Thời điểm cuối tháng 10, giá cá tra nguyên liệu tại các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) lên đến 35.000 đồng/kg. Đối với thị trường xuất khẩu, giá cá tra philê cũng lên đến 3,4USD/kg (thị trường EU) và trên 4USD (thị trường Hoa Kỳ).
Theo Bộ NNPTNT, tính đến cuối tháng 9, tổng diện tích thả nuôi cá tra đạt 4.471ha, tổng sản lượng thu hoạch 942.400 tấn, giá trị xuất khẩu đạt 1,68 tỉ USD; so cùng kỳ năm 2017 lần lượt tăng 10%, 9,3% và 29,2%. Năm 2018, ngành hàng cá tra vẫn duy trì được đà tăng trưởng cao cho dù đã có một số khó khăn như chất lượng và giá cá giống không ổn định; người dân tự phát đào ao mương ngoài quy hoạch; áp lực từ chương trình thanh tra cá da trơn của Hoa Kỳ...
Cũng theo Bộ NNPTNT, một số yếu tố đã tạo hiệu ứng tích cực thúc đẩy giá cá tra nguyên liệu và giá cá tra philê tăng cao nhất từ trước tới nay. Cụ thể: Ngày 14.9, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) đã công bố dự thảo công nhận tương đương đối với Việt Nam để xin ý kiến công chúng trước khi công nhận chính thức; ngày 10.9, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã ban hành kết luận sơ bộ thuế chống bán phá giá lần thứ 14 (POR14) cho giai đoạn từ ngày 1.8.2016 - 31.7.2017 đối với sản phẩm cá tra và cá basa của Việt Nam là 0,0 - 2,39USD/kg so với POR13 là 0,69 - 7,74USD/kg; thị trường Trung Quốc vẫn duy trì mức tăng trưởng cao; thị trường EU đã chuyển hướng tăng trưởng tích cực từ tháng 7/2018.
Thị trường thế giới đang diễn biến rất nhanh theo hướng có lợi cho hoạt động xuất khẩu cá tra, là thời điểm để tranh thủ cơ hội thị trường thuận lợi đối với ngành hàng này. Chính vì vậy, Bộ NNPTNT mới đây đã phát đi văn bản gửi chủ tịch UBND các tỉnh/thành phố nuôi cá tra vùng Đồng bằng sông Cửu Long đề nghị chỉ đạo các cơ quan chuyên môn triển khai ngay một số nội dung để duy trì chất lượng sản phẩm, bảo vệ thương hiệu cá tra Việt Nam, hạn chế thấp nhất các rào cản kỹ thuật. Cụ thể, kiểm soát chặt chẽ chất lượng vật tư đầu vào và chất lượng con giống; tuyệt đối không sử dụng chất cấm trong nuôi, chế biến cá tra; quản lý tốt sản xuất, chế biến và truy xuất nguồn gốc theo quy định; khuyến khích người dân, doanh nghiệp đầu tư, phát triển nuôi cá tra theo hướng liên kết chuỗi giá trị để ổn định sản xuất...
Thiết nghĩ đó là chỉ đạo đúng đắn và cần thiết nhằm bảo vệ thành quả của ngành cá tra khu vực ĐBSCL nói riêng và Việt Nam nói chung, và cũng nhằm bảo vệ lợi ích cho các chủ trại nuôi và các doanh nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu.
(Theo BLĐ)