Liên tục nhiều ngày qua giá cá tra dao động ở mức cao giúp người nuôi có lợi. Trong khi đó xuất khẩu của các DN cũng khởi sắc. Có thể nói sau giai đoạn lận đận, ngành cá tra Việt Nam đang lấy lại phong độ, khẳng định thế mạnh trên thương trường quốc tế.
Lợi nhuận tăng cao
Vào những ngày cận Tết Kỷ Hợi 2019, về các huyện có diện tích nuôi cá tra lớn như Châu Thành, Hồng Ngự, Thanh Bình, Lai Vung… của tỉnh Đồng Tháp, đâu đâu cũng thấy người dân phấn khởi bởi trúng mùa trúng giá cá tra.
Xuất khẩu cá tra năm 2018 đạt kim ngạch hơn 2,26 tỷ USD. Để có được con số ấn tượng này, các DN đã mạnh dạn đầu tư lớn vào ngành công nghiệp cá tra, nhằm nâng cá tra Việt Nam lên tầm cao mới, đáp ứng tốt nhu cầu đòi hỏi ngày càng cao của thị trường thế giới.
Ông Dương Nghĩa Quốc,
Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam
|
Trong niềm vui chung đó, ông Nguyễn Văn Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, chia sẻ: “Đồng Tháp đang là địa phương dẫn đầu khu vực ĐBSCL về nuôi và chế biến cá tra. Trong năm vừa qua, lần đầu tiên Đồng Tháp xuất khẩu vượt kim ngạch 1 tỷ USD, trong đó cá tra đóng vai trò chủ lực. Nhờ con cá tra, tốc độ tăng trưởng của khu vực nông lâm thủy sản đạt hơn 6,07%, tăng gấp đôi kế hoạch đề ra và tăng cao nhất từ trước đến nay”. Ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc HTX Sản xuất - dịch vụ thủy sản Châu Thành (Đồng Tháp), cho biết giá cá tra dao động 27.000-30.000 đồng/kg đã giúp người nuôi có lợi nhuận khá cao.
Người nuôi trúng cá, DN trong tỉnh Đồng Tháp cũng phất lên. Ông Trần Văn Hùng, Tổng giám đốc Công ty TNHH Hùng Cá (huyện Thanh Bình) phấn khởi: “Thời gian qua xuất khẩu cá tra rất tốt cả về số lượng lẫn giá cả, giúp nhiều DN phát triển ổn định. Trước những thuận lợi đó, chúng tôi đã mạnh dạn mở thêm Nhà máy chế biến thủy sản Hùng Cá 6, trên diện tích 21.000m2, công suất thiết kế 300 tấn cá/ngày, tổng vốn đầu tư 465 tỷ đồng. Đây là nhà máy được trang bị dây chuyền công nghệ sản xuất hiện đại, tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường. Nhà máy Hùng Cá 6 sẽ tăng cường quy mô sản xuất của công ty, nâng cao năng lực cạnh tranh và đáp ứng kịp thời nhu cầu của thị trường thế giới”.
Tại An Giang, Vĩnh Long, TP Cần Thơ… các DN xuất khẩu cá tra cũng hoạt động nhộn nhịp. Ông Doãn Tới, Tổng giám đốc CTCP Nam Việt (Navico An Giang), tiết lộ: “Cá tra được mùa đã giúp Navico đạt doanh thu năm qua khoảng 4.100 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế khoảng 600 tỷ đồng, cao gấp nhiều lần so cùng kỳ. Với chiều hướng tốt như hiện nay, dự báo năm 2019 Navico nỗ lực xuất khẩu cá tra đạt 250- 300 triệu USD, lợi nhuận sau thuế hơn 700 tỷ đồng”.
Theo ông Doãn Tới, để tăng tốc về xuất khẩu cá tra, mới đây Navico đã khởi công dự án nuôi trồng thủy sản công nghệ cao Bình Phú, quy mô 600ha, tổng vốn đầu tư 4.000 tỷ đồng. Đây được xem là dự án nuôi cá tra công nghệ cao tập trung, có quy mô lớn nhất cả nước tính đến thời điểm này. Mỗi năm dự án nuôi cá tra sẽ sản xuất khoảng 200.000 tấn cá tra nguyên liệu chất lượng cao, phục vụ chế biến xuất khẩu.
Hướng tới phát triển bền vững
Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (NN-PTNT), cho rằng sự phát triển của ngành cá tra hiện nay rất đáng khích lệ. Tuy nhiên vẫn còn bộc lộ những hạn chế nhất định, chưa đảm bảo tính bền vững. Một trong những vấn đề cốt lõi của ngành công nghiệp chế biến cá tra là sự thiếu hụt về con giống, dẫn đến sự thiếu hụt cá tra nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu. 3 năm qua, việc thiếu hụt cá tra nguyên liệu đã đẩy giá cá tra tăng 66%. Việc khép kín quy trình sản xuất để hạ thấp giá thành, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm là điều cấp thiết cần làm ngay.
Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT nhận định trong điều kiện thiếu hụt con giống tốt và nỗ lực cải thiện môi trường nuôi cá tra, Navico quyết định đầu tư lớn vào ngành công nghiệp cá tra là đáng hoan nghênh. Dự án nhằm nâng cao chất lượng cá tra, nâng cao tính cạnh tranh, thích ứng tốt với biến đổi khí hậu và những rào cản thương mại của các nước.
Theo đại diện Navico, dự án nuôi cá tra công nghệ cao được chia thành 2 khu: Khu sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao (diện tích nuôi 150ha, vốn đầu tư 1.000 tỷ đồng); khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nuôi cá tra thương phẩm, (diện tích 450ha, vốn đầu tư 3.000 tỷ đồng). Toàn bộ sẽ được đầu tư trang thiết bị theo hướng công nghệ hiện đại, đồng bộ và chuyên sâu mang tầm cỡ khu vực.
Cụ thể, Navico sẽ sử dụng công nghệ sục khí nano và chất xúc tác bakture của Nhật Bản để xử lý nước trong ao nuôi. Bằng công nghệ này, trên toàn bộ diện tích của dự án sẽ không cần xả thải nước ao nuôi ra môi trường, không cần nạo hút bùn đáy ao bằng phương pháp cơ học như hiện nay, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Theo đó, một trong những mục tiêu dự án hướng đến là hoàn thành chuỗi giá trị khép kín bền vững. Điều này giúp công ty tự chủ 100% nguồn con giống để phát triển nuôi cá thương phẩm, phục vụ chế biến xuất khẩu, tăng thị phần xuất khẩu cá tra tại các thị trường nhập khẩu lớn trên thế giới.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch HĐQT CTCP cải thiện môi trường Việt Nhật, lưu ý: “Với sự phát triển nóng về nuôi thủy sản, chế biến… sẽ kéo theo mặt trái là hệ lụy môi trường, ô nhiễm nguồn nước. Đây là vấn đề nhiều nước trên thế giới từng trải qua. Vì vậy, việc áp dụng công nghệ mới của Nhật Bản để xử lý môi trường đối với ngành nuôi và chế biến cá tra là vấn đề sống còn. Đây cũng là cách giúp nâng cao chất lượng cá tra, đáp ứng tốt cho các thị trường khó tính; đồng thời hướng tới sự phát triển bền vững, thân thiện môi trường”.
(Theo SGĐTTC)