Dọc những tuyến đường cặp kênh ở vùng Đồng Tháp Mười (Long An) như Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Tân Thạnh… những cánh đồng lúa bát ngát ngày nào nay đã loang lổ bởi ao cá tra giống.
Việc nông dân bỏ lúa, ồ ạt đào ao ương cá tra giống không chỉ băm nát vùng lúa Đồng Tháp Mười Long An, đe dọa đến vùng trồng lúa này mà còn tiềm ẩn rủi ro về giá và đầu ra của con cá giống.
Đổ xô đào ao nuôi cá tra giống
Giữa trưa, bà Diệp Thị Nguơn (xã Hưng Điền B, huyện Tân Hưng) vẫn rảo quanh bờ 5 ao cá tra giống của mình để đuổi cò.
"Cò phá ghê lắm, mỗi lần nó sà xuống là mất rất nhiều cá giống", bà Nguơn nói. Bà Nguơn cho hay 5 ao cá tra với tổng diện tích gần 3ha, được đào lên từ ruộng lúa 15ha.
"Xong vụ này tui đang tính tiếp tục đào ương cá thêm", bà Nguơn chỉ về phía ruộng lúa đang vàng rực kế bên nói.
Nhiều nông dân cho biết nếu nói về công lao động, nuôi cá tra cũng như trồng lúa nhưng lợi nhuận cao hơn nhiều.
"Năm vừa rồi, tui nuôi 1 ao 1,2ha thu được lợi nhuận hơn 300 triệu đồng. Trong khi đó, 1ha ruộng kế bên nếu đạt chỉ thu lợi nhuận khoảng 70 triệu. Thấy có lợi thì mình làm cái đã, mọi chuyện tính sau", chủ một ao cá giống cho biết.
Nếu cứ tiếp tục đua nhau nuôi cá giống, khi cung vượt cầu hay cá thương phẩm rớt giá, người nuôi cá giống sẽ gặp nhiều khó khăn, thua lỗ
Ông NGUYỄN THANH TOÀN (chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Long An)
|
Theo nhiều hộ nuôi cá tra giống tại khu vực này, thời gian từ thả nuôi đến thu hoạch khoảng 3 tháng, cũng gần thời gian một vụ lúa. Cá con thả xuống nuôi cho đến khi thành con giống (khoảng 30-40 con/kg) sẽ có người tới mua.
Để đầu tư đào ao, đắp bờ, lắp hệ thống nước... khoảng trên dưới 100 triệu đồng/ha, cộng thêm chi phí thuốc men, chế phẩm sinh học phụ trợ và thức ăn, tổng chi phí cho một lứa cá giống khoảng 150 triệu đồng.
Trong năm 2017, giá cá tra giống luôn dao động ở mức trên 45.000 đến 60.000 đồng/kg. Chỉ cần 1ha nuôi được 5 tấn cá, gần như đã lấy lại vốn đầu tư ban đầu.
"Nếu không gặp sự cố gì, 1ha nuôi được chục tấn trở lên là bình thường", một hộ nuôi cá tra giống khẳng định. Tuy nhiên, không phải ai đầu tư cũng thành công, bởi chủ yếu làm theo phong trào mà không nắm vững kỹ thuật.
Ông Trần Văn Liệt (Hưng Điền B, Tân Hưng) - chủ ao nuôi cá giống rộng 3.600m2 - cho biết đã đầu tư gần 40 triệu đồng, đợt vừa rồi thả xuống nuôi chừng nửa tháng thì không biết bị bệnh gì mà chết hết.
"Đợt này mới nhờ cán bộ khuyến nông bày cách xử lý nước, đang đặt cá giống thả thêm. Đầu tư ao rồi phải nuôi tiếp xem sao, hi vọng sẽ thành công", ông Liệt lo lắng.
Theo thống kê từ Chi cục Thủy sản tỉnh Long An, tại 3 huyện Tân Hưng, Vĩnh Hưng và Tân Thạnh, trong năm 2017 có đến gần 800ha ao cá tra giống được đào từ đất lúa. Trong đó, riêng Hưng Điền B đã hơn 320ha.
Ông Tô Văn Chảnh - trưởng Phòng NN&PTNT huyện Vĩnh Hưng - cho biết việc chuyển đổi bỏ lúa đào ao nuôi cá tra của người dân đều tự phát.
"Có nhiều nơi nuôi quy mô khá lớn, lên đến mười mấy hecta", ông Chảnh cho biết.
Nuôi theo phong trào
Ao cá tra của bà Nguơn nằm kề bên kênh T9, và cũng chỉ một đoạn 3km cặp theo con kênh này, chúng tôi đã ghi nhận hơn 30 ao cá tra giống. Tất cả những ao cá tra này đều được đào từ đất lúa.
Và chưa dừng lại ngần ấy ao nuôi cá giống, theo ghi nhận của chúng tôi, tại nhiều thửa ruộng vừa gặt xong, các máy xúc đang tiếp tục khẩn trương đào đắp những ao mới.
Đứng từ quốc lộ 62 nhìn vào, một khu vực rộng hơn 10ha tại ấp Bình Châu (xã Tuyên Bình, huyện Vĩnh Hưng) đang được các máy xúc thay nhau đào xới, dù trước tết vẫn còn là cánh đồng lúa bạt ngàn.
Các xe ben thay nhau tải đất đắp thành các ao rộng cả hecta đất. Những hệ thống ống lớn được lắp nối trực tiếp với kênh Bình Châu.
Đây cũng là lý do mà xã biên giới Hưng Điền B vốn nổi tiếng với những đồng lúa trải dài và nhiều "điền chủ" sở hữu hàng chục hecta lúa, nhưng nay người ta bắt đầu bàn tán về những "đại gia" trúng cá tra giống.
Điều đáng lo ngại là hầu hết các ao nuôi gần như không có hệ thống xử lý nước thải. Nguồn nước trong ao nuôi đều được người dân xả trực tiếp ra các kênh, dù việc đào ao nuôi cá tra được thực hiện như một "công trình" lớn.
Theo các cán bộ ngành nông nghiệp Long An, việc nuôi cá tra giống đang trở thành phong trào tự phát, nhưng nông dân rất mù mờ về kỹ thuật, nguy cơ thất bại trắng tay rất dễ xảy ra.
"Chúng tôi khuyến cáo bà con cần thận trọng vì nuôi cá giống rủi ro cao nếu không nắm rõ kỹ thuật, nhưng bà con vẫn cứ ồ ạt làm", một cán bộ ngành nông nghiệp huyện Vĩnh Hưng nói.
Ngoài ra, ông Nguyễn Thanh Toàn - chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Long An - cho biết đầu ra cá tra giống rất bấp bênh do hoàn toàn phụ thuộc vào thị trường tiêu thụ và tình hình nuôi cá tra thương phẩm tại các tỉnh Đồng Tháp, An Giang và Tiền Giang.
Tại nhiều địa phương cũng từng rộ lên phong trào ương nuôi cá tra giống rất nhiều, sau đó nhanh chóng xẹp xuống do nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu do nhiều hộ nuôi cá tra thương phẩm treo ao vì giá cá xuống thấp.
Tuy nhiên, với giá cá tra thương phẩm tăng trở lại thời gian gần đây, hoạt động nuôi cá tra giống tại Long An lại bùng phát.
"Chúng tôi chỉ có thể khuyến nghị người dân làm các thủ tục, hồ sơ nuôi đúng pháp lý và tuyên truyền cách xử lý nước thải từ các ao nuôi để hạn chế mức thấp nhất việc lây lan dịch bệnh", ông Toàn nói.
Có thể trả lại hiện trạng ban đầu?
Theo ông Lê Văn Hoàng - giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Long An, qua kiểm tra thực tế, các vùng nuôi cá trên đều nằm trong các vùng có quy hoạch phát triển thủy sản tỉnh Long An giai đoạn đến năm 2020.
Hơn nữa, các ao cá tra đều đào không sâu, có thể... san lấp bờ ao trả lại hiện trạng ban đầu để sản xuất cây trồng khác.
Ao nuôi cá tra giống giữa ruộng lúa tại xã Hưng Điền B, Tân Hưng, Long An - Ảnh: S.LÂM
Đe dọa vùng trồng lúa
Với nhiều người trồng lúa lâu năm, tình trạng ao cá tra bao quanh nguồn nước đang thực sự là mối đe dọa lớn.
Ông Nguyễn Văn Thành, người có hơn 60ha lúa (ở Hưng Điền B, Vĩnh Hưng), cho biết đã phản ảnh lên HĐND rất nhiều lần về nguy cơ ô nhiễm nguồn nước vì nuôi cá tra bùng phát.
"Dọc kênh T3 đoạn gần nhà tui, gần như ao cá tra đã ngăn cách giữa ruộng và kênh. Nước cá tra xả ra xanh lè, khiến nguồn nước trồng lúa bị ảnh hưởng. Việc vận chuyển lúa thu hoạch cũng không còn thuận tiện.
Chuyện này cũng đã tạo xích mích mâu thuẫn giữa người nuôi cá tra và người trồng lúa, rất không hay", ông Thành nói.
(Theo báo Tuổi trẻ)