Gia đình chị Lan vốn gắn bó với nghề nuôi cá tra hơn 10 năm. 3 năm trước, khi giá cá tra rớt mạnh, gia đình chị Lan gặp phải biến cố, rơi vào bế tắc. Chị Lan chia sẻ: “Thời điểm đó, nhiều người nuôi cá tra ở đây phải treo ao bỏ nghề. Trước thực tế đó, bản thân nghĩ phải làm điều gì đó để giúp đỡ gia đình, đồng thời tạo thêm việc làm cho bà con trong xóm nên tôi sử dụng nguồn nguyên liệu cá tra sẵn có của gia đình tập tành làm thử khô cá tra”.
Thời gian đầu còn khá bỡ ngỡ, thiếu kinh nghiệm, nguồn vốn lại eo hẹp nên nhiều lần chị Lan phải đối diện với thất bại. Tuy nhiên, chị Lan không nản lòng mà tiếp tục tìm hiểu, cải tiến công thức ướp gia vị, cách bảo quản. Không phụ người có lòng, năm 2015, sản phẩm khô cá tra của chị Lan hoàn thiện, chinh phục được nhiều khách hàng trên địa bàn tỉnh...
Từ sự đón nhận sản phẩm của thị trường, niềm đam mê với nghề tiếp tục được vun vén, lớn dần thêm, chị Lan mạnh dạn vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện để đầu tư thêm tủ đông, máy hút chân không và thuê thêm nhân công để mở rộng sản xuất... Nhờ chất lượng khô đảm bảo nên khách hàng nhiều nơi đã chủ động tìm đến và đặt hàng.
Theo tính toán của chị Lan, hiện mỗi năm cơ sở của chị cung cấp khoảng 3.600kg khô cá tra cho thị trường, với giá 300 ngàn đồng/kg. Mỗi năm, tổng lợi nhuận thu được từ việc kinh doanh khô cá tra của cơ sở là trên 100 triệu đồng.
Nhằm mở rộng thị trường, ngoài việc tăng cường sản xuất, chị Lan còn hoàn chỉnh các khâu đăng ký nhãn hiệu, bao bì, đóng gói để tiến tới giới thiệu đưa sản phẩm vào các kênh siêu thị trong và ngoài tỉnh.
Chia sẻ về định hướng cho sản phẩm khô cá tra của mình, chị Lan cho biết: “Sản phẩm khởi nghiệp của mình được người tiêu dùng biết đến là điều đáng mừng. Nếu thuận lợi có thêm nguồn vốn, tôi sẽ đầu tư thêm lò sấy để tăng cường gấp đôi sản lượng khô đưa ra thị trường (khoảng 600kg khô mỗi tháng). Đồng thời sẽ phát triển thêm nhiều loại khô khác như khô cá lóc, cá sặc,... để giúp khách hàng có thêm nhiều sự chọn lựa”.
Năm 2018, được xem là bước đệm để sản phẩm khô cá tra của chị Phan Thị Thúy Lan từng bước tiếp cận với thị trường khi chị Lan tham gia cuộc thi “Khởi nghiệp nông nghiệp năm 2018” do Trung tâm BSA tổ chức. Dự án “Khô cá tra file Ngọc Diệp” của chị Lan được lọt vào vòng chung kết và được Ban giám khảo đánh giá cao về độ an toàn cũng như chất lượng sản phẩm...
(Theo báo Đồng Tháp)