Diện tích cá tra thương phẩm đạt 5400 ha

Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), hiện toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long thả nuôi khoảng 5.400ha cá tra thương phẩm, trong đó diện tích nuôi cá tra đạt chứng nhận GAP khoảng 3.834ha; sản lượng thu hoạch hơn 1,42 triệu tấn…

Ông Như Văn Cẩn, Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản, Tổng cục Thủy sản cho biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề ra mục tiêu phát triển ngành hàng cá tra năm 2019, theo đó cố gắng đạt sản lượng 1,51 triệu tấn, tăng 6,6%, kim ngạch xuất khẩu khoảng 2,4 tỷ USD tăng 12% so với năm 2018. Để đạt mục tiêu trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các địa phương tiếp tục phát huy tiềm năng, lợi thế, sản xuất cá tra thích ứng với biến đổi khí hậu. Tập trung đầu tư phát triển cá tra đi vào chiều sâu để nâng cao hiệu quả kinh tế và phát triển bền vững.

Nhiều địa phương phát triển mạnh nghề nuôi cá tra xuất khẩu, mang lại hiểu quả kinh tế cao như An Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang, TP.Cần Thơ…

Ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh An Giang cho hay, giá thành nuôi cá tra ở Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay dao động khoảng từ 22.000 đồng đến 23.000 đồng/kg, trong khi giá bán từ 29.000 đồng đến 30.000 đồng/kg, với lợi nhuận như trên là đảm bảo cho người nuôi, doanh nghiệp chế biến và nhà nhập khẩu cùng có lợi. Tuy nhiên, để cá tra phát triển bền vững cần nhanh chóng đầu tư con giống đang thiếu hụt hiện nay.

Bên cạnh đó, cần có cơ chế kiểm soát việc đầu tư nuôi cá tràn lan, tránh dẫn tới nguy cơ thừa nguyên liệu, rớt giá. Cùng với đó là đẩy mạnh việc mở rộng thị trường tiêu thụ, trong đó doanh nghiệp đóng vai trò chủ đạo. Hiện ngành cá tra đã có tính liên kết mạnh mẽ, sản phẩm ngày càng được đa dạng với hơn 80 mặt hàng, trong đó có những sản phẩm giá trị cao. Các doanh nghiệp cũng đã vượt qua được những tiêu chuẩn mà các thị trường khó tính đặt ra.

Cũng trong năm 2019 này, sản phẩm cá tra Việt Nam tiếp tục có nhiều cơ hội đẩy mạnh tiêu thụ tại các thị trường trên thế giới. Đặc biệt, tại Hoa Kỳ, thuế chống bán phá giá giảm, Việt Nam đã đáp ứng yêu cầu của Chương trình giám sát cá da trơn, đây là những tín hiệu tốt để nhiều doanh nghiệp có thể gia tăng xuất khẩu vào thị trường này. Ngoài ra, doanh nghiệp còn có khả năng tăng thị phần xuất khẩu cá tra vào Mỹ khi tận dụng cơ hội cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Tại thị trường trường EU, năm nay Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU dự kiến có hiệu lực, thuế xuất nhập khẩu giảm sẽ góp phần tăng cơ hội xuất khẩu cá tra của Việt Nam. Trung Quốc tiếp tục mang đến kỳ vọng do là thị trường rộng lớn, có nhu cầu cao và thuế nhập khẩu cá tra tại thị trường này cũng được điều chỉnh giảm...

Được biết, trong năm 2018, giá cá tra thương phẩm dao động khoảng 29.000 đồng/kg, cao hơn bình quân của năm 2017 là 4.000 đồng/kg; riêng thời điểm tháng 10/2018 giá cá tra lên đỉnh điểm với 35.000- 36.000 đồng/kg. Nhờ giá duy trì mức cao đã đưa kim ngạch xuất khẩu cá tra trong năm 2018 đạt 2,26 tỷ USD, tăng 26,5% so với năm trước.

(Theo ĐCSVN)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục