tới.

(Theo báo Ảnh DT&MN)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục