Chuyên nghiệp hóa vùng nuôi cá tra thương phẩm!

Sau nhiều thăng trầm, đối diện nhiều thách thức từ các hàng rào kỹ thuật của các nước, giá cá tra ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã duy trì ở mức cao và nông dân đạt lợi nhuận cao trong vòng một năm qua (từ tháng 4-2017 đến 4-2018). Việc giá cá tra trượt giá kéo dài nhiều năm trước đó dẫn đến nhiều người nuôi treo ao nuôi, nhiều điểm sản xuất con giống cá tra cũng bỏ nghề. Tình trạng này khiến cá tra giống thiếu trầm trọng, giá cá giống tăng đột biến khi nhu cầu nuôi tăng trở lại do cá tra được giá.

Cuối năm 2017, khi cá tra thương phẩm ở ĐBSCL tăng giá mạnh trên thị trường (có lúc đạt gần 30.000 đồng/kg, nông dân đạt lợi nhuận từ 6.000-8.000 đồng/kg), nguồn cá giống thiếu nghiêm trọng. Cụ thể, đầu năm 2017, giá cá giống dao động từ 27.000-39.000 đồng/kg (loại 30 con/kg). Sau đó, giá cá giống giảm 17.000-18.000 đồng/kg ở tháng 5 đến tháng 8. Đến cuối năm 2017, giá cá giống tăng lên dao động khoảng 45.000-50.000 đồng/kg. Thời điểm này, không ít doanh nghiệp có nguồn cá tra giống đã “mời” nông dân liên kết để sản xuất cá giống. Theo Hiệp hội Cá tra Việt Nam, trọng tâm hiện nay là tập trung vào 2 khâu chính: Con giống và mở rộng thị trường xuất khẩu. Trọng tâm của việc thúc đẩy cải thiện chất lượng ngành hàng cá tra được tập trung cải thiện chất lượng con giống, chất lượng cá tra nguyên liệu ở khâu nuôi gắn liền với việc cải thiện chất lượng môi trường để hoạt động cải thiện ngành hàng mang tính bền vững.

Đáng mừng, cuối tháng 3-2018, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đã ký Quyết định 987 về việc phê duyệt đề án Liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao vùng ĐBSCL. Theo đề án này, từ nay đến năm 2025, Nhà nước sẽ đầu tư cơ sở hạ tầng sản xuất giống cá tra tập trung gồm 3 vùng tại An Giang (ở huyện Châu Phú, thị xã Tân Châu và thành phố Long Xuyên) với tổng diện tích 350ha, 3 vùng tại Đồng Tháp (tại các huyện Hồng Ngự, Cao Lãnh, Châu Thành) với tổng diện tích 400ha. Tổng nguồn vốn thực hiện đề án cá tra giống này là 592 tỉ đồng. Mô hình liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp là khâu đột phá, trong đó doanh nghiệp đóng vai trò nòng cốt, chủ đạo trong toàn bộ chuỗi liên kết sản xuất giống.

Mục tiêu của đề án là nhằm đáp ứng đủ nhu cầu con giống chất lượng cao; ổn định về cung - cầu về sản xuất giống, có thương hiệu, truy xuất nguồn gốc; góp phần phát triển ngành hàng cá tra theo hướng bền vững đáp ứng các yêu cầu của thị trường trong nước và quốc tế. Mục tiêu cụ thể đến năm 2020, chuỗi sản xuất cá tra giống 3 cấp đáp ứng 50% nhu cầu giống cá tra chất lượng cao cho ĐBSCL (khoảng 2,2-2,5 tỉ cá tra giống). Đến năm 2025, đáp ứng 100 nhu cầu (khoảng 2,5-3 tỉ cá tra giống).

Sản xuất giống 3 cấp theo đó: Cấp 1 là đơn vị nghiên cứu, chọn tạo cung cấp đàn cá tra bố mẹ chọn giống (các viện nghiên cứu/trường đại học, các doanh nghiệp trong và ngoài nước). Cấp 2: là đơn vị nuôi vỗ cá tra bố mẹ và cho sinh sản ra cá bột (trung tâm giống thủy sản của tỉnh, các doanh nghiệp, trại giống có năng lực…). Cấp 3: là đơn vị ương dưỡng giống cá tra từ bột lên hương và lên giống thông quan nhận đặt hàng từ các doanh nghiệp trong chuỗi liên kết hoặc độc lập cung cấp cho nuôi thương phẩm…).

Trong vài năm gần đây, nông dân trồng lúa ở ĐBSCL có bước thay đổi đáng kể khi chuyển sang trồng các giống lúa chất lượng cao, lúa thơm, lúa đặc sản. Sự thay đổi này có phần đóng góp rất lớn từ hệ thống sản xuất giống 3 cấp. Hơn 20 năm được xuất khẩu ra nước ngoài, giờ Bộ NN&PTNT mới có một đề án Liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao vùng ĐBSCL. Muộn còn hơn không! Hy vọng đề án này sẽ từng bước chuyên nghiệp hóa nghề nuôi cá tra vùng sông nước miền Tây, gắn với chuỗi liên kết và truy xuất nguồn gốc căn cơ hơn!

(Theo báo Hậu Giang)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục