Đưa cá tra Việt vào món sushi, hamburger…

Thông tin trên được đưa ra tại tọa đàm "Phát triển thị trường cá tra nội địa" do báo Tuổi Trẻ tổ chức ngày 29/11. Các đại biểu cho hay thật đáng tiếc vì cá tra Việt Nam 95% để xuất khẩu.

Triển vọng sushi cá tra

Mở điện thoại và cho mọi người thấy rõ hình ảnh, ông Nobuyoshi Kan, cố vấn Công ty Hot One, Công ty Ocean trading (Nhật Bản), nói: Đây là chiếc hamburger có nhân làm bằng cá tra Việt Nam, rất thơm ngon. Người Nhật đang ngày càng quen thuộc với các sản phẩm chế biến sẵn từ cá tra, ba sa của Việt Nam.

Trước đây người Nhật ít ăn cá nước ngọt mà thích ăn hải sản. Ông Nobuyoshi Kan cho hay đã làm việc với các nhà cung cấp để sáng tạo ra các sản phẩm cá tra, không chỉ chế biến thành các món ăn liền, cá tra tươi của Việt Nam cũng có thể dùng trong món sushi của Nhật Bản, với gia vị phù hợp. 

"Đó là cách chúng tôi đem cá ba sa của Việt Nam vào thị trường Nhật Bản, các bạn cũng có thể dùng cách này để tiếp cận thị trường nội địa" - ông Nobuyoshi Kan gợi ý.

Ông Nguyễn Văn Đạo, tổng giám đốc Công ty cổ phần Gò Đàng (GODACO), cho hay cũng đã chứng kiến các đầu bếp ở Nhật chế biến cá ba sa VN thành món sushi. 

"Tôi cũng bất ngờ về màu sắc bên ngoài của món sushi ba sa của VN không thua kém các loại cá nổi tiếng khác như cá ngừ, cá hồi" - ông Đạo nói và cho rằng hương vị khi ăn của cá tra cũng nổi trội.

Ông Nguyễn Văn Đạo thừa nhận cá tra Việt đã chiếm hơn 50% thị phần thế giới nhưng qua hơn 20 năm xuất khẩu vẫn chủ yếu dừng lại ở hàng thô, philê rồi đông lạnh là chủ yếu, 95% là xuất khẩu cho các nước về chế biến, đóng gói lại. 

Cho hay đã học hỏi các nước về cách chế biến cá tra và đã nghiên cứu ra trên 50 công thức món ăn chế biến sẵn từ cá tra, ba sa, ông Đạo chia sẻ: "Dù xuất khẩu là chính nhưng chúng tôi vẫn mong muốn sẽ đưa cá tra gần hơn với người tiêu dùng trong nước".

Dồn sức đưa cá tra về nội địa

Xuất khẩu cá tra đi khắp thế giới, đáp ứng được các tiêu chuẩn ở thị trường khắt khe nhất nhưng khi quay về nội địa, cá tra lại gặp không ít khó khăn. Theo bà Ngô Thị Thức - phó chi cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), doanh nghiệp gặp khó khăn về giấy phép khi quay về thị trường trong nước là có thật. Do xuất khẩu Bộ NN&PTNT quản lý nhưng nội địa lại do ngành y tế phụ trách. 

"Thành ra không phối hợp với nhau, tạo sự chồng chéo, khó cho doanh nghiệp. Hiện chúng tôi đã có các đề xuất lên cấp trên giải quyết" - bà Thức chia sẻ.

"Để có thể đưa hàng vào chuỗi siêu thị lớn của VN, chúng tôi phải mất 2 năm mới có thể ký được hợp đồng. Chưa kể chi phí phân phối, quảng bá cũng rất tốn kém" - ông Nguyễn Văn Đạo cho biết.

Bà Nguyễn Ngọc Diện - quản lý cao cấp ngành hàng thực phẩm siêu thị Co.op Mart - cho hay con cá tra rất quen thuộc với người miền Nam nhưng tiêu thụ trong hệ thống chỉ khoảng 200 tấn/tháng. 

"Sản phẩm đa số hàng thô như cá tra philê, cắt khúc, sản phẩm chế biến chưa có nét đặc trưng nổi bật. Việc có những sản phẩm chế biến cao cấp và đã được thế giới chấp nhận sẽ là điểm mới mà chúng tôi quan tâm" - bà Diện nói.

Bà Bùi Thị Phương Dung (Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM):

Còn nhiều việc cần làm

Các thức ăn ngon sẽ tác động năm giác quan mắt, mũi, miệng, tai, tay. Các sản phẩm cá tra trong siêu thị hiện nay chưa nhiều, chưa đủ độ hấp dẫn.

Nhà cung cấp sản phẩm trong tủ đông lạnh, không có hướng dẫn từ cá này có thể làm những món ăn gì để người tiêu dùng sử dụng.

Thông tin về nguồn gốc xuất xứ gần như không có. Hi vọng sẽ có thêm nhiều sản phẩm chế biến từ cá tra nữa trong siêu thị để người tiêu dùng. thêm cơ hội lựa chọn.

(Theo báo Tuổi trẻ)

 

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục