Việc Ấn Độ, Bangladesh, Indonesia và cả Trung Quốc đẩy mạnh phát triển nuôi cá tra, vốn là loại thủy sản độc quyền của Việt Nam, nếu xét ở một khía cạnh nào đó, sẽ là động lực giúp tái cơ cấu ngành hàng này.
Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết bên cạnh 1,3 triệu tấn cá tra nguyên liệu do Việt Nam sản xuất, hiện Ấn Độ cũng đã nuôi được 650.000 tấn/năm, Bangladesh 450.000 tấn, Indonesia 110.000 tấn và cả Trung Quốc cũng nuôi thành công ở đảo Hải Nam với sản lượng thu hoạch 10.000 tấn.
Trong khi một số ý kiến lo ngại rằng việc các nước đẩy mạnh sản xuất cá tra sẽ làm tăng áp lực cạnh tranh đối với mặt hàng này thì không ít người lại có cái nhìn lạc quan hơn, cho rằng đây là động lực giúp đẩy mạnh tái cơ cấu ngành cá tra trong nước.
Trao đổi với TBKTSG Online, ông Võ Đông Đức, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần chế biến xuất nhập khẩu thủy sản Cần Thơ (Caseamex), cho biết bây giờ Việt Nam không còn “một mình một chợ” trong sản xuất, chế biến và xuất khẩu cá tra.
“Nhưng, đây là sự thay đổi theo hướng tích cực, bởi khi có nhiều quốc gia cạnh tranh, cùng sản xuất cá tra, thì Việt Nam phải xác định lại xem ngành hàng này phải đứng ở vị trí nào", ông nhấn mạnh
Từ cơ sở này, ngành cá tra sẽ có động lực cải thiện mọi mặt, từ vấn đề nuôi, chế biến cho đến xuất khẩu, phát triển thị trường, kể cả tính toán lại vấn đề giá thành sản xuất. “Áp lực đó sẽ nâng trình độ của mình càng lúc càng tốt hơn”, ông Đức nói.
Ngành cá tra Việt Nam đã trải qua 20 năm hình thành và phát triển, từ chỗ xuất khẩu chỉ đạt 1,6 triệu đô la Mỹ vào năm 1997, thì đến năm 2017 kim ngạch xuất khẩu đã vươn tới gần 1,8 tỉ đô la và dự kiến cả năm 2018, kim ngạch sẽ lần đầu tiên vượt con số 2 tỉ đô la.
Tuy nhiên, khi xét về quy trình kỹ thuật nuôi, chủng loại sản phẩm chế biến xuất khẩu, thì trong hai 20 năm qua, ngành cá tra cũng chỉ quanh quẩn ở phân khúc sản phẩm phi lê đông lạnh, xẻ bướm hoặc cắt khúc…. Còn những sản phẩm chất lượng cao, có hàm lượng giá trị gia tăng, thì rất hạn chế, mà theo ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội cá tra Việt Nam (VINAPA), chỉ chiếm khoảng 2% tổng xuất khẩu hàng năm của Việt Nam.
Lý giải nguyên nhân này, ông Quốc cho biết thứ nhất, do đầu tư cho ngành hàng cá tra của Việt Nam chưa mạnh. Thứ hai, sự kết nối thực hiện liên kết ngang giữa các doanh nghiệp với nhau chưa tốt, thậm chí tự doanh nghiệp lại triệt tiêu lẫn nhau. Thứ ba, không có công nghệ mới. Thứ tư, xúc tiến thương mại, quảng bá hình ảnh chưa mạnh.
Trong bối cảnh đó, cùng với áp lực đầu tư phát triển sản xuất của các nước, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP, cho rằng đây sẽ là động để ngành cá tra tái cơ cấu theo hướng nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng nhằm tăng sức cạnh tranh bằng sản phẩm khác biệt. "Điều chính yếu là làm sao sản phẩm của chúng ta đạt chất lượng tốt nhất”, ông nhấn mạnh và cho rằng nếu nhìn vấn đề ở một khía cạnh nào đó, ngành cá tra có những cơ hội tốt để tiếp tục củng cố và phát triển chất lượng.
Theo ông Quốc của VINAPA, bên cạnh ban hành chương trình giống cá tra ba cấp (từ viện trường đến doanh nghiệp và người ương nuôi), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã triển khai chương trình cá tra phi lê chất lượng cao và khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển mặt hàng giá trị gia tăng. Đây được xem là những bước đi để tăng sức cạnh tranh của ngành hàng này.
(Theo TBKTSG)